Tinh Hoa

Giới trẻ Trung Quốc băn khoăn giữa tiền và tình

An Tian, khách mời một chương trình truyền hình của Trung Quốc đã khiến nhiều người bất ngờ khi cho rằng chỉ với câu hỏi “Bạn sẽ làm gì nếu trúng sổ xố 10 triệu đô la?”, anh có thể biết được cô gái đó có nhân cách hay là người ích kỷ.

If you are the one là một chương trình hẹn hò truyền hình đang rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Trong đó một anh chàng độc thân sẽ chọn ra một người phù hợp trong số 24 cô gái tham gia để hẹn hò.

Chương trình từng gặp phải sự chỉ trích của rất nhiều người vì cho rằng nó đang cổ vũ cho các giá trị phi truyền thống trong giới trẻ Trung Quốc hiện nay. Một trong số đó phải kể đến phát ngôn gây của sốc cô người mẫu 24 tuổi, Ma Nou. Cô cho biết “tôi thà khóc trong một chiếc xe BMW còn hơn là cười khi ngồi ghế sau xe đạp”. Câu trả lời của cô đại diện cho một xu thế mới của thời đại, ở đó những cô gái không chú trọng đến tình cảm mà chạy theo vật chất.

Ảnh: Chindaily.

Và gần đây nhất, anh chàng An Tian, một người Mỹ gốc Trung Quốc cũng gây xôn xao dư luận với một quyết định bất ngờ vào phút chót của chương trình. Anh đã suýt nữa chọn một trong hai thí sinh còn lại trước khi đưa ra câu hỏi cuối cùng: “Bạn sẽ làm gì nếu trúng sổ xố 10 triệu đô la?”.

Một cô gái cho biết: “Tôi sẽ đưa mẹ đi du lịch, yêu cầu bà nghỉ hưu”, còn người còn lại thì trả lời “Điều đó sẽ không làm thay đổi gì cuộc sống của tôi. Tôi sẽ vẫn sống như trước đó”.

Theo Chinadaily, sau khi nghe câu trả lời của hai thí sinh, An cau mày và quyết định rời sân khấu một mình. Có vẻ như cả hai câu trả lời đều không đáp ứng mong muốn của anh. Câu trả lời An thực sự mong đợi là cô gái sẽ dùng số tiền đó để lập quỹ từ thiện.

An đã có bằng cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) và Oxford (Anh), và hiện học lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Berkeley (California).

Trong thời kỳ kinh tế thị trường, mọi người đều mải theo đuổi những lợi ích cá nhân ích kỷ. Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến con người ngày càng sống thực tế hơn và thậm chí không có thời gian để nghĩ đến việc làm gì cho người. Vì thế, tình huống trong câu chuyện của An nhắc nhở chúng ta về một vấn đề đạo đức thường bị lãng quên.

Tuy nhiên, liệu có thể chỉ bằng một câu hỏi là có thể đánh giá một người có nhân cách hay sống ích kỷ? Rõ ràng là câu hỏi của An không công bằng với cả hai cô gái.

Trước hết, anh đã đi đến kết luận quá vội vàng. Có vô số câu trả lời cho một câu hỏi mở, vậy tại sao chỉ có duy nhất câu trả lời của An mới là đáp án chuẩn mực?

Câu trả lời của cả hai thí sinh đều có khía cạnh tốt. Một cho chúng ta thấy cô nghĩ về bố mẹ của mình, còn câu trả lời của thí sinh còn lại cho thấy cô sẽ không từ bỏ những nguyên tắc sống của mình thậm chí là sau khi có được một món hời kếch xù.

Thứ hai, anh đã hỏi nhầm người. Không thể phủ nhận rằng sự giàu có cho phép ai đó có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Nhưng nếu bạn hỏi những doanh nhân thành đạt-những người đi lên từ hai bàn tay trắng- rằng họ sẽ làm gì nếu bất ngờ có một khoản tiền lớn thì có thể họ sẽ nói rằng muốn dùng số tiền này để kinh doanh. Khi đó, bạn không thể quy chụp về nhân cách của họ. Vì rõ ràng, sau này họ cũng làm từ thiện họ vẫn đóng góp nhiều cho cộng đồng.

Vì thế, giả thiết của An cho rằng những phụ nữ này không muốn giúp cộng đồng là không đúng. Mỗi người có một cách khác nhau để làm việc vì cộng đồng. Không phải cứ có tiền lập quỹ từ thiện mới là giúp người. Một người chỉ cần làm tốt nghĩa vụ của mình, không vi phạm pháp luật, đấu tranh cho sự bất công và tội ác, nhường chỗ cho người già khi ở trên xe bus thì cũng là đã phục vụ cộng đồng.

Phương Trang