Gan được xem là nhà máy thải độc của cả cơ thể. Ngoài chức năng giải độc, thanh lọc, gan còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Vậy làm thế nào để luôn có một lá gan khỏe mạnh?
Là tạng nặng nhất trong cơ thể với trọng lượng khoảng 1,5kg – 2kg, gan đảm nhiệm khoảng 500 chức năng khác nhau trong cơ thể bao gồm chống độc, tạo máu, điều hòa đường huyết, miễn dịch và chức năng nội tiết. 1 lá gan khỏe mạnh có tác dụng tích cực đối với chất lượng cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên trong khi tìm hiểu các nguyên nhân của bệnh, những nguyên nhân đến từ gan lại thường ít được quan tâm.
Có 1 điểm đáng chú ý là gan có mối quan hệ chặt chẽ với túi mật. Chúng hoạt động tương hỗ với nhau. Túi mật có tác dụng dự trữ mật, là những chất được gan tổng hợp trong quá trình chuyển hóa và giải độc, vì vậy khi điều trị bệnh gan bác sĩ thường hay xem xét đến vấn đề của túi mật. Khi gan có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến túi mật và ngược lại.
Trong quá trình tiêu hóa, gan tiết ra mật để vào ruột non, nhằm bôi trơn và duy trì môi trường kiềm trong ống tiêu hóa. Mật là 1 thành phần quan trọng của ống tiêu hóa, không có nó cơ thể chúng ta sẽ gặp những vấn đề về hấp thụ thức ăn và nhiễm trùng đường ruột. Ngoài ra mật còn có tác dụng kích thích nhu động ruột giúp đưa phân ra ngoài.
Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Thực phẩm chứa chất bảo quản, uống rượu bia, ăn quá nhiều thịt đỏ, lạm dụng thuốc tây hoặc những thói quen không tốt như ăn quá no, ăn vặt giữa các bữa ăn…sẽ làm tình trạng gan mật chúng ta ngày càng tồi tệ.
Cần phải khẳng định rằng, dù khả năng bù đắp của gan là rất tốt, nhưng nó không tuyệt đối. Một người khỏe nạnh nếu cắt 1 nửa lá gan của mình hiến cho người khác thì sau 3 tháng nó sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên đứng trước các tác nhân trên, gan sẽ bị phá hủy không hồi phục đặc biệt là khi sử dụng rượu bia. Các tổn thương do không hồi phục được sẽ tích trữ dần dần trong gan dưới dạng nốt, trong túi mật dưới dạng sỏi. Đó là nguyên nhân gây ra 1 số rối loạn trong cơ thể.
Sau đây là 1 vài thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt để có 1 lá gan khỏe mạnh:
1/ Ăn đúng giờ
Giống như mọi sinh vật cơ thể con người có 1 nhịp sinh học riêng. Các nội tạng được liên kết chặt chẽ với nhau có hoạt động tương hỗ với nhau. Tuy nhiên, ở mỗi tạng khác nhau sẽ có những thời điểm nhất định trong ngày hoạt động không được tốt lắm. Điểm mấu chốt cần làm ở đây là dung hòa nhịp sống của bạn với nhịp sinh học của cơ thể. 1 trong những cách đơn giản để thực hiện việc này là điều chỉnh giờ ăn.
Điều này nghĩa là việc ăn uống của chúng ta có mối liên hệ mật thiết với lượng bức xạ của mặt trời trong ngày. Vào buổi sáng, hệ tiêu hóa chúng ta vừa mới làm ấm, vậy nên, 1 bữa ăn nhẹ là rất hợp lý trong khoảng 7h – 9h.
Vào bữa trưa khi hệ tiêu hóa đã trống rỗng hoàn toàn và cơ thể sẵn sàng hấp thụ tốt nhất các dưỡng chất từ thức ăn. Nó tương ứng với việc lúc này bức xạ mặt trời đã lên đỉnh điểm, vì vậy đây là bữa ăn chính, bạn có thể ăn nhiều tinh bột và protein vào thời điểm này.
