Có rất nhiều ý kiến trái chiều về cách nuôi dạy trẻ và khó mà biết được đâu mới là điều đúng đắn và phù hợn với con cái mình. Theo Tiến sĩ Tim Elmore: 7 nguyên tắc dưới đây được xem là rất quan trọng để cải thiện và nâng cao cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
1. Hãy để trẻ tự mình trải nghiệm và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống
Chúng ta thường có thói quen làm mọi thứ để bảo vệ con cái khỏi bị tổn thương. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng thường can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng của con cái và không cho chúng đủ không gian riêng tư để phát triển bản thân.
Những ý tưởng táo bạo và can đảm của trẻ thường bị bố mẹ bác bỏ cho dù đó có thể là một giải pháp tuyệt vời, lý do thường vì các bậc cha mẹ nghĩ rằng chúng chưa đủ tuổi để ra quan điểm cá nhân.
Theo Bernstein và Triger: “Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Sự chăm sóc quá kỹ lưỡng của cha mẹ đối với con cái làm gia tăng tỉ lệ trẻ có tính cách lo âu, chán nản, có thói quen lạm dụng tiền bạc và đặc biệt làm giảm khả năng tự lập của trẻ”.
Lời khuyên:
Cho phép trẻ tự khám phá và trải nghiệm đời sống riêng tư của bản thân. Nếu trẻ mong muốn đến công viên cùng bạn bè, chơi cầu trượt,… hãy cho phép chúng tự làm điều đó.
Khi chúng đủ trưởng thành, hãy cho phép chúng tự trải nghiệm tối đa những điều mới mẻ trong cuộc sống.
2. Đừng trở thành một siêu anh hùng quá thường xuyên
Để giúp trẻ phát triển khả năng sống tự lập thì điều quan trọng là chúng ta không nên luôn có mặt và giải cứu chúng trong mọi rắc rối và vấn đề gặp phải mà hãy để chúng tự tìm kiếm giải pháp, đều này còn giúp trẻ phát triển kĩ năng lãnh đạo.
Theo Bernstein và Triger: “Sự can thiệp quá nhiều của cha mẹ vào đời sống cá nhân của trẻ sẽ làm giảm khả năng phát triển tính tự lập và kĩ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của trẻ”.
Lời khuyên:
Hãy lùi lại một bước và phân tích kỹ lưỡng tình huống trước khi đưa ra quyết định can thiệp vào các vấn đề các nhân của trẻ.
Hãy làm một vài thử nghiệm trong những tình huống mà bạn vẫn thường giải quyết giúp trẻ, bạn hãy thử để chúng tự mình giải quyết và bạn sẽ nhận ra rằng chúng hoàn toàn có thể vượt qua được và điều quan trọng hơn là nó giúp trẻ phát triển toàn diện các kĩ năng cá nhân và đặc biệt là kĩ năng lãnh đạo, một kĩ năng rất cần thiết cho tương lai của trẻ.
3. Kiểm soát những lời khen ngợi
Theo John O’Sullivan “Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nhỏ không nên được khen ngợi quá nhiều vì những lời khen ngợi đôi khi sẽ làm phát triển tính tự mãn và kiêu ngạo ở trẻ”.
James Harrison, vận động viên bóng bầu dục Mỹ đã trở nên khá nổi tiếng sau khi trả lại những chiếc cúp mà 2 cậu con trai dành được với lời bình luận “Những chiếc cúp vô nghĩa này phải được trả lại cho đến chừng nào chúng nhận được những chiếc cúp thật sự bằng chính năng lực của mình”.
Những lời khen quá phóng đại và lố bịch sẽ làm giảm khả năng tự nhận ra thiếu sót hay khuyết điểm của trẻ.
Lời khuyên:
Hạn chế những lời khen không cần thiết đối với trẻ. Thay vì đưa ra những lời khen ngợi, bạn có thể nhẹ nhàng lắng nghe ý kiến của con bạn, động viên và khích lệ chúng làm tốt hơn nữa trong những lần khác.
4. Thói quen xấu khi giáo dục trẻ
Các bậc cha mẹ thường khó mà từ chối những đòi hỏi của trẻ nếu chúng tỏ vẻ buồn bã và thất vọng khi không đạt được những gì chúng muốn. Bằng cách nói “không” hoặc giải thích rằng hiện tại chúng không thể có nó, trẻ sẽ học được một bài học rằng chúng không thể làm nũng để đòi hỏi bất cứ thứ gì mình muốn.
