Tinh Hoa

7 sự kiện thiên văn ấn tượng nhất trong năm 2018

Năm 2018, thế giới sẽ được chứng kiến rất nhiều hiện tượng thiên văn đáng chú ý như nhật thực, nguyệt thực, siêu trăng hay mưa sao băng… Dưới đây là 7 điều thú vị nhất sẽ xảy ra trong năm 2018.

1. Nhật thực/Nguyệt thực

Nhật thực. (Ảnh: LinkedIn)

Năm 2018, thế giới không được chứng kiến lần Nhật thực toàn phần nào, nhưng cũng có ba đợt Nhật thực một phần và hai đợt Nguyệt thực toàn phần để theo dõi. Cụ thể như sau:

Ngày 31/1: Nguyệt thực toàn phần có thể được quan sát từ Úc, Bắc Mỹ, Đông Á và từ Thái Bình Dương.

Ngày 15/2: Nhật thực một phần có thể được quan sát từ Nam Cực, Chile và Argentina.

Ngày 13/7: Nhật thực một phần có thể được quan sát từ Nam Cực và mũi đất phía Nam của Úc.

Ngày 27/7: Nguyệt thực toàn phần có thể được quan sát từ phần lớn Châu Âu, Châu Phi, Tây và Trung Á và miền Tây nước Úc.

Ngày 11/8: Nhật thực một phần có thể được quan sát từ Đông Bắc Canada, Greenland, miền Bắc Âu và Đông Bắc Á.

2. Mưa sao băng

Màn trình diễn ánh sáng kỳ diệu này năm nào cũng có vài đợt. Nếu bạn chớp được đúng thời cơ (và biết thời cơ ấy xảy đến lúc nào), bạn có thể chụp được những tấm ảnh tuyệt đẹp.

Hai sự kiện mưa sao băng đáng chú ý nhất năm 2018 là Perseid, diễn ra cực điểm vào ngày 12 và 13/8 với lượng sao băng lên tới 60 ngôi/giờ. Thứ hai là mưa sao băng Geminid, đạt cực điểm vào ngày 13 và 14/12 với mật độ 120 sao băng/giờ.

3. Đường chân trời sự kiện (event horizon) của Hố đen Vũ trụ

Tấm ảnh về Hố đen Vũ trụ đầu tiên được chụp vào năm 1979.

Tháng 4/2018, một dự án quan sát có tên Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện được khởi động, cố gắng chụp lại đường có tên “event horizon” của hố đen – không phải là bản thân hố đen ấy, mà là phần hút mọi thứ vào trong đó, với một lực mạnh đến mức không thứ gì thoát được ra khỏi đó, kể cả ánh sáng.

Cụ thể hơn nữa, ta cũng đang chờ những tấm ảnh chụp Hố đen Sagittarius A* – hố đen nằm chính giữa Dải Ngân hà của chúng ta. Hi vọng với nỗ lực 5 ngày đêm liên tục quan sát, chúng ta sẽ gặt hái được những hình ảnh thế giới chưa từng chứng kiện.

4. Sao chổi xuất hiện

Nếu không có gì thay đổi, các nhà thiên văn học dự đoán sao chổi 46P/ Wirtanen sẽ có thể được quan sát bằng mắt thường vào tháng 12/2018 – đồng thời sẽ là sao chổi sáng nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Vào ngày 12/12, sao chổi này sẽ tiến đến rất gần Mặt Trời. Khoảng 4 ngày sau, 46P/ Wirtanen sẽ tiếp cận Trái Đất với khoảng cách 11 triệu km trên đường đi chuyển ra khỏi Thái dương hệ.

5. 15/7 – Chị Hằng gặp Vệ nữ

Các fan thiên văn học có thể chờ đón hiện tượng này, khi Mặt trăng và sao Kim tiến đến rất gần nhau trên bầu trời phía Tây Nam lúc hoàng hôn. Khu vực Bắc Mỹ sẽ là nơi lý tưởng nhất để quan sát “cuộc gặp gỡ” giữa chị Hằng và thần Vệ nữ khi cả hai chỉ cách nhau khoảng 1,6 độ.

6. Một ngôi ẩn tinh sẽ tạo ra một màn pháo hoa rực rỡ

Ẩn tinh (pulsar) là ngôi sao ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ có thể phát hiện ra nó bằng sóng radio.

Đầu năm 2018, chưa biết chính xác vào lúc nào, một ẩn tinh sẽ bay cực gần ngôi sao sáng nhất Dải Ngân hà của chúng ta. Nó sẽ xuyên qua màn bụi và khí ga Vũ trụ bao quanh một ngôi sao có khối lượng lớn gấp 15 lần Mặt Trời và cũng sáng hơn Mặt Trời tới 10.000 lần. Khi sự kiện thiên văn này diễn ra, sẽ xảy ra một màn pháo hoa Vũ trụ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu được khối các vật thể Vũ trụ, từ trường, gió tạo ra từ các sự kiện thiên văn và nhiều điều khác nữa.

7. Ngày 7 – 8/3 – Khi các hành tinh xếp hàng

Vào khoảng thời gian đầu tháng 3, các hành tinh như sao Mộc, sao Thổ và sao Hỏa sẽ di chuyển gần nhau và xếp thành một hàng trên bầu trời.

Vào một vài thời điểm trong khoảng 2 ngày này, Mặt trăng cũng sẽ “nhập hội” khi chen vào giữa sao Hỏa và sao Mộc.

Hồng Liên (t/h)