Tinh Hoa

Những mảnh đời vô gia cư ở thành phố New York

Tôi gặp Scott và Whitney vì họ ngủ gần căn hộ của tôi ở Upper West Side. Tôi tò mò bởi những tờ note của Scott và Whitney dán trên tường và thấy họ sáng tạo đấy chứ. Thế rồi tôi chờ đến khi họ ngủ dậy.

Scott (23 tuổi) ngỏng đầu lên, anh lay lay Whitney (25 tuổi) đang nằm bên cạnh mình. Câu chuyện của những người vô gia cư ở thành phố New York giàu sang cứ thôi thúc tôi muốn viết thành lời, thành câu chuyện của những mảnh đời không nhà cửa, ăn xin ở một góc của thành phố New York.

Scott và Whitney gặp nhau lần đầu tại khuôn viên Đại học Bard ở Red Hook, New York cách đây 2 năm. Scott kể lại: “Tôi đến thăm một người bạn đang học ở Bard và tôi đã gặp Whitney. Ban đầu, cô ấy tưởng tôi cũng là sinh viên”.

Trên thực tế, Scott đã sống trong cảnh vô gia cư được 5 năm khi họ gặp nhau, sau khi đã học trường trung học GED và ra khỏi ngôi nhà của mẹ anh ở đảo Staten. Còn Whitney, cô cũng đã mất việc làm ở một siêu thị khi họ gặp nhau. Tìm một công việc khó hơn cô tưởng tượng nhiều lần, cô tiêu hết số tiền dành dụm được và 2 người bắt đầu sống lang thang trên đường phố.

Chỗ ở Scott và Whitney là cửa nhà thờ, cũng là nơi gần căn hộ của tôi. Nơi họ ở có những mẩu thuốc lá hút dở đựng trong cốc. Scott chia sẻ: “Một trong những lý do mà nhà thờ cho phép chúng tôi ở đây là chúng tôi không được bày bừa và phải dọn dẹp sạch sẽ”.

Một lúc sau, họ cuộn chiếc chiếu lại và một người đàn ông khác cũng cùng cảnh ngộ như Scott và Whitney, ông Jacob, đi bộ tới và nói lời chào buổi sáng. Scott và Whitney cũng đã kể sơ qua cho tôi nghe về ông Jacob. Ông là một người nghiện rượu và không thể sống được nếu thiếu rượu. Ông ta vừa điên lên vì có người đến hỏi xin chút ít rượu vodka. Ông ta nói giọng bực tức: “Tôi có đến cả 5 chai vodka nhưng tôi không muốn lấy ra khi tôi đang ngủ”.

Một người nữa trong nhóm là Cheerio. Anh này mang đôi tất màu mè như bảy sắc cầu vồng và chiếc quần jeans xoăn xoăn tới đầu gối. Cheerio có vẻ khấm khá hơn vì vừa được hưởng khoản thừa kế 65.000 USD, và vừa mua cho mỗi người trong nhóm một đôi giày để giữ ấm mùa đông, hứng lên tặng cho mấy người cùng cảnh hàng trăm đô.

Trước đây, Scott và Whitney đã từng ở trong các khu tị nạn của thành phố, nhưng sau đó cả 2 bị mất cắp, rồi có lần Whitney còn bị đánh. Vậy nên chỗ ngủ của họ giờ là cửa nhà thờ và một vị trí trong công viên bên dưới cây thông.

Cứ khoảng 6 tuần một lần, Scott và Whitney lại về thăm mẹ Scott khi bà cho phép. Scott kể về mẹ: “Mẹ tôi đã cai rượu. Bố tôi túng quẫn và đang sống ở Bronx. Họ cũng có những vấn đề để lo riêng”.

Bố của Whitney đã qua đời, mẹ cô hiện cũng không biết con gái đang sống lang thang ở New York. Whitney kể về mẹ: “Tôi nói chuyện với mẹ khoảng 1 lần/tuần. Chúng tôi rất thân thiết”. Whitney vẫn thường nói với mẹ rằng cô hiện đang sống cùng bạn và mẹ cô cũng không hỏi nhiều. Trong cuộc nói chuyện với tôi, Whitney đã nói với tôi đừng nói họ của cô vì cô sợ mẹ cô biết cô đang lang thang bà sẽ buồn.

Scott và Whitney mới tổ chức đám cưới vào cuối tháng trước. Sau một thời gian loay hoay làm các thủ tục giấy tờ, họ đã có giấy đăng ký kết hôn và chính thức trở thành vợ chồng hôm 27/10. Một trong những người bạn thời trung học của Scott đứng ra tổ chức lễ cưới cho 2 người.

