Nguy cơ từ “trái bom nước” đập thủy điện từ lâu đã được các chuyên gia cảnh báo. Trong lịch sử cũng có nhiều trường hợp vỡ đập để lại hậu quả nặng nề và bài học cho các quốc gia.
Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào vào lúc 20h ngày 23/7/2018 là một trong nhiều thảm họa kinh hoàng trên thế giới.
Vụ vỡ đập đã gây ngập 10 bản ở hạ lưu và cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn, gồm bản May, bản Hinlath, bản Nhaythe Sanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin, trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 bị ảnh hưởng.
Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại do đường sá đi lại rất khó khăn. Ban cứu hộ trung ương đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ, tiếp tế lương thực thực phẩm… Nguyên nhân vỡ đập được cho là do mưa lớn trong nhiều ngày.
Trước vụ vỡ đập thủy điện ở Lào vừa diễn ra vào ngày 23/7/2018, cũng đã có nhiều vụ vỡ đập kinh hoàng xảy ra trên thế giới. Mỗi vụ gây ra những thiệt hại khổng lồ về người và của cho những quốc gia gặp nạn. Dưới đây là một số thảm họa vỡ đập thủy điện kinh hoàng nhất trong hơn 100 năm qua.
1. Vỡ đập Bản Kiều: Thảm họa ở Trung Quốc khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng
Vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều được coi là “thảm họa” vỡ đập tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc. Được xây dựng vào năm 1952 trên sông Hoài Nam thuộc tỉnh Hà Nam, đập Bản Kiều chính là một trong những thủy điện tầm cỡ quy mô lớn đầu tiên của quốc gia này.
Tuy nhiên, vào tháng 8/1975, do ảnh hưởng của siêu bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc, khiến lượng mưa đo được trong 3 ngày liên tiếp lên đến 1605,3 mm. Lượng nước mưa quá nhiều, cộng thêm tiêu chuẩn xây dựng yếu kém đã khiến con đập Bản Kiều bị vỡ và gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng.
Ước tính vụ vỡ đập thủy điện tồi tệ này đã khiến 170.000 đến 240.000 người người thiệt mạng (riêng số người chết trong lũ lụt đã lên tới 26.000 người, còn lại tử vong do nạn đói và dịch bệnh ngay sau đó), khoảng 11 triệu người dân khác bị mất nhà cửa khi 5,96 triệu ngôi nhà nhà bị phá hủy.
>>> Vụ vỡ đập Bản Kiều – Thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bị Trung Quốc che giấu nhiều năm
Ngoài ra, đập Bản Kiều bị vỡ còn cuốn trôi hơn 300.000 con gia súc gia cầm, phá hoại và gây ách tắc cho tuyến đường Bắc Kinh-Quảng Châu, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới gần 10 tỷ NDT.
Sự cố vỡ đập Bản Kiều được cho là đã phá hủy đi một nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ của Trung Quốc. Cụ thể, với công suất đạt tới 18 GW (tương đương với 9 nhà máy nhiệt điện hoặc 20 lò phản ứng hạt nhân), nhà máy thủy điện này ở Trung Quốc có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu sử dụng năng lượng vào lúc cao điểm của cả Vương Quốc Anh.
2. Thảm họa Morbi: Khoảng 25.000 người thiệt mạng
Do quá tải sức chứa và thiếu các biện pháp khẩn cấp nên trận mưa lớn, lũ lụt vào tháng 8/1979 đã khiến con đập Machhu-2 dài 4km trên sông Machhu (hay còn gọi là Morbi), Ấn Độ, bị vỡ, nước trong đập tràn ra quét qua thị trấn Morbi chỉ trong vòng 20 phút, gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Mặc dù chưa có báo cáo chính thức về số người chết, nhưng theo nhiều nguồn tin khẳng định con số này ước tính có thể lên tới 25.000 người.
Sự kiện thảm khốc này thường biết đến với tên gọi thảm họa Morbi và được ghi vào sách kỷ lục Guiness là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất từng xảy ra trên thế giới.
3. Vỡ đập South Fork (Mỹ): Hơn 2.200 người thiệt mạng
Sự cố vỡ đập South Fork, ở bang Pennsylvania xảy ra vào năm 1889 tại Mỹ khiến 2.209 người thiệt mạng. Trước khi đập thủy điện này bị vỡ, các kỹ sư dù liên tục nhận được cảnh báo về việc rò rỉ nước ở nhiều vết nứt nhưng không thể vá hết được.
