Nó không đơn thuần là vật trang sức mà còn ẩn chứa nhiều bí mật thú vị.
Chiếc khuyên mũi với hoa văn và tạo hình cầu kỳ là một biểu tượng cho nét đẹp của phụ nữ Ấn. Nó không đơn thuần là vật trang sức mà còn ẩn chứa nhiều bí mật thú vị. Dù khuyên mũi được dùng phổ biến nhất tại Ấn Độ nhưng nó lại có nguồn gốc từ tục lệ xâu mũi ở các quốc gia Ả Rập. Phụ nữ Ấn Độ thường dùng các loại khuyên lớn nhỏ xuyên cánh mũi, hoặc đính nhẹ các hạt đá long lanh bên khe mũi để biểu thị tình trạng hôn nhân của mình.
Chiếc khuyên mũi trở thành biểu tượng cho nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Ấn Độ.
Các thiếu nữ đồng trinh thường không đeo khuyên mũi. Chỉ tới ngày xuất giá, cô dâu mới tô điểm cho khuôn mặt của mình thêm rạng ngời bằng chiếc khuyên được trang trí cầu kỳ và kích thước lớn để đánh dấu thời khắc trọng đại trong cuộc đời.
Phụ nữ đã có chồng thường đeo những chiếc khuyên có kích thước vừa phải, trang trí hài hoà. Và khuyên mũi lúc này trở thành vật bất ly thân của họ. Thậm chí, có người còn khéo léo nối khuyên mũi và khuyên tai, tạo thành một kiểu trang trí độc đáo trên gương mặt.
Tuỳ vào từng địa phương, phong tục đeo khuyên mũi cũng được biến hoá khôn lường. Tại miền nam Ấn Độ, cô dâu thường đính trên cánh mũi chiếc khuyên nhỏ làm từ đá quý, dưới lỗ mũi trái còn đeo thêm khuyên làm bằng trân châu và các ngón chân cũng phải đeo nhẫn. Riêng phụ nữ miền bắc lại đeo những khuyên mũi có kích thước lớn và dùng một sợi dây nhỏ bằng vàng nối liền với khuyên tai, tạo nên nét đẹp huyền bí.
Ngoài ra, những phụ nữ đã kết hôn còn đeo thêm một chiếc chuông nhỏ ở chân để tôn thêm nét đẹp, xua đuổi tà ma và có tác dụng ngăn chồng làm chuyện “ong bướm”.
Theo 24h