Người biểu tình đứng trước Nhà Trắng.
Theo điều tra của một số tờ báo Mỹ và Pháp, ngày mai, những người bất mãn vì tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế, bất mãn trước bất lực của chính quyền để khắc phục khủng hoảng, bất mãn vì các ngân hàng làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác … đang chuẩn bị tổ chức biểu tình tại ít nhất 25 quốc gia và đã có không dưới 8 thành phố tại Canada hưởng ứng phong trào bắt nguồn từ New York.
Trên các mạng xã hội, người ta đã đọc thấy những khẩu hiệu như là “Chiếm lấy Sydney, Chiếm lấy Madrid, hay Chiếm lấy thị trường tài chính London”.
Từ ngày 17/9, hàng trăm người đã cắm trại tại công viên Zuccotti tại New York tiếp theo đó là các cuộc tuần hành thu hút hàng nghìn, hàng chục nghìn người để nói lên sự công phẫn của 99 % dân Mỹ phản đối 1 % còn lại đang thâu tóm tất cả mọi quyền lực và của cải.
Từng bước, cả một “ngôi làng phản kháng” đã được dựng lên không xa biểu tượng giới tư bản Mỹ là Sở chứng khoáng New York.
Ngôi làng xuất hiện ngay trong lòng New York này được tổ chức đâu ra đấy: một bên là khu nhà bếp để phục vụ cho người biểu tình, bên kia là một khu giữ trẻ cho các bậc phụ huynh yên tâm hoạt động, ở một khu khác là chỗ để viết áp phích, phát hành áo phông, gây quỹ cho phong trào …
Đáng chú ý, ban đầu, phong trào phản kháng xuất phát từ nước Mỹ đã ít được chú ý nhưng trong ba tuần qua, “Chiếm phố Wall” đã bắt đầu được hàng chục tổ chức công đoàn, chính giới và báo chí quan tâm.
Một số nhân vật nổi tiếng đã dừng chân trước công viên Zuccotti tạo thêm uy tín cho phong trào. Trong số đó phải kể đến các ngôi sao điện ảnh như Michael Moore hay Susan Sarandon.
Hôm 12/10, ông Lech Walesa, cựu Tổng thống Ba Lan, tuyên bố sẽ lên đường đi New York để ủng hộ phong trào. Ông Walesa nói với tờ báo Ba Lan Dziennik Wschodni rằng ông đã nhận được lời mời của ông Matthew Blair, người tổ chức biểu tình.
Ông nói hàng nghìn người tụ tập tại New York vì lo lắng về tương lai của họ và đất nước, và đó là điều mà ông “có thể thông cảm”.
Trà Giang
Theo CBS, AFP