Đôi khi, anh chồng cháy túi sau một bữa nhậu khao đồng nghiệp. Khi ấy, anh sẽ phải lấy tiền nhà và nói với vợ để cô tính toán lại cho tháng tới.
Hu cho biết chồng cô không giỏi quản lý tiền. Trước khi kết hôn anh thậm chí chẳng tiết kiệm được đồng nào, mặc dù đã làm việc hơn 6 năm. Tồi tệ hơn là anh hoàn toàn không có ý niệm về việc tiền đã đi đâu.
“Vì thế tôi phải giữ thẻ ngân hàng của anh ấy”, Hu – biên tập viên 28 tuổi của một tờ báo ngày ở Bắc Kinh – cho biết.
Hu ghi lại rất chi tiết và rõ ràng các khoản mục mà họ đã tiêu, thậm chí từ những món nhỏ xíu chỉ 0,5 tệ. Vợ chồng cô có thu nhập 500.000 tệ mỗi năm và tiêu dùng hết khoảng 110.000 tệ, trong đó chưa kể trả tiền nhà, chiếm khoảng 90.000 tệ mỗi năm.
“Tiền rất quan trọng với hôn nhân”, Hu nói, và chất lượng cuộc sống của mỗi người không nên đi xuống sau khi kết hôn.
“Tôi nhớ nhà văn Hong Kong nổi tiếng từng viết trong tiểu thuyết của mình ‘Tôi muốn có nhiều tình yêu. Nếu không có tình yêu, tôi muốn có nhiều tiền’. Ít nhất tôi nêu có một trong hai thứ”, cô nói.
Chính sách mới làm thay đổi quan niệm
Theo Chinadaily, một vài chuyên gia cho rằng cách lý giải mới nhất về Luật Hôn nhân của nước này (do Tòa án tối cao công bố tháng 8 vừa qua) là một nỗ lực để khuyến khích các đôi uyên ương cưới nhau vì tình yêu, chứ không phải vì tiền, do đã hạn chế quyền tiếp cận tài sản của người này với người kia qua kết hôn.
Theo đó, một ngôi nhà được mua trước khi hôn nhân hình thành vẫn sẽ là tài sản riêng của người đã mua căn nhà đó. Trong trường hợp ly dị, người chủ sở hữu nhà sẽ phải đền bù cho bạn đời tiền đóng góp mua nhà và giá trị tăng lên của bất động sản.
Nếu cha mẹ của người vợ hoặc chồng mua nhà cho con họ, và tài sản này đứng tên duy nhất người con đó, thì sau khi ly hôn, căn nhà vẫn sẽ chỉ thuộc về người con ấy.
Trong 10 năm qua, giá nhà đã tăng phi mã tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, giá trung bình mỗi mét vuông của một căn hộ điển hình lên đến 23.700 tệ vào cuối tháng 8 vừa qua. Với hầu hết các gia đình Trung Quốc, nhà cửa đã trở thành tài sản có giá trị nhất.
Một vài người cho rằng lý giải mới theo Luật hôn nhân sẽ khuyến khích mọi người quan tâm đến tình yêu hơn là tài sản. Nhưng những người khác thì tin rằng mặc dù có chủ đích rõ ràng, song những giải thích này không thể buộc mọi người thay đổi các tiêu chuẩn hôn nhân cố hữu hiện nay.
“Hôn nhân không đơn giản là yêu. Nó là một quá trình sống. Bạn có thể nói về tình yêu cả ngày mà không cần có chỗ ngủ không?”, Jiang Yue, một giáo sư trường luật tại Đại học Xiamen nhận định.
“Thực tế, chúng ta không thể phân định rõ ràng giữa tình cảm và vật sở hữu. Nói cách khác, ai sẽ yêu một người vô gia cư phải nằm dưới chân cầu?”, bà nói.
Những chiếc hang hiện đại
Một khảo sát trên hơn 100.000 người độc thân Trung Quốc năm 2009 đã tìm thấy với phụ nữ, thu nhập cá nhân của đàn ông đứng thứ 3 trong các tiêu chuẩn hàng đầu chọn bạn đời, trong khi với nam giới, tiêu chỉ ngoại hình của bạn gái xếp thứ ba. Cả nam và nữ đều chọn đạo đức và cá tính là tiêu chuẩn hàng đầu, Mu Yan, đồng sáng lập và là phó chủ tịch Baihe.com, một trong những trang web hẹn hò hàng đầu nước này cho biết.
