Tinh Hoa

Sao Mộc sẽ đạt độ sáng nhất vào ngày mai

Tối mai, sao Mộc sẽ đạt độ sáng cực đại trong năm nay. Đây là dịp để người yêu thiên văn nhìn rõ hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời.

Vào thời điểm đó, sao Mộc ở vị trí đối diện với mặt trời qua trái đất, nghĩa là trái đất sẽ nằm gần như chính xác trên đường nối giữa mặt trời và hành tinh này, nên ánh sáng quan sát được là tốt nhất.

Sao Mộc (Jupiter) sáng nhất vào tối mai, rạng sáng ngày kia. Ảnh: NASA/ESA.

Theo Astronomy, sao Mộc sẽ phát sáng tới mức kỷ lục là -2,9 gần đạt độ sáng cực của nó là -2,94, sáng hơn bất kỳ ánh sáng nào khác trên bầu trời, ngay cả sao Sirius – là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, nó cũng chỉ đạt cực điểm với cường độ là -1,46.

Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, người yêu thích thiên văn có thể quan sát hành tinh từ lúc mặt trời lặn vào chiều mai (khoảng 6h) cho tới lúc mặt trời lặn, vì sao Mộc sẽ mọc lên vào lúc hoàng hôn và có mặt liên tục cho tới hết đêm.

Theo Tuấn Sơn, sao Mộc mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây nên rất dễ xác định, nhất là vào tối mai rạng sáng ngày kia, nó là ngôi sao sáng nhất, nên thuận lợi để quan sát.

Anh Tuấn Sơn đưa ra lời khuyên, người quan sát có thể bằng mắt thường hoặc các dụng cụ thiên văn. Ngay cả khi trời ít mây, mọi người cũng vẫn quan sát được hành tinh sáng rực rỡ trên bầu trời, trừ trường hợp nhiều mây hoặc mưa gây khó khăn cho việc quan sát.

“Nếu như có sự trợ giúp của các kính thiên văn nhỏ, người xem còn có cơ hội thấy được vành đai thiên thạch khá mờ nhạt quanh hành tinh này cũng như 4 vệ tinh lớn của nó gồm Ganimede, Europa, Io và Calisto”, Tuấn Sơn nói.

Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ và là hành tinh thứ năm từ mặt trời trở ra. Hành tinh khí khổng lồ này được tạo nên bởi khí hydro và heli, bao quanh một lõi chứa các nguyên tố nặng hơn. Khối lượng của sao Mộc gấp hai lần tổng khối lượng của 7 hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời. Nó có thể tích gấp 1.235 lần và khối lượng gấp 318 lần so với địa cầu.

Hương Thu