NÉT DUYÊN TRONG GIAO TIẾP
Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu của con người, nó được hình thành từ ngàn xưa khi con người có nhu cầu trao đổi, chia sẻ , bộc lộ tâm tư, tình cảm và mong muốn với nhau. Thông qua quá trình giao tiếp, nét duyên ngầm ẩn sâu trong con người mới được bộc lộ. Người Việt Nam ta đặc biệt coi trọng việc giao tiếp vì vậy mà họ thích giao tiếp và cũng rất có duyên trong giao tiếp.
Cái duyên trong giao tiếp của người Việt Nam thể hiện trước hết ở thái độ nhã nhặn, lịch sự của đối tượng giao tiếp. Khi mới gặp nhau, dù là người là hay người quen, người Việt Nam vẫn luôn lấy lời chào làm câu cửa miệng. “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Trong quan hệ xã giao, lời chào hỏi đon đả, cởi mở sẽ khiến đối tượng giao tiếp vui hơn rất nhiều so với việc đãi họ một bữa ăn ngon. Lời chào trong giao tiếp đã trở thành một tục lệ đẹp của người Việt giống như một thứ “rượu khai vị” trước bữa ăn, nó làm cho bữa ăn trở nên ngon và đậm hơn.
Cái tình của người Việt đã trở thành chuẩn mực của mọi hoạt động giao tiếp. Cũng từ lối sống tình cảm, thân thiện ấy mà người Việt Nam đánh giá rất cao lời ăn tiếng nói của con người. Nhiều khi chỉ cần một lời nói có tình nghĩa thôi đã khiến người ta thấy ấm lòng : “Chẳng được miếng thịt miếng xôi/ Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng”. Một lời nói khéo, ý tứ, tế nhị sẽ làm cho khách thể giao tiếp hài lòng. Nó tạo cho người ta thói quen phải đắn đo, cân nhắc kỹ trước khi nói:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
hay:
“Vàng sa xuống giếng khó tìm
Người sa lời nói như chim sổ lồng”
Vì thế mà khi thực hiện theo cách thức giao tiếp này sẽ khiến chủ thể giao tiếp chỉ thốt ra toàn những “lời vàng tiếng ngọc”, không sợ đắc tội với ai vì đã được xáo xào kỹ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” rồi. Thông qua giọng điệu, ngôn ngữ, cách thức giao tiếp, người ta có thể nhận ra đâu là người thuộc lớp người khôn ngoan: “Người khôn thử tiếng, người ngoan thử lời”. Và như thế, trong cách ứng xử với người khôn ngoan khi họ mắc lỗi cũng có phần khác biệt so với những người khác:
“Người khôn nói mánh, đứa dại đánh đòn”.
“Người khôn không nỡ đòn roi
Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay”
Và cũng xuất phát từ đặc điểm trọng tình người ấy mà người Việt Nam luôn lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử, yêu ghét rạch ròi:
“Yêu cho ăn cháy, ghét cho cạy nồi”
“Yêu nhau mọi việc chẳng nề
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”
“ Yêu nhau cau bảy bổ ba
Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười”
“Yêu nhau bốc baỉ giần sàng
Ghét nhau đĩa ngọc mâm vàng chớ thây”
Cái tình ngươì đã ăn sâu vào trong tâm trí của người Việt Nam. Tuy vẫn sống vừa có lý vừa có tình nhưng cái tình nặng nghĩa đã kéo con người nghiêng hẳn về phía mình. Vì vậy, cách ứng xử trong giao tiếp của người Việt vẫn rất nặng tình: “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”.
Người Việt Nam luôn sống hoà mình với mọi thành viên trong cộng đồng. Cũng chính vì vậy mà người ta thường coi trọng tình làng nghĩa xóm. Khi rảnh rỗi, lúc nông nhàn, họ vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, trò chuyện lẫn nhau. Có miếng ăn ngon nào cũng mang sang nhà bên chia sẻ. Đặc biệt là khi gặp khó khăn, hoạn nạn thì tình cảm làng xóm láng giềng càng trở nên thân thiết, gắn bó: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”/ “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Thứ tình làng nghĩa xóm ấy là cần thiết và đôi lúc nó hơn hẳn thứ tình “anh em như chông như mác” ở đời: “Người dưng có ngãi thì đãi người dưng/ Anh em vô ngãi thì đừng đãi anh em”.
Cũng bởi do tính cộng đồng mà người Việt Nam rất trọng danh dự, uy tín. Dù sống trong hoàn cảnh, môi trường như thế nào thì vẫn phải giữ lấy nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của mình:“Đói cho sạch, rách cho thơm”. Tiếng thơm, tiếng xấu do con người tạo ra sẽ được lưu truyền muôn đời: “Trâu chết để dạ, người ta chết để tiếng”. Bởi vậy dân gian vẫn có câu khuyên người ta phải giữ thanh danh, không được làm điều xấu nếu không tiếng xấu ấy sẽ mãi để đời:
“Trăm năm bia đá thời mòn
Nghìn năm bia đá miệng còn trơ trơ”.
Giao tiếp là một nghệ thuật và chính cái duyên trong giao tiếp đã tạo nên “nghệ thuật đối nhân xử thế” rất đẹp, rất tình trong con người Việt Nam. Cái duyên ý nhị sâu xa ấy đã được hình thành từ ngàn năm và cho đến bây giờ, nó sẽ tiếp tục đồng hành cùng người Việt ta trong mọi hoạt động giao tiếp/.
Diệu Thủy