Việc mua nước uống cho bạn bè tại một quán bar ở nông thôn của
Tổng thống Nicolas Sarkozy trong tuần qua đã gây tác dụng ngược khủng khiếp khi
ông rời quán mà không trả tiền.
Sự kiện gây lúng túng trên diễn ra khi Tổng thống Pháp tới
thăm Villetelle, một ngôi làng nhỏ ở vùng Creuse, miền trung Pháp, trong khi
tiến hành chiến dịch vận động tái cử.
Đi tới quầy bar chính trong quán, người đứng đầu nước Pháp
nói: “tới lượt tôi” và đặt mua 6 cốc cà phê với tổng số tiền 6,6 euro. Sau đó,
ông Sarkozy trở lại với nhóm tháp tùng và nói rất lâu về việc không có gì tuyệt
hơn là được uống một cốc với bạn bè.
“Đây là một nơi đẹp đẽ và chúng ta muốn chuyển tới đây”, ông
Sarkozy nói với Bruno Durand, chủ quán cà phê. Quán cà phê này còn đồng thời là
cửa hàng mua bán, bưu điện và trạm xăng cho 160 người dân làng.
Trong khi dừng chân ở quán cà phê, ông Sarkozy bắt đầu khoe
khoang về việc ông đã làm cho chủ những quán cà phê ở nông thôn thoải mái hơn
khi giảm thuế VAT xuống còn 5,5% cho họ. Sau đó, nhà lãnh đạo này rời quán và
vài ngày sau vẫn chưa trả tiền.
“Điều đó cho thấy ông Sarkozy là một người hoàn toàn khác với
danh hiệu người đàn ông của mọi người”, một cư dân địa phương nói. “Ông ấy có
một cuộc bầu cử phải thắng và muốn trả vờ là một người trong nhóm bạn bè song rõ
ràng là ông ấy chỉ đi uống nước với bạn khi máy quay lia đến”.
Tổng thống Sarkozy, đang tái tranh cử cho cuộc bỏ phiếu bầu
Tổng thống vào năm 2012, nổi tiếng là người bài rượu, thường thích tổ chức các
cuộc gặp ở những sảnh khách sạn sang trọng hơn là trong quán bar hay quán cà
phê.
Chuyến đi tới quán bar ở nông thôn hôm 10/10 dường như là một
nỗ lực nhằm bắt chước người đứng đầu nước Mỹ Obama vì Tổng thống Mỹ nổi tiếng là
người hay mua và trả tiền đồ ăn nhanh trong suốt các chuyến đi quanh nước Mỹ.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đặc biệt chu đáo về việc thanh toán khi mua đồ
ăn hay thức uống cho đồng nghiệp.
Một nguồn tin từ điện Elysee cho biết, ông Sarkozy không trả
tiền vì hóa đơn của ông bị bỏ quên và nhầm lẫn này sẽ được sửa chữa.
- Hoài Linh (Theo DailyMail)