Tinh Hoa

8 tỷ Euro cho Hy Lạp: Không “ngon xơi” như lời hứa

Các nhà lãnh đạo châu Âu vừa cho hay, gói cứu trợ tiếp theo trị giá 8 tỷ Euro sẽ chỉ tới tay Hy Lạp sau khi họ hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ khẩn cấp mới nhất của Liên minh Châu Âu (EU).

Theo dự kiến ban đầu, Hy Lạp sẽ được nhận gói cứu trợ này vào giữa tháng 11. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã đổi khác.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý này có thể sẽ được tổ chức vào ngày 4 -5/12 tới, trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, động thái này nhằm quyết định xem Hy Lạp có muốn ở trong khu vực đồng Euro nữa hay không.

Trước đó, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nước G20 tại Cannes (Pháp), Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou từng triệu tập các nhà lãnh đạo nước này để giải thích về quyết định đầy bất ngờ của ông trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

 

Sự việc này đã gây rối loạn thị trường tài chính trong ngày thứ 3 vừa qua và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác đã không đồng tình với quan điểm của ông George.

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức trước đó từng kêu gọi ông Papandreou kiên định với những cam kết của mình đồng thời quyết định xem liệu Hy Lạp có ở khu vực đồng Euro nữa hay không. Tuy nhiên, ông Papandreou khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ giúp ông có được quyết định sáng suốt nhất.

Trái lại, người dân Hy Lạp đang nổi cơn thịnh nộ do các nhà lãnh đạo ở đây không ngừng yêu cầu họ cắt giảm chi tiêu nhiều hơn nữa để kế hoạch giải cứu đất nước khỏi nguy cơ vỡ nợ mới của họ thành công như mong đợi.

Khủng hoảng chính trị đang có nguy cơ lan rộng ra toàn châu Âu

Phát biểu trước chuyến công du sang Pháp, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho hay: “Họ cần phải đáp ứng nhiều nhu cầu hơn nữa thì mới có thể khôi phục được niềm tin của các nhà đầu tư ở khu vực đồng Euro”.

 

Đó cũng là những gì mà phát ngôn viên Jay Carney của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn nhắn nhủ tới các nhà lãnh đạo ở châu Âu.

Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc lại kêu gọi các nhà lãnh đạo thuộc EU thuyết phục Hy Lạp từ bỏ ý tưởng trưng cầu dân ý nhằm giúp họ tìm thấy giải pháp tốt hơn trong việc giải quyết các khủng hoảng chính trị ở đây.

Các ngân hàng cũng đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất để thúc đẩy đà tăng trưởng, cũng như để giúp Italy và các chính phủ đang ngập đầu trong nợ nần khác sớm tìm được lối thoát.

Hai thành viên người Đức thuộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã xin từ chức hồi đầu năm nay chỉ để bày tỏ sự phản đối quyết liệt của họ trước chính sách mua lại các khoản nợ của Italy và Tây Ban Nha.

Các nhà lãnh đạo thuộc khu vực đồng Euro đang “gạ gẫm” Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi khác đầu tư vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao đã phát biểu tại Cannes (Pháp) rằng họ sẽ không xem xét tới việc đầu tư vào EFSF cho đến khi tình hình của Hy Lạp được giải quyết.

M.Q