Tinh Hoa

Ký sự ‘hảo hán’ xe buýt

Trên một diễn đàn của sinh viên có bài “Những quy tắc ngầm khi đi xe buýt” do nhiều tay “kỳ cựu” xe buýt ghi lại như: Đừng có dại dột đeo khẩu trang khi chìa vé tháng hay nếu có ba lô thì nên đeo ngược. Thậm chí, không nên tay bắt mặt mừng trên xe.

Tôi, người viết bài này tự thừa nhận mình chưa là một công dân Thủ đô tốt vì vẫn đang góp phần làm tệ thêm tình trạng ùn tắc giao thông do thường xuyên dùng phương tiện cá nhân thay vì có thói quen sử dụng các phương tiện công cộng.

Ví dụ giản dị nhất là đi xe buýt mà điểm dừng đỗ cách nhà tôi chưa đầy 100m, cách cơ quan một đoạn tương đương. Khi dư luận được “hâm nóng” bởi thông tin có thể trong tương lai sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh giao thông công cộng, kết hợp việc toà soạn giao viết bài về xe buýt, tôi có cơ hội lần đầu tiên trong đời đi xe buýt, tôi “chốt” ngay tuyến nhiều scandal và phàn nàn nhất trên các diễn đàn mạng dành cho sinh viên, tuyến 32 (Nhổn – Giáp Bát).

Dành trọn 2 ngày tìm đọc thông tin tham khảo trên mạng Internet, củng cố thêm kinh nghiệm đi xe buýt và khi tôi đối diện với thực tế, phải nói đó là một khoảng cách xa vời vợi mang những sự thật dở khóc dở cười. Nhan nhản các đề mục, bài viết cảnh báo về tệ nạn móc túi, trộm cắp tại các điểm trung chuyển và khi lên xuống xe buýt khiến tôi rất tò mò muốn “trải nghiệm” làm nạn nhân kế tiếp của phường đạo chích.

Tất nhiên, phương án “học phí” rẻ nhất là đi xin anh bạn buôn điện thoại một chiếc điện thoại di động mô hình bằng nhựa sơn, vẽ y xì đồ thật. Nhét chiếc điện thoại rởm vào túi quần một cách tương đối hớ hênh, điện thoại xịn nhét túi trước, tôi đeo balô như một sinh viên thực thụ và đi xe ôm ra điểm trung chuyển “khét tiếng” Cầu Giấy.

Loay hoay làm quen giữa một đám đông lộn xộn luôn chực ào túa ra mỗi khi xe xuất hiện vào bến quả không hề dễ chịu. Tôi nhận ra chiếc điện thoại mô hình đã hoàn toàn biến mất khỏi túi khi đã kẹt cứng giữa vài chục con người chen nhau trên chuyến xe 32 bắt đầu chuyển bánh hướng về Nhổn.

Đám đông lộn xộn luôn chực ào túa ra mỗi khi xe buýt xuất hiện – (Ảnh minh họa)

Một bạn gái quen tôi nhà gần trạm trung chuyển Cầu Giấy gần như “nhẵn mặt” hầu hết ổ nhóm trộm cắp vặt tại đây, thế mà cũng có lần bị một “tiểu đồ đệ” khoảng 10 tuổi móc điện thoại ở túi quần. Bị phát giác, chủ nhân giữ chặt tay nắm chiếc điện thoại, “tiểu đồ đệ” thì ra sức kéo, cuối cùng cô bạn tôi đành xuống nước: “Em bỏ tay ra, chị cho”, thế là nó bỏ tay rồi chạy mất hút, cô kể lại, nghĩ mà vẫn thấy xót xa.

Phải nói rằng, hầu hết hành khách sinh viên trên hành trình tuyến xe này đều được trang bị một kỹ năng tài tình về trình độ nhảy xe. Chiếc xe buýt mang biển kiểm soát có 4 số đuôi 09.. dường như chưa bao giờ thực sự ngừng lăn bánh khi đón, trả khách tại bến. Và thế là chiếc xe rẽ ào vào điểm đón thì cứ việc di chuyển lúc nhanh, lúc chậm, cửa trước khách thi nhau đu bám lên, cửa sau lũ lượt nối đuôi nhau nhảy xuống dạt ra đằng sau theo quán tính. Chưa hết, cửa xe sẽ đóng thịch một cách bất thình lình như cái bẫy sẵn sàng chia cắt những đôi bạn đồng hành kẻ trước người sau.