Hiện họ đã đăng ký với tổ chức Goddard, nơi chuyên giúp đỡ các cặp vợ chồng tìm kiếm nơi ở. Họ khoe rằng sau khi kết hôn, họ sẽ được cấp cho một căn hộ. Scott mơ ước được trở lại trường học, cặp đôi rất thích đọc sách. Anh cũng mơ một ngày được tới Paris và trở thành một tác giả. Tôi có hỏi Scott về chính trị nhưng anh nói anh không hợp và chia sẻ: “Đã có 3 tổng thống thay đổi nhưng cuộc đời tôi thì chưa có gì đổi thay”.

Những mảnh giấy note dán trên tường, thông điệp giao tiếp của Scott và Whitney với những người bạn của mình.

Đây là nơi Scott và Whitney ngủ. Whitney luôn ngủ bên trong.

Cơn bão Irene đã cướp hết đồ đạc của Scott và Whitney. Họ rời Manhattan và đến một ngôi nhà của bạn tại đảo Staten nhưng nơi đây sau đó cũng bị ngập, rác rưởi kéo đến đầy nhà làm hỏng cả chiếc túi ngủ mùa đông của họ.

Scott lang thang đã 7 năm. Anh đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức. Anh và Whitney vừa trở thành vợ chồng và đây là cơ sở pháp lý để anh có thể nhận được hỗ trợ về nhà cửa. Cả 2 vợ chồng giờ đang rất cần công việc. Scott cũng muốn trở lại học ở trường.

Scott gần đây nộp đơn xin việc làm thu ngân ở một cửa hàng rượu vang. Vài lần quay lại cuối cùng người chủ trả lời anh rằng họ chỉ thuê người nhập cư.

Đây là người cùng cảnh vô gia cư như vợ chồng Scott, ông Jacob. Người đàn ông này nghiện rượu nặng và không thể sống thiếu rượu.

Đây cũng là một người đàn ông lang thang ở thành phố New York. Tên anh là Cheerio. Gần đây, anh có vẻ rủng rỉnh hơn những người đồng cảnh ngộ và đã hỗ trợ những người bạn lang thang của mình. Theo Scott, Cheerio tính khí bất thường, có lúc anh ta sẵn sàng cho những người bạn của mình hàng trăm đô la nhưng có lúc thì rất nóng nảy, dữ dằn.

Cheerio tặng cho Scott, Whitney mỗi người một đôi giày.

Scott và Whitney chia nhau mọi thứ, kể cả điếu thuốc hút dở nhặt được trên đường phố.

2 vợ chồng thường mua đồ ăn sáng ở chiếc xe này. Tiền ăn sáng do họ ăn xin được. Mỗi ngày cặp đôi xin được khoảng 50-60 USD, đủ để mua những thứ nhỏ nhặt.

Mặc dù đã cố gắng tìm một công việc nào đó nhưng không có điện thoại và không thể có một bộ quần áo tươm tất, sạch sẽ, họ khó lòng tìm được việc. Cũng có lần họ đã tìm được việc đấy, nhưng là trông một con mèo lạc với giá 20 USD/ngày.

Một người lang thang nữa là Phillip. Anh này rất thích uống rượu bữa sáng cùng Jacob.

Những người bạn đường phố gặp gỡ nhau.

Họ cũng có những giây phút hạnh phúc như thế này, nhưng rồi nhanh chóng rời nhau, mỗi người mỗi ngả để tìm việc và đi xin tiền.

Gốc cây thông, một nơi ngủ của họ. Khi không ngủ ở cửa nhà thờ, họ sẽ ngủ ở đây.

Nhiều người không tin họ là những kẻ lang thang, không nhà cửa. Scott vẫn thường nghe thấy những câu kiểu như: “Anh còn trẻ lại là người Mỹ, làm sao có thể vô gia cư được?”. Scott và Whitney đều cho rằng nếu có việc gì đó cho họ làm, thì họ sẽ từ bỏ việc ăn xin ngay. Ngửa tay ra xin tiền người khác nhiều khi thật ê chề, Scott kể: “Họ đi qua và chửi chúng tôi. Thậm chí một phụ nữ đã gọi cảnh sát mỗi khi Whitney đi qua”.

Bảng ăn xin của Whitney. Theo Whitney, người châu Phi và Mỹ thường hay cho tiền. Người châu Á ít cho nhất nhưng đã cho thì cho nhiều. Phụ nữ Ả-rập thường bảo chồng cho.

đỗ quyên

Theo Bưu Điện Việt Nam