Cựu lãnh đạo Libya Gaddafi đã bị quân nổi dậy giết chết ở Sirte trong làn sóng không kích từ phía không quân Pháp sau 42 năm nắm quyền.
“Vua của các vị vua” một thời. Ảnh: Reuters
Đại tá Muammar Gaddafi sinh ra ở Sirte, khi ông trở thành nhà cầm quyền Libya, ông đã thay đổi nơi đây từ một làng chài bé nhỏ bình dị thành một thành phố sôi động thứ hai của đất nước. Sirte trở thành nơi chiến đấu tranh giành ác liệt, nơi của bạo tàn và vô vọng, rồi cuối cùng, chính là nơi ông từ giã cuộc đời.
Trong ba tuần qua, khi dấu vết của Gaddafi còn mờ mịt, các chiến binh chính phủ vẫn gặp phải sự kháng cự rất lớn từ những người trung thành với ông. Mắc kẹt ở một dải bờ biển nhỏ bé, họ vẫn từ chối đầu hàng mặc dù chiến thắng của lực lượng Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) dường như là điều không thể tránh khỏi. Ở đây ít nhất có một câu trả lời: họ đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng với vị lãnh đạo mà họ từng tôn thờ.
Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của Human Rights Watch, Peter Bouckaert, là một trong những người ở Sirte trong trận chiến cuối cùng. “Một đợt bắn phá khủng khiếp bắt đầu từ nửa đêm với đạn pháo và tên lửa Grad kéo dài tới 6h sáng”, ông cho biết. “Tôi vào trung tâm thành phố lúc 9h sáng và và gặp các chiến binh từ Benghazi, họ nói thành phố đã tự do. Tôi đi tới bệnh viện, một chiến binh đi tới với khẩu súng lục vàng mà anh ta nói lấy từ Gaddafi. Anh ta kể đã có cuộc giao tranh với một nhóm người cố gắng trốn thoát. Mansour Dhou (chỉ huy quân ủng hộ Gaddafi của Sirte) cũng đang phải phẫu thuật vì bị bắn vào dạ dày. Ông ấy nói đang chạy trốn thì bị bắn rồi hoàn toàn mất cảm giác. Ông ấy xác nhận Gaddafi cùng đi với ông”.
Đâu còn “chiến đấu tới viên đạn cuối cùng”?
Trong khi các chi tiết chính xác về cái chết của Gaddafi vẫn còn rối loạn và mâu thuẫn, thì có vẻ như ông đang cố gắng trốn khỏi thành phố trong một đoàn xe hộ tống, và đoàn xe đã bị các máy bay NATO tấn công. Pháp đã tuyên bố trách nhiệm về vụ không kích. Đoàn hộ tống sau đó có vẻ chạm trán với các chiến binh trung thành với NTC – chính phủ lâm thời của Libya. Có lẽ bị thương trong vụ giao tranh, cựu lãnh đạo Libya đã cố trốn vào ống cống, sau đó ông bị các chiến binh nổi dậy phát hiện, một trong số ấy còn dùng giày đánh ông.
Các nhân chứng kể rằng, ông đã cầu xin lòng thương hại khi bị lôi ra khỏi nơi ẩn nấp là ống cống bê tông. Còn một chiến binh cho biết, vị lãnh đạo từng khuấy đảo cả thế giới một thời trong phút hấp hối đã nói: “Tôi phải làm gì cho anh?”. Abdel-Jalil Abdel-Aziz, một bác sĩ đi trên chiếc xe cứu thương chở thi thể của Gaddafi nói, ông bị chết bởi hai vết đạn, vào ngực và đầu. “Tôi không thể mô tả được nỗi sung sướng”, người này nói. “Sự chuyên chế đã mất, giờ đây, người dân Libya có thể nghỉ ngơi”.
Lại có người kể, vào thời điểm bị bắt, Gaddafi đã bị thương với những phát đạn trúng chân và lưng. Một chiến binh chính phủ, người tham gia vụ bắt giữ Gaddafi, cũng xác nhận diễn biến này. Trong khi đó, một người khác nữa lại nói nhà lãnh đạo bị một trong số chính những tay chân bắn và bị thương vào phút cuối cùng. “Một trong những vệ sĩ của Gaddafi đã bắn ông này vào ngực”, Omran Jouma Shawan khẳng định.
