Cách dạy con của người xưa: Trọng Đức tu thân (2)
Nhan Thị gia huấn
Nhan Chi Thôi là nhà tư tưởng và giáo dục thời kỳ Nam Bắc triều của Trung Quốc. Ông xuất thân gia đình trí thức, được ảnh hưởng bởi Lễ Pháp danh giáo của nhà Nho, lại kính trọng tin tưởng Thần Phật, vững tin vào nhân quả. “Nhan thị gia huấn” là tổng kết kinh nghiệm lập nghiệp, xử thế, và học tập cả đời. Bộ sách này được người đời sau xem như quy phạm gia giáo, có ảnh hưởng rất lớn. Cả quyển có 20 bài, nội dung chủ yếu nhấn mạnh tu dưỡng đạo đức. Cuốn sách lấy tư tưởng truyền thống của nhà Nho là “Thành tín, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để giáo dục con cháu, tuyên dương đạo lý cương thường cùng với tư tưởng báo ứng nhân quả của nhà Phật. Đây là bộ sách có nội hàm văn hóa phong phú. Cho rằng giáo dục con cháu phải xác lập chí hướng và lý tưởng cao xa, có chuẩn tắc đạo đức nhân nghĩa như Nghiêu Thuấn, khi trải qua khổ nạn vẫn phải chú trọng bồi dưỡng khí tiết. Ông nói: “Người có chí hướng cao thượng, có thể rèn luyện, nhờ đó làm nên sự nghiệp”.
Nhan Chi Thôi cho rằng học tập mục đích chủ yếu là để mở mang tâm trí, hoàn thiện đức hạnh, hành Đạo làm lợi cho thế gian, đầu tiên phải có động cơ đoan chính, cần phải đọc sách Thánh hiền, thực hành đạo nghĩa. Về phương diện học tập, ông chủ trương chuyên tâm, chăm chỉ, rèn luyện, thực tiễn. Ông rất coi trọng việc giáo dục con cái từ khi còn nhỏ, hơn nữa càng sớm càng tốt, không nên để lỡ mất cơ hội. Mấy người con của Nhan Chi Thôi mới 3 tuổi đã bắt đầu đọc sách và đọc thuộc lòng kinh điển. Khi các con hỏi: “Chúng ta biết cần phải đọc sách, nhưng tại sao lại sớm thế?”, Nhan Chi Thôi dạy: “Tiếp xúc với kinh sách Thánh hiền càng sớm càng tốt, giờ trí nhớ tốt, thuộc lòng rồi thường là cả đời không quên”. Nhan Chi Thôi còn giáo dục con cái suốt đời đều cần học tập, siêng năng biết quý tiếc thời gian, bất kể là thời chiến tranh hay khi cuộc sống nghèo khổ, ông đều đôn đốc con cái chuyên cần học tập kinh sử. Ông còn nói: “Đọc sách thấu hiểu đạo lý, vào bất cứ lúc nào, nhất là khi nguy cấp hay mỗi khi gặp chuyện lớn thì hiểu biết rõ cần phải làm sao”. Các con ông sau này đều có thành tựu rất lớn về kinh sử, đều trọng tiết tháo, làm việc có tinh thần trách nhiệm rất cao.
(còn tiếp)
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2011/3/1/古人教子理念-重 德修身(二)-236984.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/html/articles/2011/3/24/124002.html
Đăng ngày 19-05-2011: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.
Chuyên mục: Bài có ảnh, Gương người xưa