Vào bữa tối, khi mà bức xạ mặt trời đã dịu đi và khả năng hấp thụ của hệ tiêu hóa cũng giảm, chỉ bằng khoảng 20% so với buổi trưa. Vì vậy để đáp ứng đúng khả năng tiêu hóa, chúng ta cần 1 bữa ăn nhẹ vào 5h – 7h tối. Nên ăn nhiều rau vào bữa tối, và không nên ăn quá gần giờ đi ngủ.
Cần tránh thói quen ăn uống không đúng giờ, việc ăn vặt giữa bữa ăn và ăn đêm sẽ làm thay đổi nhịp sinh học của cơ thể. Ví dụ như việc ăn đêm, túi mật sẽ tiết thêm 1 ít mật bất thường, nhưng lượng mật này xuống ruột không hoàn toàn, mà vẫn còn 1 ít trong túi mật, chính lượng mật này lâu dần sẽ tích tụ và hình thành sỏi mật.
2/ Đừng ăn quá nhiều
Trong 1 tuần bạn có bao nhiêu bữa ăn thịnh soạn? Việc ăn uống quá nhiều so với nhu cầu thực sự của cơ thể bạn có xảy ra thường xuyên không? Với 1 số người, thật khó để họ thay đổi thói quen đó, nhưng họ không biết, chính họ đang tự hủy hoại bản thân mình.
Việc ăn uống quá nhiều là một thói quen không tốt mà chúng ta nên từ bỏ, đó là nguyên nhân hàng đầu của sỏi mật, nhiễm mỡ gan và nhiều bệnh khác. Nhiều người có thể ăn liên tục suốt ngày. Thực tế, nó làm quá tải hệ tiêu hóa, ức chế khả năng hấp thu và bài tiết của hệ tiêu hóa.
Cụ thể, thói quen nguy hiểm này sẽ dẫn tới rối loạn trao đổi chất, nhiễm độc, sỏi mật và tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Hệ tiêu hóa là một ống rỗng, tốt nhất bạn nên ăn vừa đủ, cảm giác no chỉ khoảng 80%, còn 20% sẽ là khoảng trống cho hệ tiêu hóa làm việc.
3/ Cắt giảm chất béo
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự nhanh chóng và tiện lợi luôn đặt lên hàng đầu, tất nhiên không phải lúc nào cũng tốt, điều chúng tôi muốn nói tới đây là thực phẩm đóng hộp và đồ ăn nhanh. Các loại thức ăn này có thể giải quyết được cơn đói và thỏa mãn được sở thích ăn uống của bạn, tuy nhiên chúng lại rất nghèo dinh dưỡng và không an toàn cho cơ thể nếu dùng lâu dài.
Không an toàn như thế nào? Như chúng ta đã biết 1 trong chức năng chính của gan là chuyển hóa chất béo, tức là các loại chất béo trong trước khi vào cơ thể đều phải qua gan. Đáng tiếc là thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn có chứa khá nhiều chất béo gây độc cho gan như các acid béo bão hòa, các chất béo đã chuyển hóa và cholesteron. Chúng là những chất hóa học mà gan không thể chuyển hóa được lâu dần tích tụ lại và gây nhiều bệnh như: gan nhiễm mỡ,xơ gan,sỏi mật…
Bạn sẽ không thể nghĩ là những túi bim bim, những túi bánh orion hay khoai tây chiên sẽ mang lại nhiều vấn đề lớn cho gan đến vậy. Chúng tôi nghĩ bạn không nên để những chất độc đó vào cơ thể quá nhiều.
4/ Bớt ăn thịt
Sự thực là chúng ta đang sống trong 1 xã hội bị ám ảnh về thịt. Người ta có thể ăn thịt 2-3 lần 1 ngày mà chẳng hề nghĩ là điều này có tốt cho cơ thể không. Một số nơi văn hóa ẩm thực của họ ăn rất ít thịt và tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính của họ cũng không cao. Sự tiêu thụ quá mức protein động vật sẽ làm tăng lượng cholesteron máu và tăng gánh nặng cho gan. Có nhiều quan điểm về chế độ ăn thịt, tôi thì tin là ăn thịt vừa phải là tốt nhất, hy vọng bạn cũng sẽ tự chọn được cho bạn và gia đình chế độ ăn tốt nhất.