Giữa vòng xoáy của những thông tin trái ngược, chỉ có một điều rõ ràng: cái chết của Gaddafi là sự kết thúc nhục nhã với một người đàn ông từng nắm quyền 42 năm. Các hình ảnh video công bố cho thấy, ông bị kéo lê sau xe tải, xung quanh là các chiến binh reo hò, vẫy súng. Theo quan chức NTC, một con trai của cựu lãnh đạo Libya cũng bị giết. Đó là Mutassim, viên sĩ quan chỉ huy lực lượng trung thành ở Sirte bảo vệ cha. Con trai thứ hai Gaddafi – Saif al-Islam, được cho là đã bị bắt giữ, dù tin tức chưa thể xác nhận nhanh chóng.
Ngày tàn nhục nhã. Ảnh: Dailymail
Sau khi chết, thi thể Gaddafi vây quanh bởi các chiến binh chính phủ mới được đưa tới Misrata, cách Sirte hai giờ đồng hồ. Ở Misrata – nơi hứng chịu những khốn khổ trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 8 tháng – thi thể ông bị diễu qua các đường phố giữa tiếng reo hò đám đông.
Một nhân chứng nói: “Tôi đi theo đoàn người tới Misrata. Tôi đã chứng kiến sự kiện mừng vui ở Libya nhưng chưa bao giờ thấy điều tương tự như thế này”. Ở khắp Libya, ngay sau khi nghe tin nhà độc tài bị bắn chết, dân chúng đã đổ ra đường ăn mừng. “Chúng tôi chờ đợi khoảnh khắc này lâu lắm rồi”, Thủ tướng Libya Mahmoud Jibril phát biểu tại một cuộc họp báo.
Khởi đầu mới
Cái chết của Gaddafi và sự sụp đổ của Sirte mở ra con đường cho các cuộc bầu cử quốc gia.
Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố cái chết của Gaddafi như một bước đi hướng tới “tương lai vững bền và dân chủ” cho quốc gia vùng Bắc Phi. Phát biểu tại phố Downing sau khi thông tin được xác nhận, ông Cameron nói, ông tự hào về vai trò của Anh trong các cuộc không kích NATO để bảo vệ dân thường Libya sau làn sóng nổi dậy chống lại chính quyền Gaddafi bắt đầu từ tháng 2.
Gaddafi, 69 tuổi, là vị lãnh đạo đầu tiên bị giết chết trong Mùa xuân Ảrập – làn sóng nổi dậy lan khắp Trung Đông đòi chấm dứt những nhà lãnh đạo chuyên quyền và nền dân chủ rộng mở hơn. Ông là một trong những nhà lãnh đạo “đồng bóng” nhất thế giới. Ông nắm quyền lực năm 1969 và điều hành Libya với một chế độ thường nảy sinh từ những ý tưởng bất chợt của mình. Các hành động của ông thường bị quốc tế chỉ trích và khiến nước ông bị cô lập.
Vào giây phút cuối cùng, Gaddafi không phải đúng như những gì con trai ông, Saif al-Islam, từng hứa hẹn sẽ chiến đấu tới “viên đạn cuối cùng”. Thay vào đó, người đàn ông từng gọi mình là “vua của các vị vua” châu Phi đã bị dồn vào chân tường khi cố gắng trốn thoát với đoàn xe hộ tống sau 90 phút giao tranh ở một trong ít điểm trung thành cuối cùng tại Sirte.
Salem Bakeer – một thành viên trong nhóm quân nổi dậy truy lùng Gaddafi, kể lại: “Một trong những người bảo vệ Gaddafi giơ cao súng lên trời và xin đầu hàng, song ngay khi nhìn thấy mặt tôi, anh ta bắt đầu xả đạn về phía tôi. Sau đó tôi nghĩ Gaddafi đã yêu cầu các vệ sĩ ngừng bắn. Người bảo vệ của Gaddafi hét lên: “Lãnh đạo của chúng tôi ở đây, lãnh đạo của tôi ở đây”. Muammar Gaddafi ở đây và ông ấy bị thương”, Bakeer tường thuật.
“Chúng tôi tiến đến và đem Gaddafi ra ngoài. Ông ta nói “Cái gì vậy, cái gì vậy? Điều gì sắp xảy ra?. Sau đó, chúng tôi bắt ông ta và tống vào xe”, Bakeer tiếp tục nói.
Với sự sụp đổ của mình, thành phố Sirte lại một lần nữa chuyển đổi từ hình ảnh thể hiện sự cai trị mạnh mẽ của Gaddafi thành nơi đánh dấu ngày tàn nhục nhã của ông. Thậm chí dù thi thể của ông đã bị đưa ra khỏi thành phố, thì chiếc ống cống nơi ông lẩn trốn đã được sơn dòng chữ màu xanh mà ai đó viết: “Nơi ẩn náu của con chuột thấp hèn Gaddafi”.
Thái An (theo Guardian, Dailymail, CNN)