Lời khuyên:
Không nên tặng thưởng trẻ bằng những món quà đắt tiền, vì sẽ tạo cho trẻ thói quen rằng chúng luôn nhận được những món quà giá trị bất cứ khi nào làm được một việc tốt, ngoài ra chúng sẽ không thể cảm nhận được tình cảm về mặt tinh thần của cha mẹ thay vào đó là sự phụ thuộc về vật chất.
5. Chia sẻ kinh nghiệm
Nhiều cha mẹ không muốn chia sẻ những câu chuyện riêng tư với con cái vì lo sợ rằng chúng sẽ hình thành nên một hạt mầm trong ý thức của trẻ rằng chúng được phép phạm những sai lầm tương tự.
Lời khuyên:
Bằng cách chia sẻ với con những lỗi lầm trong quá khứ, trẻ sẽ nhận ra được những rủi ro tiền tàng trong cuộc sống tương lai mà chúng sẽ tránh được. Đôi khi việc chia sẻ này cũng giúp con cái bạn có một góc nhìn riêng cho những vấn đề mà bạn đã trải qua.
Điều quan trọng là để trẻ tự đưa ra các quyết định riêng cho những vấn đề cá nhân đồng thời khuyến khích trẻ đối mặt với những rủi ro phù hợp, tuy nhiên chúng ta vẫn luôn phải đưa ra lời khuyên tốt nhất có thể.
6. Đừng lẫn lộn giữa sự thông minh và sự chính chắn
Đôi khi chúng ta vẫn thường nhầm lẫn rằng một đứa trẻ thông minh và tài năng là một đứa trẻ trưởng thành. Các bậc phụ huynh thường không để ý và phân biệt điều này ở trẻ.
Nếu một đứa trẻ xuất sắc trong một lĩnh vực nhất định trong học tập hay ở ngoài xã hội không đồng nghĩa rằng chúng hoàn toàn trưởng thành so với lứa tuổi. Theo Peter Vajda: “Sự trưởng thành về mặt cảm xúc không phải là ‘trí tuệ’, mà nó căn cứ vào khả năng tự nhận thức cao đối với các vấn đề xảy ra và nó hoàn toàn khác xa so với ‘trí thông minh’ “.
Phân biệt được sự trưởng thành về mặt cảm xúc và trí tuệ của trẻ giúp các bậc phụ huynh nắm bắt được những khả năng cũng như giới hạn của trẻ.
Lời khuyên:
Nếu bạn không chắc chắn phân biệt 2 điều trên ở con bạn thì bạn có thể quan sát những đứa trẻ cùng trang lứa và đối chiếu với con mình. Bằng cách cho con cái bạn thời gian và không gian tự do cá nhân, con bạn sẽ cảm nhận được niềm tin cũng nhưng sự khích lệ từ cha mẹ và giúp chúng trưởng thành về mặt cảm xúc.
7. Thực hành những bài giảng
Con cái thường noi gương những hành động của cha mẹ.
Chúng ta luôn giáo dục con cái về sự trung thực nhưng nếu các bậc phụ huynh hay nói dối trong cuộc sống sẽ làm trẻ phát triển những thói quen xấu tương tự đồng thời chúng sẽ có thể nói dối với chính cha mẹ mình.
Lời khuyên:
Trẻ học hỏi và bắt chước rất nhanh từ cha mẹ. Bằng cách tham gia vào các hoạt động tình nguyện, bạn sẽ giúp trẻ thấy được tầm quan trọng của lòng vị tha và sống vì mọi người. Trẻ sẽ học được một bài học lớn rằng: khi chúng ta sống trung thực chúng ta sẽ luôn gặt hái được những thành quả to lớn mặc dù đó không nhất thiết là vật chất mà có thể là về tinh thần.
Điều quan trọng là để trẻ tự mình trải nghiệm và vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Trẻ sẽ cảm thấy tuyệt vời hơn rất nhiều nếu được tự mình đưa ra những quyết định cá nhân trong cuộc sống thay vì phải làm thế này, làm thế kia theo ý kiến của cha mẹ.
Cuối cùng, hãy thực hành theo 7 nguyên tắc trên và bạn sẽ cảm nhận được sự phát triển của trẻ.
Phấn Nguyễn, Theo The Hearty Soul