Tinh Hoa

Ấn Độ đầu tư 41 radar chống sát thủ… chim

Không quân Ấn Độ (IAF) sắp mua 41 radar chuyên dụng giúp giám sát các hoạt động của loài chim xung quanh căn cứ của họ nhằm giảm thiểu tối đa những vụ va chạm do bị chim tấn công.

Một quan chức cấp cao của IAF nói với tờ Facenfacts: “Chúng tôi mới nảy ra ý tưởng này do nhận được các thông tin về việc có rất nhiều loại radar Avian đang được bán trên thị trường hiện nay. Chúng tôi sẽ sớm gửi đề xuất mua những chiếc radar loại này”. Tuy nhiên, vị quan chức này từ chối tiết lộ danh tính.

Không lâu sau đó, Không quân Ấn Độ đã quyết định bổ sung các radar chuyên dụng, tinh vi hơn cho các căn cứ không quân quan trọng của họ với hi vọng sẽ giảm bớt nỗi lo các máy bay không thể sẵn sàng hoạt động bình thường do bị chim tấn công.

 

Quyết định này được áp dụng tại một số căn cứ không quân ở các thành phố và thị trấn đông dân cư của Ấn Độ như Agra, Bareilly, Gwalior, Srinagar, Chandigarh và Tezpur.

Theo một báo cáo gần đây của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Ấn Độ, 9% trong tổng số 1000 vụ tai nạn máy bay xảy ra tại đất nước này từ năm 1970 tới nay đều là do bị chim tấn công. Nói cách khác, “chim tấn công” có thể là nguyên nhân chính dẫn tới 1/10 các vụ tai nạn máy bay ở đây.

Tuy nhiên, số vụ chim tấn công được lưu lại bởi IAF trong vòng 40 năm qua vẫn chiếm tỉ lệ quá thấp so với con số 39,5% các vụ tai nạn máy bay do gặp phải các lỗi kĩ thuật, nhất là với các máy bay đã “có tuổi”, có thâm niên nhiều năm hoạt động mà chưa được tu sửa, nâng cấp hoặc con số 39% các vụ tai nạn do lỗi của con người, thường do phi công chưa được đào tạo bài bản.

Quan chức trên cho hay, mục đích của việc mua radar chuyên dụng Avian là để cứu cả phi công lẫn máy bay khỏi các vụ tai nạn có thể dễ dàng tránh được – đó là các vụ va chạm do bị chim tấn công.

 Châu Á thiệt hại nhiều nhất

Các số liệu thống kê cho thấy các vụ “bird hit” gây thiệt hại xảy ra nhiều nhất ở châu Á, rồi đến châu Mỹ, ít nhất là ở châu Âu. Tại VN, riêng ở sân bay Nội Bài, từ năm 1955 đến 1999 đã có 14 vụ máy bay va chạm với loài chim. Từ đó đến nay các cú “bird hit” ít dần đi vì cơ quan an ninh hàng không đã áp dụng nhiều biện pháp xua đuổi chim. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng nhiều lần phải đón các chuyến bay hạ cánh khẩn cấp do sự cố loại này.

Các vụ “bird hit” đều diễn ra ở độ cao dưới 900 m. Dưới 600 m là khoảng không nhiều nguy hiểm nhất. Do đó, các vụ tai nạn khi chim va chạm máy bay hầu hết đều xảy ra khi máy bay cất và hạ cánh. Ước tính, một con chim nặng 500g nếu va vào chiếc Boeing 747 đang bay với tốc độ siêu âm thì lực va chạm có thể lên tới 5 tấn.

M.Q