Và mưa lũ lớn xảy ra vào tháng 5/1889 đã khiến con đập South Fork bị quá tải sức chứa. Đến ngày 21/5/1889, con đập thủy điện này bị vỡ, khoảng 20 triệu tấn nước tràn xuống, gây thiệt hại ước tính ít nhất khoảng 17 triệu USD và 2.209 người chết.
4. Italia: Đập thủy điện chưa vỡ nhưng hơn 2.000 người thiệt mạng
Được coi là một trong những con đập cao nhất trên thế giới, Vajont cao tới 262m, phần đáy dày 27m và phần mép trên cùng dày 3.4m.
Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra vào ngày 9/10/1963, dù đập chưa vỡ hay xả đáy nhưng nước sông đã tràn qua mép đập, nhanh chóng quét qua ngôi làng Longarone ở bên dưới thung lũng Vajont khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Nguyên nhân gây thương vong lớn là do một vụ sạt đất bất ngờ xảy ra, mang theo nhiều khối đất đá lao xuống lòng hồ khiến mực nước bên trong dâng nhanh, tràn ra ngoài mép đập và quét thẳng xuống ngôi làng bên dưới thung lũng.
Theo ước tính, chỉ trong vòng 45 giây, khoảng 260 triệu m3 nước đã bao trùm toàn bộ khu vực. Đáng chú ý là sức nước quá mạnh từ hồ chứa khi lao xuống ngôi làng ở dưới còn tạo ra những cơn sóng cao tới hơn 200m. Do đó, thảm họa đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng dù con đập Vajont vẫn còn nguyên. Hiện nay, đập Vajont đã bị bỏ hoang và không còn sử dụng.
5. Vỡ đập Pantano de Puentes tại Tây Ban Nha
Năm 1802, cơn mưa lớn lịch sử tại Tây Ban Nha đã khiến con đập Pantano de Puentes nằm ở vùng Lorca không chịu nổi sức nước và vỡ bờ khiến ít nhất 608 người thiệt mạng. Hàng nghìn mét khối nước đổ ập xuống khu dân cư và ảnh hưởng tới 1.800 ngôi nhà và hơn 40.000 cây cối.
6. Thảm họa Malpasset tại Pháp: Hơn 400 người thiệt mạng
Đập Malpasset được xây dựng trên sông Reyran, cách thị trấn Fréjus (thuộc miền nam nước Pháp) khoảng 7km về phía bắc, với mục đích là để phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước.
Tuy nhiên, vào khoảng 21h13′ ngày 2/12/1959, thảm họa vỡ đập Malpasset đã bất ngờ xảy ra, tràn xuống lượng nước khổng lồ tạo thành dòng thác lũ dữ dội, khiến khoảng 423 người tử vong, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà và thiệt hại về của được đánh giá vào khoảng 68 triệu USD.
Nguyên nhân dẫn tới thảm họa vỡ đập Malpasset được cho là xuất phát từ vấn đề khảo sát địa chất bị lỗi, thi công không đảm bảo,…
7. Vỡ đập thủy điện Gleno, Italy
Đập Gleno là một đập vòm đa trên sông Gleno, miền bắc Italy. Đập được khởi công xây dựng vào năm 1916 nhằm mục đích phát điện. Ngày 01/02/1923, chỉ 40 ngày sau khi đập đầy nước, một phần đập đã bị vỡ giải phóng ra khoảng 4,5 triệu mét khối nước từ độ cao 1.535m so với mực nước biển. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 356 người.
Các chuyên gia nhận định nguyên nhân của sự cố vỡ đập Gleno là do công tác xây dựng đã không đảm bảo an toàn. Bê tông trong các cổng vòm có chất lượng kém. Thậm chí, thép sử dụng cho đập thủy điện còn được “tái chế” lại từ lưới chống lựu đạn đã được sử dụng trong Thế chiến I.
>>> Hơn 95% dân số toàn thế giới đang phải sống trong bầu không khí dưới mức tiêu chuẩn
>>> Chùm ảnh: Sự bất lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên
Hồng Liên (t/h)