Một khảo sát khác của Baihe thực hiện năm ngoái trên hơn 32.000 người tuổi từ 20 đến 60 cho thấy, 71% phụ nữ cho rằng đàn ông phải sở hữu một ngôi nhà mới đủ điều kiện cưới, trong khi chỉ 48% đàn ông có cùng quan điểm này.
Gần 86% người được hỏi lựa chọn việc “có thu nhập ổn định” là điều kiện tiên quyết để tính tới hôn nhân, theo sau là “có nhà” (58%) và “có một khoản tiết kiệm chắc chắn” (54%).
Nói chung, tình hình ngày nay không khác biệt lớn so với 5.000 năm trước, Mu nói. “Trong các cộng đồng nguyên thủy, phụ nữ phải sống trong hang để chăm trẻ con, vì thế những người đàn ông có khả năng chiếm lĩnh hang sẽ tìm được vợ”.
“Trong xã hội ngày nay, giá nhà tăng quá nhanh… Vì thế cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng cảm thấy bất an hơn, nhu cầu có nhà và tài chính vững vàng của họ sẽ tăng lên”.
Thứ duy nhất có giá trị
Áp lực cao của cuộc sống đô thị buộc mọi người trở nên khiêm tốn hơn và thực tế hơn trong đời sống thực, mặc dù vẫn mưu cầu một tình yêu thực thụ. Trong mắt của người bình thường, việc có nhà là điều cực kỳ quan trọng, Jia Mingjun, sáng lập viên của Công ty luật Whole-Guard Thượng Hải, cho biết.
“Các luật sư của chúng tôi cực kỳ bận rộn trả lời điện thoại kể từ khi Tòa án tối cao đưa ra lý giải mới về Luật hôn nhân”, ông nói. Từ năm 2003 đến 2006, ông xử lý khoảng 100 vụ ly hôn mỗi năm, và giờ đây chỉ giải quyết các lo lắng của những chủ doanh nghiệp và ngôi sao nổi tiếng.
“Hầu như tất cả các cuộc ly dị của người bình thường liên quan đến nhà đất. Khác với người giàu quan tâm chủ yếu đến cổ phần, những cặp vợ chồng bình dân chẳng có gì đáng giá để chia chác ngoài căn nhà”, ông nói.
Để tránh những tranh cãi pháp lý sau khi ly hôn, ngày càng nhiều người nước này đã ký hoặc chuẩn bị ký những hợp đồng tài sản tiền hôn nhân. Những hợp đồng như vậy trước kia thường được xem là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng giữa các cặp vợ chồng và vì thế không được hầu hết người Trung Quốc chấp nhận.
Trước khi cưới Wang Haoyu 2 năm trước, chị Cui Yin đã mua một căn nhà ở khu vực Pudong ở Thượng Hải. Căn hộ rộng 90 mét vuông trị giá 1,43 tỷ tệ, trong đó phần trả ban đầu là 800.000 tệ.
Hiện tại cô gái 35 tuổi làm giám đốc nhân sự này có mức lương cao gấp 10 lần chồng. Cô có thể tự trả khoản tiền ban đầu và chồng cô, anh Wang đóng góp 200.000 tệ trả thêm. Cặp vợ chồng này đã viết và ký hợp đồng hôn nhân, trong đó thừa nhận ngôi nhà thuộc về một mình Cui.
“Chồng tôi rất lý trí, vì thế anh không hề phản đối việc ký kết này”, Cui, giờ có con gái 1 tuổi, cho biết. “Tôi không nghĩ điều đó ảnh hưởng gì đến tình yêu giữa hai người. Ngoài ra, ngôi nhà này quả thực được làm ra từ công sức vất vả của tôi trong quá khứ”, cô nói.
Trong vòng 2 năm qua, căn nhà của họ đã có giá lên tới 16.000 tệ tới 22.000 tệ mỗi mét vuông. Cui cho biết nếu họ ly hôn một ngày nào đó, mặc dù khó có khả năng này, cô sẽ giữ lại ngôi nhà và đưa phần giá trị nhà phát sinh cho chồng, dựa trên đóng góp ban đầu của anh.
Theo khảo sát năm 2008 của Baihe trên hơn 2 triệu người sống tại các thành phố lớn và vừa, 44% có thái độ cởi mở với việc ký hợp đồng tiền hôn nhân, chỉ 3% không sẵn sàng chấp nhận.
Thuận An