Hoạt động cho vay nặng lãi vốn được coi là điều bất hợp pháp ở Trung Quốc. Thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, là một ví dụ điển hình. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đứng bên bờ vực phá sản do vay vốn “chợ đen” với lãi suất trên trời, không đủ sức thanh toán, tờ Liberation của Pháp cho hay.
Dưới nhan đề “Tín dụng đen đe dọa Trung Quốc”, bài viết của phóng viên Philippe Grangereau đăng trên tờ Liberation được RFI dẫn lại cho hay, hiện tượng vay nóng chợ đen đang lan tràn và ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa vì không thể xoay sở tiền trả nợ.
Hàng nghìn công ty ở TQ phải đóng cửa vì vỡ nợ |
Thành phố Ôn Châu vốn được coi là một trong những vùng năng động nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, hàng ngàn công ty cỡ nhỏ tại đây đã phải đóng cửa. Cả trăm chủ doanh nghiệp đã tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài hoặc ẩn nấp đâu đó. Đã có tới 3 người tự sát, để lại những món nợ kếch xù.
Tình hình nghiêm trọng tới mức Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi đầu tháng này đã phải tới tận đây xem xét, nhằm tìm ra biện pháp ngăn chặn “cơn bão” này lan rộng mạnh hơn.
Theo tờ Liberation, Ôn Châu là thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, phía đông của Trung Quốc. Nền kinh tế tại địa phương này hoạt động theo mô hình khá cởi mở. Không ít doanh nghiệp trong số 400.000 công ty vừa và nhỏ ở đây đã vay tiền ở các tổ chức tín dụng tư nhân, vốn dĩ được xem là bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đen này đã cho vay số tiền lên tới 177 tỷ Nhân dân tệ cho riêng ngành địa ốc. Khoản tiền trên tương đương với tín dụng mà các ngân hàng nhà nước cung cấp.
Một phần không nhỏ tiền trong các tổ chức tín dụng trái phép này đến từ tiền tiết kiệm của người dân. Nhiều người dân ở thành phố kinh tế phát triển Ôn Châu đã đem tiền tiết kiệm của họ gửi vào đây, vì mức lãi suất huy động hấp dẫn hơn nhiều các nhà băng quốc doanh.
Các tổ chức tín dụng đen này hoạt động rất mạnh, do khu vực ngân hàng quốc doanh đang tìm cách siết chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát. Do đó, để vay được tiền, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp hậu quả, chấp nhận vay nặng lãi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nói chung của Trung Quốc đang suy giảm do tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp và tiền lương trả cho công nhân đang tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Ôn Châu đã rơi vào cảnh khó thanh toán nợ nần và dẫn tới tình trạng phá sản hàng loạt.
Theo Liberation, vụ việc ở Ôn Châu có thể chỉ là sự khởi đầu. Bài báo dẫn lời chuyên gia Willy Wo-Lap Lam của trường Đại học Hồng Kông cho rằng, hiện tượng ở Ôn Châu đang lan ra những nơi khác, nhất là ở nhiều thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông.
Theo Hồng Ngọc/VnEconomy