Tinh Hoa

Ám ảnh kinh hoàng của thiếu nữ Uganda bị bắt cóc

Evelyn Apoko, 22 tuổi, một thiếu nữ bất hạnh người Uganda không bao giờ dám nhìn mình trong gương. Khuôn mặt cô bị tàn phá nghiêm trọng trong một lần trốn chạy khỏi những kẻ nổi dậy.

Một đêm mùa hè năm 2001, tai họa đổ ập xuống đầu Apoko khi cô bị bắt cóc bởi lực lượng du kích Quân đội Kháng chiến của Chúa (LRA) tại một trung tâm cộng đồng gần nhà cô ở huyện Gulu, Uganda. Thực sự, đây là giây phút mở đầu cho những tháng ngày dưới địa ngục của một thiếu nữ.

Với bản chất khét tiếng tàn ác và khát máu, binh sĩ LRA đã tra tấn Apoko thừa sống thiếu chết. Tuy nhiên, Apoko không phải là trường hợp duy nhất lâm vào tình cảnh đó ở Uganda. Có hàng ngàn trẻ em bị bắt cóc và tra tấn như cô. Không chỉ có vậy, những trẻ em gái còn bị lạm dụng nhiều lần, thậm chí còn bị sát hại không thương tiếc.

Gương mặt biến dạng của Apoko.

Sinh ra trong một gia đình nghèo người Acholi có 9 người con, Apoko lớn lên cùng với cây khoai, cây sắn. Tuy nhiên, mỗi đêm cô phải đi bộ hơn 15km chỉ để tìm chỗ ngủ bên trong trung tâm thị trấn, nơi quân đội chính phủ kiểm soát. Một số nhà khác thì nhốt con trong hầm kín để bảo vệ các em khỏi lực lượng LRA.

LRA là một phong trào nổi dậy được thành lập vào cuối những năm 80. Các tổ chức nhân quyền cho biết, LRA được biết đến là một nhóm cực đoan có những hành động hết sức tàn bạo. Joseph Kony, người được cho là lãnh đạo LRA đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì những hành vi tàn bạo đối với dân thường. Trong hai thập kỉ vừa qua, LRA thường xuyên tấn công người dân và khủng bố ở Uganda cũng như nhiều quốc gia lân cận.

LRA thường xuyên tiến hành bắt cóc trẻ em, cả trai và gái, ở độ tuổi 9 đến 12. Trẻ em trai sẽ được đào tạo thành những chiến binh chuyên nghiệp, trong khi trẻ em gái bị lạm dụng tình dục hết sức dã man. Apoko là một trong số những cô bé không may đó.

Apoko nhớ lại, cô phải đi bộ nhiều ngày đêm trong điều kiện không đồ ăn, không nước uống và phải mang trên lưng một lượng lớn đồ đạc, bởi LRA tránh sự truy quét bằng cách di chuyển liên tục. Tuy nhiên, lực lượng này có một cách hành xử hết sức dã man khi sẵn sàng bắn chết những người gục ngã vì kiệt sức.

Cứ như vậy, Apoko sống trong địa ngục trần gian đó trong suốt khoảng thời gian bị bắt giữ. Trong một lần tấn công của quân đội Uganda và Congo vào lực lượng LRA, cô và nhiều người khác phải chạy thục mạng để tránh bom đạn. Tuy nhiên, hai quả bom liên tiếp đã khiến cô gục ngã, một phần hàm dưới bị thổi bay khiến khuôn mặt cô biến dạng.

Apoko gục ngã với khuôn mặt đầy máu. Thế nhưng, cô buộc phải đứng dậy để đi tiếp nếu không muốn bị lực lượng LRA thủ tiêu. Cô tiếp tục chạy, tiếp tục hành trình với vết thương khủng khiếp trên mặt.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất với cô. Khi thoát khỏi sự truy đuổi, cô không hề nhận được sự chăm sóc y tế nào. Vết thương trở nên lở loét và nhiễm trùng, khiến cô nghĩ rằng mình gần như cầm chắc cái chết.

Không có hàm dưới, cô không thể nhai, không thể nói và cũng không thể ăn. Cô buộc phải nằm ngửa dưới mặt đất, sau đó đổ thức ăn lỏng vào miệng để duy trì mạng sống. Bộ quần áo duy nhất của cô luôn luôn bốc mùi khó ngửi, bởi nước từ vết thương bị nhiễm trùng trên miệng chảy xuống.

Thế nhưng, ông trời đã mỉm cười khi để cô được sống. Một đêm mùa thu năm 2004, cô đi tắm và chạy một mạch khỏi nơi địa ngục trần gian ấy. Xuyên qua đêm tối và chạy mãi cho đến khi tìm thấy nơi an toàn ở Uganda. Cô được nhận vào trung tâm phục hồi chức năng ở Rachele, miền Bắc Uganda, nơi những đứa trẻ trở về từ địa ngục như cô được nuôi dậy, chăm sóc.

May mắn thay, trường hợp của cô được đưa sang Mỹ phẫu thuật phục hồi. Các bác sĩ tiến hành ghép xương hàm và phục hồi chức năng cho cô. Một ngày nào đó, khuôn mặt cô sẽ không còn đáng sợ và cô có thể được sống theo đúng nghĩa một con người. Tuy nhiên, còn hàng ngàn trường hợp kém may mắn như cô đang phải sống lay lắt ở Uganda. Đó là thực tại đau lòng vẫn ngang nhiên hiện hữu ở một phần của thế giới.

TRỊNH DUY

Theo Bưu điện Việt Nam