Tinh Hoa

Sự “hồi sinh” của nghệ thuật từ trang sách cũ

Ngày nay, với sự lên ngôi của các thiết bị công nghệ, người ta có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Các ấn phẩm sách in dần dần nhận được ít tình cảm của bạn đọc hơn xưa. Thực tế ấy khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu sách in có theo đà phát triển của công nghệ mà chìm vào quá khứ như những văn tự viết bằng giấy cây sậy vùng sông Nile, văn tự khắc trên đất sét vùng Lưỡng Hà hay sách thẻ tre Trung Hoa một thời hay không?

Đây cũng là điều khiến Cara Barer, nữ nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia 55 tuổi đến từ Houston, Texas ngày đêm trăn trở. Để thể hiện tình yêu với sách in, bà đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời – sự “hồi sinh” của những trang sách cũ.


Đây là một tác phẩm từ sách cũ đấy, bạn có tin không?


Bông hoa giấy làm từ nguyên một cuốn sách.

Vật liệu được nữ nghệ sĩ Cara Barer sử dụng hoàn toàn là sách báo cũ được bà sưu tầm từ các hiệu sách hoặc bạn bè. Loại vật liệu đặc biệt này có ưu điểm là khi còn ẩm, các trang giấy rất mềm và dễ uốn. Khi ở trạng thái khô, chúng sẽ cứng lại và giữ nguyên trạng thái sau khi tạo hình. Nữ nghệ sĩ cho biết, điều bà lưu tâm nhất khi lựa chọn một cuốn sách là đặc tính vật lý của nó. Các loại giấy in khác nhau, màu sắc, kích cỡ cũng như độ dày của cuốn sách là các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến diện mạo của tác phẩm sau này.


Cánh bướm huyền ảo.


Còn nếu bạn muốn tác phẩm có màu sắc sặc sỡ thì hãy chọn tạp chí, truyện tranh hay sách ảnh.


Tác giả đã nhuộm màu sách để có được những dải màu bắt mắt như thế này đấy!

Phương pháp tạo hình của tác giả đơn giản là tạo ra những nếp nhăn trên giấy hoặc cuộn các trang sách lại sao cho khi nhìn cuốn sách ở mặt cắt ngang, ta thu được hình ảnh đẹp mắt. Tuy nhiên, để làm được điều này, người nghệ sĩ phải có óc sáng tạo và con mắt thẩm mĩ tinh tế. Nếu không, tác phẩm chỉ dừng lại ở hành động… phá sách mà thôi.


Trông giống hình một ngọn lửa, phải không nào?


Đơn giản nhưng cực kỳ ấn tượng.

Để tạo được những đường cong uốn lượn như ý, trước hết, nữ nghệ sĩ phải ngâm cuốn sách vào nước trong nhiều giờ, sau đó hong khô vừa phải rồi cuốn lại, làm quăn và tạo nếp. Tác giả còn sử dụng cả lô uốn tóc để uốn tròn rồi dùng miếng dán để cố định các mép giấy với nhau.


Nét cuốn hút của những tác phẩm này chính là đường nét vừa mềm mại, hài hòa…


 … vừa ngẫu hứng, phá cách.

Sau khi tạo hình tác phẩm thành công, khâu cuối cùng của người nghệ sĩ là sắp xếp bối cảnh và ánh sáng phù hợp để ghi lại thành quả lao động nghệ thuật của mình. Tay nghề nhiếp ảnh vốn có đã hỗ trợ cho bà rất nhiều, khiến các tác phẩm lên hình trông “ảo” không kém những bức tranh nổi tiếng hay sản phẩm của đồ họa.


Những vũ điệu mê hồn của giấy.

Với những cuốn sách đã không còn giá trị sử dụng, nghệ sĩ có thể thỏa sức gấp, xé, nhuộm… tùy ý để đạt hiệu ứng hình ảnh tốt nhất. Tuy nhiên, bà Cara Barer khẳng định, không một cuốn sách mới hoặc cuốn sách quan trọng nào bị phá huỷ trong quá trình sáng tác.


Những bông hoa giấy rất xinh nhé!


Tác phẩm này có tên “Rogets”.

Việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật không chỉ bao gồm chạm trổ, tạc, đúc hay nhào nặn. Đó còn là cách người nghệ sĩ tác động vào đối tượng để diễn đạt ý tưởng của mình. Và cách mà nữ nghệ sĩ của chúng ta sử dụng để tác động vào vật liệu sách cũng chính là một phần của nghệ thuật.