Theo số liệu của Công viên quốc gia Nam Phi, có 341 con tê giác bị giết tính từ đầu năm 2011 đến nay, vượt xa con số được coi là kỷ lục 333 con năm ngoái, BBC dẫn thông cáo của WWF cho hay.
Sự gia tăng đột biến nạn săn trộm tê giác ở châu Phi và Nam Á phần lớn do nhu cầu sừng tê giác sử dụng cho y học cổ truyền, trong đó có thị trường Việt Nam, WWF nhận định.
WWF cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực trong thực phi pháp luật nhưng vẫn không đủ để ngăn chặn các tổ chức buôn lậu sừng tê giác. Trong vòng năm năm tính đến năm 2005, trung bình có 36 con tê giác đã bị giết mỗi năm ở Nam Phi. Những kẻ săn trộm cưa sừng tê giác và để con vật chảy máu đến chết.
Sừng tê giác luôn là đối tượng săn lùng của các tay buôn lậu. Ảnh: Wikipedia. |
Nam Phi trở thành điểm nóng của nạn săn bắn trộm tê giác do đây là nơi có số tê giác sống nhiều nhất trên thế giới, với 1.916 con tê giác đen và 18.780 con tê giác trắng.
“Kể từ khi bảo vệ vũ trang cho tê giác tại Công viên quốc gia Nam Phi được tăng cường, các nhóm săn trộm đã chuyển sang các nước có năng lực thực thi yếu hơn, bao gồm cả các nước châu Á”, BBC dẫn lới Carlos Drews, giám đốc chương trình các loài toàn cầu của WWF trong một tuyên bố.
Tại cuộc họp diễn ra hồi năm ngoái của các nước tham gia Công ước buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), cộng đồng quốc tế đưa ra kết luận, sự gia tăng nạn săn trộm tê giác chủ yếu xuất phát từ nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm sừng tê giác. They y học Đông phương, sừng tê được cho là có thể chữa nhiều bệnh nan y, thế nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này.
Mới đây, tê giác Java một sừng ở Việt Nam đã được tuyên bố tuyệt chủng. Trên tờ Telegraph, ông Tom Milliken, Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật doang dã (TRAFFIC) cho rằng: “Không có nhiều bất ngờ khi chứng kiến cảnh chiếc sừng không còn trên cơ thể con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam. Điều này chính là lời kêu gọi chính phủ Việt Nam mạnh tay hơn nữa với những kẻ săn bắn và buôn bán sừng tê”.
Trên thị trường đen, giá một kg sừng tê lên đến hơn 100 triệu đồng.
“Chính tin đồn vô căn cứ về sừng tê giác có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư đã kết liễu số phận cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam”, tiến sĩ A. Christy Williams, chuyên gia tê giác thuộc WWF châu Á nói.
Hương Thu