Một tổ chức bảo vệ môi trường yêu cầu chính phủ Nepal xây dựng các nhà vệ sinh trên đỉnh núi Everest để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm.
Đỉnh Everest, nóc nhà của thế giới. Ảnh: Discovery |
Discovery dẫn thông báo của tổ chức bảo vệ môi trường Eco Himal cho biết, mỗi năm đỉnh Everest tiếp nhận chất thải của vài nghìn người leo núi. Những người leo núi phải chi hàng nghìn USD để tới được đỉnh Everest, song rất ít người trong số họ chú ý tới hậu quả của chất thải mà họ để lại. Chưa có số liệu chính xác về lượng chất thải trên núi Everest trong 50 năm qua, song ngày nay người ta coi nó là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới.
“Chất thải của người là một vấn đề đối với Everest. Tôi chỉ gợi ý rằng chúng ta nên xây những nhà vệ sinh công cộng để người leo núi sử dụng”, Phinjo Sherpa, giám đốc tổ chức Eco Himal, phát biểu.
Nhiều nhóm du khách mang theo thùng đựng chất thải khi leo núi, song những người khuân vác không có những thứ đó. Vì thế họ chỉ có thể chạy ra phía sau các đụn tuyết khi nhu cầu tự nhiên xuất hiện.
Trong điều kiện nhiệt độ cực thấp trên đỉnh Everest, chất thải và tử thi của những người leo núi tử nạn cần rất nhiều thời gian để phân hủy.
Sherpa nói rằng chính phủ nên đặt hoặc xây các nhà vệ sinh tại các điểm được nhiều người viếng thăm trên núi Everest và khu vực xung quanh.
Eco Everest Expedition, liên minh của các nhà hoạt động môi trường tại Nepal, đã thu hơn 13 tấn rác, 400 kg phân và xác người từ năm 2008 tới nay.
Đỉnh núi Everest, với chiều cao 8.848 m, được coi là “nóc nhà của thế giới”. Nó nằm ở khu vực biên giới giữa hai nước Trung Quốc và Nepal.
Minh Long