Tinh Hoa

Trung Quốc: bạo động chống tăng thuế

TT – Hàng trăm lao động nhập cư đã phong tỏa đường cao tốc và bao vây tòa nhà chính quyền ở thị trấn Chức Lý, quận Ngô Hưng (tỉnh Chiết Giang) để phản ứng chính sách thuế quá cao và bất hợp lý.

 

Hình ảnh từ cuộc bạo động ở Chức Lý

 

Các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa những người biểu tình và cảnh sát chống bạo động. Theo Đài truyền hình Phượng Hoàng, sự việc bùng phát từ trưa 26-10 và kéo dài đến trưa 27-10 mới chấm dứt, song cư dân tại Chức Lý lại khẳng định biểu tình vẫn còn đang tiếp diễn.

Bức xúc vì thuế bỗng tăng gấp đôi

Vụ việc bắt đầu, như báo Bưu Điện Miền Nam Trung Quốc cho biết, khi nhân viên thu thuế thị trấn Chức Lý tranh cãi rồi xô xát với một chủ xưởng may quần áo trẻ em vì ông này không chịu nộp thuế. Do bức xúc, chủ xưởng may này, vốn là người An Khánh (tỉnh An Huy), đã kêu gọi khoảng 100 chủ xưởng khác và công nhân trong các xưởng may, tất cả đều là người An Huy, kéo đến phong tỏa đường cao tốc 318. Họ phản đối chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi mức thuế từ 300 lên 600 nhân dân tệ trên mỗi máy may trong xưởng của họ.

Chức Lý là công xưởng sản xuất quần áo trẻ em của Trung Quốc với phần lớn là lao động nhập cư từ các tỉnh khác.

Cảnh sát chống bạo động được đưa đến để giải tán đám đông, và xô xát đã diễn ra giữa hai bên. Dòng người biểu tình đổ về đường Phúc Dân và quy mô lúc này đã tăng lên hơn 600 người. Theo Tân Hoa xã, những người biểu tình đã cố bao vây và đập phá một xe hơi Audi đang chạy trên đường. Tài xế xe hơi này vì hoảng sợ đã nhấn ga cho xe chạy vọt lên làm 10 người đi đường bị thương, trong đó hai người đang nguy kịch.

Khoảng 23g ngày 26-10, những người biểu tình đã bao vây tòa nhà chính quyền thị trấn Chức Lý, ném đá vào các tòa nhà hành chính trong khu vực, đập phá đèn đường và biển hiệu quảng cáo. Tân Hoa xã cho biết đụng độ lại xảy ra làm nhiều cảnh sát và nhân viên quản lý đô thị bị thương, nhưng không tiết lộ số người biểu tình bị thương.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã được tăng cường ngay sau đó để vãn hồi trật tự. Rạng sáng 27-10, hàng trăm người tiếp tục tụ tập với gậy gộc trong tay và đập vỡ cửa kính của hơn 30 ôtô đậu dọc hai bên đường cùng nhiều công trình công cộng khác.

Trong lúc Tân Hoa xã và các trang tin chính thống ở Hồ Châu cho biết cuộc biểu tình đã lắng dịu vào trưa 27-10, nhưng cư dân địa phương cho rằng bạo động vẫn tiếp tục và cho biết số người tham gia lên đến hàng ngàn người.

Trên mạng Weibo đã xuất hiện những tấm ảnh về vụ bạo động. Những người chứng kiến cho biết có hàng trăm xe cộ, trong đó có hàng chục xe cảnh sát, đã bị lật nhào và bị đốt cháy.

Lao động nhập cư bị phân biệt đối xử

Cũng giống như nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, ở Hồ Châu các doanh nghiệp nhỏ do lao động nhập cư điều hành đang phải gánh chịu những khoản nộp ngân sách cao hơn người địa phương. Vụ bạo động là dấu hiệu bùng nổ của những căng thẳng từ áp lực kinh tế khó khăn và tâm lý bị phân biệt đối xử của một lượng lớn lao động nhập cư, vốn là lực lượng lao động chính tại các khu công xưởng ở Quảng Đông, Chiết Giang và các tỉnh duyên hải của Trung Quốc hiện nay.

Tiểu Mai, một người bán sỉ quần áo trẻ em ở Hồ Châu, cho biết: “Họ bức xúc vì các nhân viên thu thuế đã đòi mức thuế gấp đôi đối với những chủ doanh nghiệp từ An Huy, nhưng lại không chịu đưa hóa đơn thuế cho người nộp”.

MỸ LOAN

Tin Liên Quan :