Tinh Hoa

Steve Jobs đã dạy chúng ta điều gì?

Steve Jobs vừa qua đời ở tuổi 56. Cả thế giới nghiêng mình tiếc thương người quá cố – một thiên tài đã góp phần thay đổi bộ mặt của làng 2-Tek. Nhìn lại quá khứ, bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng chủ nhân của hàng trăm phát minh không hề được đào tạo như một nhà thiết kế hay kỹ sư. Nhưng chính “cha đẻ” Apple đã làm chủ công nghệ, quyền năng và sáng tạo hơn bất kỳ ai. Vậy sức mạnh nào đã giúp Steve Jobs làm được điều ấy?

Chúng mình hãy nhớ lại quyết định lớn nhất trong sự nghiệp của bác ấy. Câu chuyện không xảy ra trong gara – nơi Steve Jobs cùng Steve Wozniak tưởng tượng về chiếc máy tính đầu tiên. Điều ấy cũng không xuất hiện trong cuộc họp mà người quản lý nói với ngài CEO: “Sẽ không có việc khách hàng chỉ mất 400 USD cho một chú dế có khả năng nghe nhạc”. Thay vào đó, chúng là một câu chuyện bị bỏ quên trong khuôn viên Apple.

Năm 1996, Steve Jobs quay trở lại và hồi sinh Apple. Sau cuộc dạo chơi kéo dài 12 năm để hoàn thiện phần khởi động (Pixar và NeXT – nền tảng cho máy tính siêu cao cấp), bác ấy tái xuất trong cương vị giám đốc điều hành. Cần nhìn thẳng vào sự thật khi Apple đang lâm vào khủng hoảng, lép vế so với Microsoft, IBM và nhiều đối thủ khác. Lúc này, những điều mà Apple tự hào chỉ là bộ vi xử lý nhanh hơn và rẻ hơn.

Trọng trách lãnh đạo thúc đẩy Steve Jobs không ngừng suy nghĩ. Làm thế nào để tìm lại thời hoàng kim cho Apple? Trong một tầng hầm bụi bặm gần đại bản doanh Cupertino, người ta bắt gặp một nhà thiết kế đơn độc đã bỏ thuốc lá, cặm cụi bên hàng đống linh kiện nguyên mẫu. Trong số đó, nổi bật nhất là chiếc màn hình nguyên khối được tích hợp mọi phần cứng PC cần thiết. Cũng tại căn phòng ấy, Steve Jobs nhìn thấy tương lai, điều mà nhà quản lý bậc trung “bó tay”. Ngay lập tức, bác ấy nói chuyện với đồng nghiệp Jonathan Ive. Và bộ đôi bước vào lịch sử bằng dòng máy tính hoàn toàn mới.

Sản phẩm được Steve Jobs “khai sinh” có tên gọi iMac và bán chạy chưa từng thấy. Nhận xét về sáng tạo mang tầm thời đại, Jonathan Ive trả lời báo chí vào năm 1999: “Bạn biết được những gì về sản phẩm mà bạn đang cầm trên tay. Đó là một phát minh rất tuyệt vời”. Steve Jobs đã khám phá ra iMac không chỉ bằng trách nhiệm và niềm hăng say. Đơn giản vì bác ấy cảm thấy sự thay đổi sẽ tốt hơn và dám đặt cược vào bản năng nhạy bén của mình.

 

Bác ấy luôn sống hết lòng với công nghệ. Có thể, Steve Jobs chẳng phải nhà thiết kế bậc thầy hay kỹ sư tài năng nhất thế hệ của mình. Tuy nhiên, vị CEO giống như “vua phép thuật” của vương quốc 2-Tek đương đại. Thật may mắn cho Apple vì được sở hữu một con người đáng kính đến vậy.

Steve Jobs trở thành biểu tượng rực rỡ về tinh thần sáng tạo không mệt mỏi. Bác ấy tìm kiếm động lực từ những trăn trở, rằng cần phát triển điều gì thật kỳ diệu cho mọi người. Nếu theo dõi phong cách thuyết trình của Steve Jobs, bạn sẽ thấy vị CEO không hề nói mình là tác giả của sản phẩm. Bác ấy luôn đặt mình vào cương vị người sử dụng để biết họ thật sự cần gì. Như Steve Jobs từng nói năm 1989: “Bạn không thể hỏi khách hàng về thứ mà họ muốn rồi cung cấp cho họ thứ đó. Bạn phải xây dựng cái mới trước và khách hàng sẽ nói rằng họ mong muốn cái mới mà bạn tạo ra”.

 

Không ai hoàn hảo và “ông tổ” iPhone cũng chẳng ngoại lệ. Steve Jobs thường bị chỉ trích bởi sự cầu toàn đến tàn nhẫn và độc đoán. Bác ấy gạt phăng những sản phẩm còn khiếm khuyết, chỉ bởi nút nguồn hoặc chi tiết nhỏ trên màn hình chưa khắc phục xong. Vị CEO từng xé nát 3 bản vẽ iPhone vào năm 2007, thậm chí mắng nhiếc nhà thiết kế Jonathan Ive. Đúng vậy, Steve Jobs đã loại bỏ vô số ý tưởng để tìm thấy những phát minh vĩ đại. Bác ấy không hoàn hảo nhưng luôn đòi hỏi thiết bị Apple phải hoàn hảo.

Dưới đây là một ví dụ về điều kỳ diệu mà Steve Jobs làm cho ngành công nghiệp máy tính. Từ năm 1970 đến thập kỷ 90, bạn phải lội qua hàng tá “cửa ải” hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh. Nhưng điều thú vị đã xảy đến với iMac, khi hàng năm, quyển hướng dẫn sử dụng tiếp tục mỏng hơn và mỏng hơn. Cho đến giờ, hoàn toàn không còn hướng dẫn sử dụng nào hết.

Một thành công “vàng” trong sự nghiệp của Steve Jobs chính là thời điểm. Bác ấy đã sáng lập phong trào máy tính cá nhân, khi mới bước vào tuổi trưởng thành. Quay lại Apple năm 1996, vị CEO đã cho cả thế giới thấy chiếc máy tính làm được những gì. Trong thập kỷ 80 và 90, máy tính hấp dẫn bằng tốc độ và thông số kỹ thuật. Nhưng đến năm 2000, Steve Jobs chứng minh rằng tính năng sử dụng mới là điều quan trọng nhất.

Từ lâu, Steve Jobs đi trước thời đại khi sản phẩm “trái táo khuyết” thường quá đắt. Tuy nhiên, khi máy tính ngày càng phổ biến, yêu cầu tìm kiếm những thiết bị thích hợp hơn đã ám ảnh vị CEO. Bằng sự nghiên cứu và sáng tạo không ngừng, Steve Jobs tiếp tục mang đến iPhone và iPad đó nha!

Ngày hôm nay, cái tên vĩ đại không còn sát cánh bên Apple nữa rồi. Nhưng câu hỏi “Nếu là Steve Jobs, anh ấy sẽ làm gì?” đã trở thành lời thần chú đặc biệt. Rõ ràng, Apple thành công nhờ tầm nhìn vượt thời gian của người thuyền trưởng. Và lúc này, câu hỏi chưa lời giải đáp: “Ai đang mơ ước cho tương lai của nó bây giờ?” đang dành cho Apple thời hậu Steve Jobs…