Dường như họ đã quá quen với “trò đùa” của cánh cửa xe buýt nên hầu hết đều cười như nắc nẻ giơ tay lên cửa kính vẫy giống cảnh chia tay trong phim Hàn Quốc mà “hẹn gặp lại” kẻ kém may mắn đứng dưới đường vừa bị trễ bến còn suýt bị cửa kẹp ngang chân.

Tài xế chiếc xe kể trên độ tuổi xấp xỉ 50 đeo kính đen là một “hảo hán” thực sự với tiếng chửi hành khách hào sảng vô cùng lưu loát. Ví dụ như một sinh viên trẻ báo cáo rất lễ phép: “Chú ơi, cháu xuống bến sau ạ” thì được hồi đáp ngay: “Mày xuống bến sau mà còn đứng thằng cụ mày đấy à, hay phải đợi bố mày dừng xe bế mày xuống cửa sau? Cút”.

À ra là thế, đôi lúc sự lễ phép dùng không đúng chỗ thì vẫn có thể bị chửi một cách ngẫu hứng như thường vì ngay trước đó cũng có vài khách “được phép” xuống bến cửa trước. Đó chỉ là một phân khúc nhỏ trong “trường ca ngôn ngữ miệt thị sinh viên dọc tuyến đường của các bác tài “hảo hán”.

Tôi có một chút hoảng hốt khi nghe vị tài xế này phàn nàn với phụ xe về vấn đề xe đang hỏng phanh, thi thoảng “hảo hán” co chân đạp phanh phành phạch cho hệ thống phanh không bị bó cứng, hành khách dồn díu vào nhau theo quán tính, chắc chắn điều khiển một chiếc xe cồng kềnh phanh kém như vậy sẽ có nhiều khó chịu. Cũng may giao thông buổi đầu giờ chiều dọc tuyến đường Cầu Giấy – Hồ Tùng Mậu cho đến bến cuối cùng trên đường 32 không quá đông đúc, toàn bộ khách xuống xe cũng là lúc bác tài lững thững xách chai nước Lavie hắt vào phanh để hạ nhiệt chuẩn bị cho chuyến quay đầu, một sự “sáng tạo” sửa chữa kỹ thuật sởn da gà.

Bước vội qua đường bắt kịp chuyến xe ngược lại Giáp Bát mang biển kiểm soát 83… thì tôi lại được thêm một lần ngạc nhiên, hay lạc hậu với “thời thế” khi được chiêm ngưỡng anh phụ xe ngồi vắt chân chữ ngũ hàng ghế đầu đàng hoàng thưởng thức điếu thuốc lá thơm bên trong chiếc xe buýt bít bùng khói tỏa “ngào ngạt”.

Tôi co tay định vỗ vai nhắc nhưng chợt nhận ra vẻ “phong trần” tóc nhuộm đỏ như gấc, bên tay trái xiên vài chiếc khuyên lủng lẳng kèm ánh mắt lạnh lùng của anh phụ xe thì đã kịp ném thẳng tâm nguyện góp ý văn minh nơi công cộng của tôi vào sọt rác. Cả lái xe và phụ xe đều còn khá trẻ và khá hợp chuyện nhau, xe chạy đều đều đôi lúc chàng tài xế ngoái cổ “buôn” miết mải với chàng phụ xe tóc đỏ, chỉ có những chiếc xe máy bất ngờ cắt ngang đầu xe buýt mới có thể dứt được câu chuyện rôm rả của hai thanh niên bằng một phát phanh “hự” kèm chửi đổng.