Nếu bạn cảm thấy hệ thống gan mật của mình cần được thanh lọc, hãy ăn ít thịt lại, ăn càng nhiều rau càng tốt. Hãy thử ăn thịt 2 ngày 1 lần thay vì ăn hàng ngày. Bằng cách như vậy là bạn đã gỡ bỏ rất nhiều gánh nặng cho gan rồi đó.
5/ Giảm stress và cân bằng cảm xúc
Nhiều người cho rằng tinh thần và sức khỏe không liên quan nhau, nhưng đó là nhận định chưa đúng. Cơ thể con người là một khối thống nhất, những vấn đề ở tinh thần,ở não bộ không có lý do gì không ảnh hưởng tới các cơ quan khác được, điển hình là gan.
Trong y học phương đông, mỗi cơ quan đều là nơi đại diện cho 1 loại cảm xúc con người. Cảm xúc hại gan là nóng giận, oán hận và thất vọng. Vậy nên bạn còn giữ những thứ đó làm gì?
Cuộc sống sẽ có những lúc không được như ý bạn, nhưng nó vốn là vậy, luôn là như vậy. Thay vì tiếp tục oán hận bạn hãy thử bao dung với họ, bảo đảm thế giới quan của bạn sẽ thay đổi. Thực tế, bạn không phải đang làm điều đó cho người khác, bạn đang làm cho chính sức khỏe của mình. Và bạn cũng đừng nên giữ phiền muộn trong lòng, bạn có người thân có bạn bè hãy nói ra để trong lòng mình nhẹ nhàng hơn.
6/ Rửa sạch trước khi chế biến
Trong cuộc sống hiện đại,hằng ngày chúng ta phải hấp thu hàng ngàn hóa chất độc hại từ rượu, nước máy, ô nhiễm không khí, thực phẩm tẩm hóa chất hay rau phung thuốc trừ sâu… những thứ đó khi vào cơ thể sẽ được gan thanh lọc và bài tiết, nhưng nếu chúng ta đưa vào 1 lượng chất độc quá lớn và thường xuyên thì gan chính là cơ quan đầu tiên bị tổn hại.
Cách đơn giản để giảm bớt chất độc trong thức ăn là rửa sạch và ngâm thực phẩm trong nước muối khoảng 15 phút trước khi chế biến.
7/ Kết hợp nhiều loại thức ăn
Kết hợp thức ăn tức là ăn những loại thực phẩm mà dưỡng chất của chúng có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau để tăng cường hấp thu dưỡng chất, hoạt động tiêu hóa diễn ra trơn tru và nhanh chóng đào thải những chất không cần thiết.
Ví dụ các loại thịt cần 1 môi trường acid để tiêu hóa, trong khi tinh bột và ngũ cốc lại cần môi trường kiềm. Khi dùng chúng cùng với nhau (có thể là thịt bò và khoai tây) cơ thể sẽ vừa tiết acid vừa tiết bazơ để hấp thu qua đó đạt được trạng thái cân bằng kiềm-toan. Tương tự bạn hãy cố gắng kết hợp các loại khác như vậy. Điều này thúc đẩy quá trình lên men của vi khuẩn trong ruột, giúp bạn dễ tiêu tránh tình trạng đầy bụng ợ hơi.
8/ Ngủ đúng giờ
Cuối cùng, cách đơn giản nhất để có 1 lá gan khỏe là hãy thường xuyên có 1 giấc ngủ ngon vào buổi tối.
Có nhiều người trong chúng ta bận rộn cả đêm với cái máy tính hay thức khuya để tâm sự với vài người bạn và thức dậy rất sớm để có mặt ở cơ quan vào ngày hôm sau. Các bạn đã thấy vấn đề chưa? Cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi và lá gan cũng vậy.
Theo y học phương đông, thời điểm nghỉ ngơi của túi mật là 11h – 1h đêm, còn của gan là 1h – 3h sáng. Ngoài thời gian này ra chúng sẽ không được nghỉ ngơi, vì vậy dù bận rộn thế nào bạn cũng nên được nghỉ ngơi hợp lý. Chúng tôi tin rằng 1 cơ thể khỏe mạnh với trạng thái tinh thần phấn khởi mới có thể giải quyết vấn đề được tốt nhất.
Chúc bạn có một lá gan khỏe mạnh!
Hoàng An, theo davidwolfe.com