Tinh Hoa

Hành trình truy tìm đá mặt trăng

Một viên đá từ mặt trăng thất lạc từ thập niên 70 của thế kỷ trước song giới chức Mỹ chỉ biết việc đó khi một người rao bán mẩu đá trên mạng Internet.

Một viên đá được lấy từ mặt trăng trong chuyến bay của tàu Apollo 17. Ảnh: NASA.

Hồi tháng 5 giới chức Mỹ bắt quả tang một người phụ nữ 74 tuổi bán một mẩu đá mặt trăng tại một nhà hàng trong thành phố Lake Elsinore, hạt Riverside, bang California, Mỹ. Người mua chính là một đặc vụ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Sau đó họ thẩm vấn Joann Davis, tên của bà cụ, trong hai giờ.

Nhưng 5 tháng sau, bà cụ vẫn chưa bị buộc tội và có vẻ như NASA gặp khó khăn trong việc đưa bà ra tòa.

Davis khẳng định rằng, mẩu đá thuộc quyền sở hữu của bà về mặt pháp lý, bởi đó là thứ mà người chồng cũ của bà để lại khi ông qua đời vào năm 1986. Bà kể Neil Armstrong, phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, đã đưa mẩu đá cho chồng bà trong thập niên 70. Hồi đó Davis từng làm chuyên viên biên soạn từ điển, còn chồng bà là kỹ sư của North American Rockwell – tập đoàn chế tạo phi thuyền cho NASA trong kỷ nguyên của tàu Apollo.

Trong khi đó, bản khai có tuyên thệ trước tòa của Armstrong cho thấy ông không hề đưa bất kỳ thứ gì liên quan tới mặt trăng cho người khác.

Câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận dù mẩu đá chỉ nhỏ hơn hạt gạo. Trong nhiều năm qua, NASA luôn săn đuổi những người bán những mẫu vật mà các phi hành gia lấy từ mặt trăng trong những chuyến bay bằng tàu Apollo. Những mẫu vật chất ấy được coi là tài sản của chính phủ Mỹ nên mọi cá nhân không được bán.

NASA đã trao vài trăm mẫu đất, đá trên mặt trăng cho các quốc gia, bang của Mỹ và những cá nhân có địa vị xã hội cao nhưng Washington vẫn coi chúng thuộc quyền sở hữu của Mỹ. Tổng thanh tra của NASA sẽ bắt những người có ý định bán chúng.

Norman Conley, một đặc vụ của NASA, kể rằng bà Davis từng lên mạng Internet vào ngày 10/5 để tìm người mua mẩu đá cùng với một miếng kim loại chịu nhiệt bảo vệ tàu Apollo 11 khi nó trở về trái đất sau chuyến bay đầu tiên đưa người lên mặt trăng vào năm 1969.

“Tôi đã tìm kiếm người mua trên mạng trong nhiều tháng”, bà Davis thừa nhận.

Đặc vụ Conley đóng giả người có nhu cầu mua viên đá và gọi điện tới nhà bà Davis nhiều lần. Trong các cuộc đàm thoại người phụ nữ thừa nhận bà chỉ có thể bán viên đá ở chợ đen, chứ không thể giao dịch công khai. Cuối cùng bà đồng ý bán mẩu đá với giá 1,7 triệu USD. Nhà hàng Denny’s tại thành phố Lake Elsinore, bang California được chọn làm điểm giao dịch. Bà hy vọng sau khi giao dịch được thực hiện, bà sẽ có một khoản tiền thừa kế cho ba đứa con.

Joseph Gutheinz, một giảng viên của Đại học Phoenix tại Mỹ và từng làm nhà điều tra của NASA, nói rằng xét xử bà Davis là việc khó. Theo ông, đôi khi NASA tỏ ra bất cẩn trong việc bảo quản vật chất từ mặt trăng. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp các bộ trang phục của phi hành gia bị xối nước khiến bụi mặt trăng bám trên chúng biến mất vĩnh viễn. Những viên đá lớn từ mặt trăng được lưu giữ và theo dõi nghiêm ngặt, song một số lượng nhất định mẩu đá nhỏ đã bị đưa ra bên ngoài bởi chính các kỹ sư của NASA.

“Quan điểm của tôi là không ai được phép sở hữu đá từ mặt trăng. Chúng là tài sản chung của toàn dân. Song nếu chúng ta không bảo quản tốt các mẫu đá đó, tôi không thể đổ lỗi cho bà Davis”, Gutheinz nói.

Các nhà du hành Mỹ lấy khoảng 2.200 mẫu vật từ mặt trăng – bao gồm đá, sỏi, cát, bụi – trong các chuyến bay của đội tàu Apolo từ năm 1969 tới 1972. Tổng khối lượng của chúng vào khoảng 378 kg.

Minh Long