Bạn luôn có ý thức phấn đấu phát triển con đường sự nghiệp nhưng đôi khi, chỉ một chút hớ hênh lại khiến bạn phạm phải những sai lầm “chết người”. Sự nghiệp bấy lâu bạn gây dựng cũng theo đó tuột dốc, coi như trở thành công cốc.
Nên nhớ, cạm bẫy không hiện hữu cho chúng ta nhận diện rõ ràng, vì thế, phải thật khéo léo để biết và tránh những lỗi không đáng có. Sau đây là 5 lỗi bạn nên lưu ý để tránh mắc phải:
– Ganh tỵ với đồng nghiệp
Ngay khi đồng nghiệp vừa lập công và được sếp khen thưởng, bạn cảm thấy có chút ấm ức, ganh tỵ với thành quả của họ. Bạn thầm nghĩ, lẽ ra thành công này phải thuộc về mình, so với mình, người này còn kém hơn hẳn. Suy nghĩ ấy khiến bạn chán nản và có những cảm xúc tiêu cực, thật khó để kéo bạn trở lại công việc với lòng say mê, tập trung cao độ như trước. Rõ ràng, sự ganh tỵ chỉ kéo lùi bạn mà thôi.
Ảnh minh họa |
Bởi vậy, thay vì so đo, ganh tỵ với đồng nghiệp, bạn nên nhìn vào thành quả họ đạt được để thổi bùng lên nhiệt huyết của bản thân. Từ đó, bạn sẽ đề ra kế hoạch cụ thể, mục tiêu phát triển trong ngắn hạn và dài hạn để đi đến thành công.
– Đứng núi này trông núi nọ
Bạn đang ổn định ở công ty này nhưng vẫn không chịu ngồi yên, tập trung vào công việc mà cứ nhấp nhổm không yên nhòm ngó nhiều vị trí ở các công ty khác. Bạn nghĩ rằng, những vị trí đó sẽ tốt hơn chỗ ngồi hiện tại bởi bao giờ “cỏ bên kia đồi bao giờ cũng xanh hơn”.
Ở đây, chúng ta chưa nói đến việc cấp trên biết bạn đang có tư tưởng “hai lòng” sẽ khó chịu như thế nào nhưng ngay chính bạn cũng khó tập trung vào công việc. Mỗi ngày đến công ty, bạn vẫn có cảm giác “đi thì không nỡ, ở không xong”, bạn sẽ rất khó có cơ hội thăng tiến.
– Tham thành tích
Để ghi điểm với sếp và lập thành tích trong công việc, bạn tham lam ôm hết mọi việc vào người và cứ chăm chăm làm sao để hoàn thành càng nhanh càng tốt, không chú ý đến suy nghĩ của mọi người xung quanh. Tất nhiên, không tránh khỏi những lúc tinh thần lên cao, bạn hào hứng toàn tâm toàn ý cho công việc và năng suất vượt kế hoạch. Nhưng nếu chỉ chú ý đến thời hạn hoàn thành công việc mà không để ý đến chất lượng thì thành công chỉ đến nhất thời mà hậu quả lại tiềm ẩn khó lường.
Ảnh minh họa |
– Không biết kiềm chế
Cho dù bạn là nhân viên kỳ cựu hay ở cấp quản lý, sự giận dữ, không biết kiềm chế cơn giận sẽ khiến uy tín của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Con đường thăng tiến của bạn cũng theo đó mà thu hẹp lại.
Tất nhiên, một khi đam mê công việc và cống hiến hết mình, bạn khó tránh khỏi những lúc giận dữ nếu công việc không theo ý mình. Tuy nhiên, hãy khéo léo bày tỏ sự thất vọng hay bất đồng quan điểm, nổi trận lôi đình không phải là cách giải quyết tối ưu. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo kết quả công việc cuối cùng như mong muốn chứ không phải là trút giận lên một ai đó.
– Huênh hoang quá mức
Bạn có năng lực và đạt được không ít thành công, mang lại hiệu quả cho công ty. Bạn cho rằng, bấy nhiêu đó đủ để bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp một cách nhanh chóng.
Trong hào quang của chiến thắng, bạn hầu như quên hẳn đóng góp của đồng nghiệp, của nhân viên, công tập thể biến thành của riêng bạn. Sự huênh hoang quá mức khiến đồng nghiệp có cái nhìn khác hẳn về bạn, và những lần sau, bạn trở nên bình thường thậm chí là tầm thường trong mắt họ kể cả bạn lập được công lớn.
Hải Như
Theo Askmen/Bưu Điện Việt Nam