Tinh Hoa

Có lý do để Syria không “bị đánh” như Libya?

Lực lượng an ninh chia tách nhóm người ủng hộ Tổng thống Syria (ảnh) với nhóm phản đối.

Sau 6 tháng liên tục diễn ra các cuộc biểu tình phản đối và đàn áp đẫm máu, giới phân tích phương Tây cho rằng Syria đang có nguy cơ rơi vào nội chiến. Những động thái trên của Mỹ xuất hiện liên tiếp, giữa lúc dư luận cho rằng diễn biến mới tại Libya chắc chắn sẽ tác động đến tình hình vốn đang lộn xộn tại Syria và tương lai Tổng thống Syria Bashar al-Assad “sẽ sớm được định đoạt”.

Liệu có một “kịch bản Libya” tại Syria?

Vào thời điểm này thì câu trả lời là “chưa”. Có hai lý do chính được đưa ra:

Thứ nhất, nhân tố trong nước: Các cuộc biểu tình diễn ra tại Libya và Syria có điểm giống nhau là cùng phản đối và đòi các nhà lãnh đạo từ chức. Nhưng với tình hình Syria, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn giữ ưu thế. Ông Assad vẫn được đa số dân chúng cả nước ủng hộ.

Syria thực thi chính sách khá độc lập, không lệ thuộc vào phương Tây và đóng vai trò trung tâm chính trị trong khu vực.

Khác với ông Muammar Gaddafi, ông Bashar al-Assad không bao giờ phê phán mạnh mẽ phương Tây mà giữ lập trường ôn hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Nếu so với các nước khác trong khu vực thì Chính quyền Syria đã thực thi chính sách khá tự do.

Trong bối cảnh cuộc nổi dậy ở Syria vẫn kéo dài, giới phân tích khu vực cho rằng tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Syria “là do chế độ Assad đàn áp dã man người biểu tình”, buộc HĐBA LHQ, Liên đoàn Arập và nhiều nước cũng như tổ chức quốc tế khác phải lên án.

Và mọi việc mới chỉ dừng lại ở đó.

Thứ hai, nhân tố bên ngoài: Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của LHQ lên án Syria đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập. Phương Tây, nhất là Mỹ, nghi ngờ tính hợp pháp của chế độ Assad, nhưng lại không dám hành động mạnh mẽ để thay đổi chế độ ở Syria như đã thực hiện tại Libya. Liên đoàn Arập, từng kêu gọi cộng đồng thế giới thiết lập khu vực cấm bay ở Libya, nhưng lại phản đối bất cứ biện pháp sử dụng vũ lực nào chống Syria.

Mặc dù Syria là mối lo ngại của Israel và Mỹ, nhưng hai nước vẫn muốn Tổng thống Assad tiếp tục lãnh đạo Syria. Gia đình ông Assad vốn đã tạo được uy tín rất lớn về tôn giáo và được coi là những người thuộc giới ôn hòa trong xã hội, trong khi đó lực lượng chống ông Assad lại là những người theo đường lối cứng rắn.

Hơn nữa, tình hình ở Syria bất ổn sẽ tác động đến tình trạng an ninh không chỉ trong khu vực mà cả trên toàn thế giới. Do có liên minh chiến lược với Iran và các mối quan hệ với nhóm Hezbollah tại Lebanon và Hamas tại Gaza, chế độ Assad được bảo vệ khỏi sự can thiệp trực tiếp của nước ngoài vì người ta sợ rằng sự bùng nổ của Syria có thể gây bất ổn toàn bộ Trung Đông.

Bất cứ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài vào Syria sẽ gây bất ổn nghiêm trọng trong khu vực và có thể nhấn chìm các nước láng giềng như Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Baranh, Iraq…

Ngoài ra, Syria có triển vọng kinh tế ít quan trọng hơn Libya vì là nước sản xuất dầu mỏ ít hơn Libya. Vì vậy, lý do mà Mỹ và phương Tây quan tâm đến Syria chủ yếu là động cơ chính trị chứ không phải kinh tế như Libya.

Giới phân tích cho rằng thái độ lưỡng lự sử dụng biện pháp quân sự của Mỹ và phương Tây cho thấy họ có thể để ông Assad tiếp tục nắm quyền.

Tương lai bất định?

Nhưng không phải không có ý kiến cho rằng phương Tây khao khát lật đổ Chính phủ Damas.

Rõ ràng là có thế lực hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn ở Syria sẽ mở ra khả năng mới để can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Ngoài ra, tình trạng hỗn loạn trong khu vực được cho là sẽ giúp củng cố vị thế của các đồng minh Mỹ. Chính vì vậy ở các tổ chức quốc tế, đại diện phương Tây phong tỏa các sáng kiến của Mátxcơva và Bắc Kinh đưa ra với mục đích làm dịu tình hình ở Syria và thiết lập cuộc đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập.

Đó là thế lực bên ngoài. Còn bên trong, Syria không phải là Libya, nhưng bạo động leo thang từng ngày.

Chủ nghĩa bè phái đã bắt đầu xuất hiện khi số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tăng lên. Những mâu thuẫn đang gia tăng giữa đa số người Hồi giáo theo dòng Sunni và những người theo Thiên chúa giáo và Alawite, vốn ủng hộ ông Assad.

Xe tăng Syria đã được phái tới đàn áp biểu tình làm hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt. Nhiều thành phố Syria đã xuất hiện các điểm kiểm soát an ninh do các dân quân sắc tộc và phe phái lập ra để bảo vệ khu vực họ đang sinh sống.

Những đồn đoán cũng tăng lên về việc Syria sẽ trở thành điểm nóng xung đột khu vực, với Iran và Hezbollah ủng hộ ông Assad, trong khi Arập Xêút và các nước Arập vùng Vịnh khác bí mật cung cấp tiền bạc và súng cho những người đối lập. Cuộc chiến này, nếu xảy ra, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cả khu vực.

Nguyễn Viết