Như để câu chuyện ít bị ngắt quãng hơn, tài xế bóp còi như “liên hoàn cước” dẹp đường, chắc chắn ít bản lĩnh xe máy nào cản trở một chiếc xe buýt có cường độ âm thanh còi siêu vượt trội đến vậy. Đến đoạn bắt đầu rẽ từ Nguyễn Thái Học sang Lê Duẩn, một cú đánh cua díu người trên xe và chiếc xe buýt chuyển hướng vừa khít làn đường ngược chiều trên đoạn phố hẹp này, xe 83… lấn làn đường có vạch phân cách liền một cách rất tự nhiên, dòng xe máy ngược chiều dạt xuống nắp cống lập bập mau chóng nhường đường cho xe buýt đi qua ngã tư đèn tín hiệu giao thông Lê Duẩn – Hai Bà Trưng.

Thật không may mắn khi tôi quyết định đi thêm một chuyến 32 nữa vào giờ cao điểm lúc 17 giờ thì chiếc xe mang biển số 85… hỏng hệ thống máy lạnh. Hơn 100 con người đứng chật ních không thể nhúc nhích đứng thở hắt vào gáy ướt đẫm mồ hôi của nhau khiến không khí trong xe như đặc quánh lại. Đã lâu lắm rồi giữa mùa thu Hà Nội tôi mới lại được toát mồ hôi như xông hơi hàng giờ đến vậy, làn khí eo hẹp luồn qua những khe cửa kính được kéo hết cỡ cũng chỉ được một khe hở vài centimet chân kính đã được chốt bằng cách đóng đinh, có lẽ vì lý do an toàn.

Mỗi lần xe vào bến, cánh cửa mở ra đưa dưỡng khí vào bên trong, ánh đèn đường hắt lên những gương mặt ướt đẫm mồ hôi bóng nhẫy há mồm thở. Chiếc xe buýt lọt thỏm giữa một biển xe gắn máy và ô tô giờ tan tầm rập rình lê từng mét. Đến bến xe Kim Mã, tôi dường như đã vượt qua ngưỡng giới hạn đành ngậm ngùi xuống bến đứng thở dốc, hít sâu vào lồng ngực luồng không khí lẫn khí thải phương tiện giao thông kín đặc do tắc đường mà vẫn thấy nó thật trong lành.

Trên một diễn đàn của sinh viên có bài “Những quy tắc ngầm đi xe buýt” do nhiều tay “kỳ cựu” xe buýt ghi lại, một số điều dễ hiểu, một số khác thì không thể hiểu. Ví dụ dễ hiểu như đừng có dại dột đeo khẩu trang khi chìa vé tháng, hệ quả sau đó khôn lường có thể bị phụ xe mắng như “quan phụ mẫu” hoặc tệ hơn thì còn có thể bị “ép hạ” xuống bến luôn do trên vé tháng không có ảnh người được sử dụng. Sinh viên nữ nếu có ba lô thì nên đeo ngược, vừa bảo quản để mắt được tài sản lại cũng là phương tiện hữu hiệu che chắn khu vực nhạy cảm phía trước dễ bị những gã bệnh hoạn “lợi dụng thời tiết xấu”.

Một quy tắc ngầm khó hiểu khác mà rất nhiều người đi xe buýt phàn nàn là họ bị cấm nói chuyện trên xe, bạn bè quý nhau, sinh viên lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng trên xe buýt thì cũng cứ liệu chừng, gặp chú phụ lái “hảo hán” có thể được thưởng thức ngay một mẻ “đặc sản” cho ăn đủ này nọ chứ đừng có nhờn.

Xe buýt Hà Nội đông đúc vẫn tồn tại nhiều điều bất cập, riêng sinh viên cười và sướng vì nó rẻ. Xe buýt là thứ duy nhất ủng hộ sinh viên thời đắt đỏ, 50.000 đồng/tháng, 3.000 đến 5.000 đồng/lượt. Thế là tha hồ đi, một cái vé tháng với cái ba lô là đi học, là đi chơi, là thăm bạn bè… Có khổ, khổ nữa, họ vẫn chọn xe buýt. Còn tôi, tôi đang tự hứa sẽ cố thử vài lần nữa.

Theo ANTG