Những kiến trúc tại Göbekli – một đỉnh đồi thuộc ngoại ô thành phố Urfa, Thổ Nhĩ Kỳ, được phát hiện vào năm 1995 bởi Klaus Schmidt thuộc Viện khảo cổ học Đức và các đồng nghiệp đến từ Bảo tàng Şanlıurfa Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình kiến trúc lâu đời nhất được phát hiện tại khu vực này là các tòa nhà rộng lớn cùng những trụ đá lớn, đa số có chạm khắc hình rắn, bọ cạp, cáo, và các loài động vật khác.
Các kiến trúc cổ đại này được cho là những ngôi đền lâu đời nhất trên thế giới, nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì chúng không phải là những tòa nhà tôn giáo. Nhà khảo cổ học Ted Banning thuộc Đại học Toronto lập luận rằng những kiến trúc được tìm thấy tại Göbekli Tepe có vẻ giống như là nhà ở của người dân chứ không phải đền thờ gì cả.
Sự hiện diện của mỹ thuật trong những tòa nhà này, và thực tế rằng người ta đã nỗ lực rất nhiều để có thể xây dựng và dựng chúng lên, cùng với việc thiếu bằng chứng của sự định cư lâu dài ở khu vực này, cuối cùng đã đưa Schmidt và những nhà khảo cổ khác đi đến kết luận rằng Göbekli phải là một nơi linh thiêng, chỉ dành cho những người hành hương đến lễ bái, giống như những tàn tích của người Hy Lạp tại Delphi hay Olympia. Nếu như giải thích đó là đúng thì các tòa nhà có niên đại hơn 10.000 năm này là những ngôi đền lâu đời nhất từng được tìm thấy.
Tuy nhiên, ông Banning đưa ra một cách giải thích khác, trái với một số điều mà Schmidt tuyên bố.
Ông đã đưa ra những bằng chứng khảo cổ cho thấy từng tồn tại những sinh hoạt đời sống hàng ngày ngay tại khu vực này, chẳng hạn như đá lửa và vật dụng để chuẩn bị bữa ăn. “Bằng chứng này cho thấy rõ khu di tích này từng có dân cư sinh sống, và dường như có dân số khá lớn”, Ông Banning cho biết.
Ông Banning tiếp tục lập luận rằng những người dân có lẽ đã cư trú trong nơi mà từng được cho là những ngôi đền này. Ông không chấp nhận ý kiến cho rằng: các tòa nhà này không thể là chỗ ở vì chúng đồ sộ và có những cột trang trí.
“Điều giả định rằng ’nghệ thuật’, hoặc thậm chí là ’nghệ thuật lớn’ chỉ có thể gắn liền với những đền miếu đặc biệt hoặc những không gian phi gia đình khác, nếu xem xét kỹ thì không đúng”, Banning viết. “Có nhiều bằng chứng dân tộc học của việc người ta đầu tư đáng kể để trang trí các kiến trúc và không gian gia đình, dù là để tưởng niệm chiến công của tổ tiên, quảng bá lịch sử dòng tộc, hay là sự độ lượng của một tộc trưởng; hoặc ghi lại các lễ kết nạp và các nghi lễ tại nhà khác”.
Những hình vẽ trên tường đóng vai trò hình thức nghệ thuật trong nhà cũng được tìm thấy ở Çatalhöyük, một địa điểm khảo cổ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Banning cho rằng những ngôi đền nổi tiếng này có thể được dùng để thay thế cho nhà sinh hoạt cộng đồng, “có những nét tương tự với kiểu nhà đóng bằng những tấm ván lớn mà có những cổng chào và các cột totem ấn tượng, ở duyên hải Tây Bắc Mỹ”.
“Nếu như vậy, họ có lẽ như đã sống trong những đại gia đình, có thể là một ví dụ cực sớm của cái mà nhà nhân chủng học người Pháp, Claude Levi-Strauss, gọi là các “hội nhà” (house societies)”, Banning nói thêm.
Tác phẩm điêu khắc một con vật ở Gobekli Tepe
Ông Banning hy vọng rằng khai quật tại tàn tích này thêm nữa sẽ làm sáng tỏ hơn về việc những tòa nhà này được sử dụng như thế nào. Trong khi đó, ông cũng mong rằng các nhà nghiên cứu sẽ không máy móc cho rằng: sự hiện diện của nghệ thuật hay sự trang trí trong các kiến trúc ở Göbekli và các nơi khác thì có nghĩa đó là tòa nhà dành riêng cho tôn giáo.
Bức tượng người bằng đá có lẽ lâu đời nhất trên thế giới
“Có khả năng một số trong những công trình này là địa điểm cho nhiều loại nghi lễ, có thể bao gồm cả tiệc tùng, lễ mai táng, ma thuật, và lễ kết nạp”, ông viết. “Tuy nhiên, ngay cả khi những cái này cũng ấn tượng như các tòa nhà tại Göbekli Tepe, nói chung là không có lý do để có thể dám chắc rằng chúng không phải là nhà ở của người dân”.
(Theo The Epoch Times)/Tin 180