Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM vừa lấy lại mẫu da của chị Phượng để tái xét nghiệm, đồng thời chuyển mẫu sang Mỹ tìm nguyên nhân gây bệnh.
Sau 10 ngày lấy tế bào da để xét nghiệm, nguyên nhân gây bệnh lão hóa của bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng (26 tuổi, ngụ Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vẫn chưa được xác định vì kết quả sinh thiết không thành công.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện ĐH Y Dược, mẫu da thực hiện trước đó cho thấy chưa đủ tiêu chuẩn để khẳng định chính xác bệnh trạng cho bệnh nhân và những gì đã thấy vừa qua mới là hiện tượng chứ chưa phải là bản chất. Ngoài ra, bệnh này liên quan đến thẩm mỹ nhiều hơn vì tất cả những xét nghiệm về sinh học, nội tiết… đều cho thấy sức khỏe chị Phượng bình thường.
Từ một cô gái trẻ đẹp, chị Phượng bỗng hoá bà già đã thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và nước ngoài |
Để tránh mất thời gian, lần tiếp theo này, các bác sĩ ở Bệnh viện đã lấy lại mẫu da của chị Phượng, một để ở nhà xét nghiệm, một mẫu khác gửi sang một bệnh viện trực thuộc Trường ĐH Harvard nhờ xét nghiệm. Trong khoảng một tuần sau sẽ có kết quả.
Chị Nguyễn Thị Phượng lập gia đình với anh Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1978) từ năm 2006, một năm sau khi lấy chồng, chị đã có những triệu chứng ngứa da mặt và da tay. Sau một thời gian tự dùng thuốc chữa dị ứng, chị Phượng từ một phụ nữ trẻ đẹp đã “biến” thành một bà lão với khuôn mặt nhăn nheo.
Căn bệnh kỳ lạ của chị Phượng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới y khoa và dư luận trong lẫn ngoài nước.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh – trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chẩn đoán thì chị Phượng có dấu hiệu dương tính của bệnh Mastocytose, hay còn gọi là bệnh tế bào vón. Nếu chính xác chị Phượng mắc chứng này thì khả năng chữa khỏi rất cao, gương mặt có thể phục hồi 50-70%.
Tuy nhiên, ngày 13/10 tờ Daily Mail đăng tải bài viết có tựa đề: “Trường hợp kỳ lạ, phụ nữ 26 tuổi biến thành 73 chỉ trong vài ngày” nói về chị Nguyễn Thị Phượng với căn bệnh kỳ lạ. Theo báo này, chị Phượng có thể đang mắc phải hội chứng lipodystrophy. Đây là một hội chứng rất hiếm gặp gây ra bởi một lớp mô mỡ nằm dưới da mặt bị phân hủy trong khi làn da vẫn tự phát triển với tốc độ nhanh. Căn bệnh này không có phương pháp chữa trị và khiến làn da của bệnh nhân chảy xệ, hàng loạt nếp nhăn xuất hiện. Hiện, trên thế giới, chỉ có khoảng 2.000 người được chẩn đoán mắc hội chứng này.
Một khả năng nữa mà báo này đưa ra là cũng có thể, chị Phượng mắc hội chứng phát phì. Hiện tượng này xảy ra khi một người có nồng độ hormone gọi là cortisol quá cao trong máu. Các triệu chứng thường gặp như tăng cân, khuôn mặt béo tròn vì lớp mỡ phát triển và làn da sẽ mỏng đi. Bệnh này thường xuất hiện như một tác dụng phụ của quá trình điều trị với corticosteroid. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 5 lần nam giới với độ tuổi khoảng từ 25 đến 40.
Hiện tại, trong lúc chờ kết quả mẫu da xét nghiệm lần hai, chị Phượng vẫn được chăm sóc tại khu điều trị liên kết của Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM.
Mẫn Chi (tổng hợp)