– 6 phi hành gia tình nguyện tham gia cuộc hành trình mô phỏng lên sao Hỏa có tên gọi Mars-500 sẽ “hạ cánh” xuống trái Đất ngày hôm nay (4/11) sau đúng 520 ngày sống biệt lập tại một trung tâm nghiên cứu của Nga.
Mars-500 là một thí nghiệm lớn mô phỏng chuyến bay có người lái lên sao Hỏa bắt đầu từ ngày 3/6/2010, được chia thành ba giai đoạn: “bay” từ Trái Đất lên sao Hỏa, “ở lại” trên hành tinh Đỏ và “trở về Trái Đất”.
Cuộc thí nghiệm chưa từng có tiền lệ đã mô phỏng thời gian và cuộc sống tách biệt của hành trình khứ hồi lên hành tinh Đỏ, gồm cả các chuyến đi bộ trên bề mặt sao Hỏa và những cuộc liên lạc với bên ngoài kéo dài 20 phút mới nhận được.
Các thành viên đội thử nghiệm đã thực hiện 3 cuộc “du ngoạn” trên bề mặt của sao Hỏa, lấy mẫu đất đá, mô phỏng một tình huống khẩn cấp với chấn thương thông thường của một trong những thành viên phi hành đoàn, phát hiện vật lạ là một nam châm có hình xương động vật.
6 du hành gia tình nguyện trong cuộc thí nghiệm Mars-500 mô phỏng chuyến bay có người lái lên sao Hỏa |
Nhưng thực tế kể từ khi đội du hành đa quốc tịch lần đầu tiên “cất cánh” ngày 3/6/2010, module của họ vẫn nằm trên trái Đất tại một bãi đỗ xe bên ngoài cơ sở nghiên cứu ở Moscow.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện các vấn đề y sinh Moscow sẽ mở cửa khoang module từng là “tổ ấm” của những phi hành gia tình nguyện trong 520 ngày vào lúc 10h GMT ngày 4/11/2011 và họ sẽ lần đầu tiên bước ra ngoài cuộc sống thực tế sau 18 tháng sống biệt lập.
Các nhà khoa học khẳng định cuộc thí nghiệm là bước chuẩn bị cực kỳ quan trọng cho chuyến du hành có người lái lên Sao Hỏa sau này.
Phi hành đoàn gồm 1 người Trung Quốc, một người Ý, một người Pháp và 3 người Nga dự kiến sẽ được gặp gia đình và bạn bè cũng như những khách cấp cao nhất, gồm cả người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Vladimir Popovkin.
Tuy nhiên, 6 du hành gia sẽ không thể hưởng thụ cuộc sống bình thường ngay lập tức vì họ sẽ phải được đưa đi kiểm ra sức khỏe tại bệnh viện của Viện khoa học Nga.
Truyền thông cũng không được mời tới chứng kiến các tình nguyện viên – phi hành gia bước ra khỏi module của họ vì sợ rằng “đội du hành” có thể bị tác động bởi thời tiết Moscow lạnh giá cuối thu và các virút cúm sau một thời gian dài không tiếp xúc với bất cứ ai bên ngoài.
Minh Phạm (Theo AFP, RUVR)