Mặc dù được cho là đã nới lỏng, nhưng vấn đề tự do ở đất nước này vẫn còn rất hạn chế. Điển hình là ngay cả trong vấn đề về nhân quyền hay giải trí như phim ảnh cũng đang bị kiểm soát, cấm vận những diễn viên hay phim ảnh nào có thể động chạm đến những vấn đề mà Trung Quốc không ưa thích.
Ngày nay có thể chính phủ Trung Quốc đã “cởi mở” hơn với phim ảnh Mỹ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều chủ đề và hình ảnh bị coi là cấm kỵ và một số diễn viên mà họ không ưa chút nào, đến mức đã cấm họ có mặt tại Trung Quốc. Một số người đã bị “cấm cửa” vì có những phát ngôn phản đối chính quyền Trung Quốc, trong khi những người khác bị cho vào danh sách đen chỉ vì bị coi là thiếu “tôn trọng” Trung Quốc.
Dưới đây là danh sách các ngôi sao nổi tiếng, ngay cả sao Hollywood cũng không được chính quyền Trung Quốc chào đón và bạn có thể đã đoán được một trong số họ, một số người khác có thể làm bạn phải ngạc nhiên.
Anastasia Lin
Năm 2016, Anastasia Lin – đương kim Hoa hậu thế giới Canada lúc đó nhận đóng vai chính trong bộ phim “Lưỡi dao rỉ máu” (The Bleeding Edge), một bộ phim Canada-Trung Quốc về các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên cô tham gia vào các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Cô Lin được coi là một nhà phê bình thẳng thắn về Trung Quốc, bộ phim trên chỉ là ví dụ mới nhất về các hoạt động của cô. Chính quyền Trung Quốc cuối cùng đã thể hiện ra rằng họ đã đến “giới hạn chịu đựng” với cô.
Họ đã cấm cô Lin tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới thường niên lần thứ 65 được tổ chức tại Trung Quốc. Cô Lin đã không bỏ cuộc và có kế hoạch nhập cảnh vào Trung Quốc bằng cách yêu cầu cấp thị thực khi chuyến bay của cô hạ cánh tại Trung Quốc. Về cơ bản, cô Lin hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ không muốn gây ra cảnh tượng lùm xùm bằng cách cố ngăn chặn sau khi cô đã bay đến Trung Quốc. Thật không may chính phủ Trung Quốc đã không bị “khuất phục” theo cách này.
Các nhà tổ chức cuộc thi đã nói với cô rằng cô có thể tham gia cuộc thi năm 2016 nhưng với một điều kiện là không được nói về vấn đề nhân quyền trong cuộc thi, vì điều đó có thể khiến các công ty Trung Quốc tức giận sẽ quay lưng với sự kiện này. Cô Lin đã không bị điều đó làm nhụt chí và vẫn đang tiếp tục thúc đẩy tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Bất kể chính quyền Trung Quốc làm gì, họ cũng không thể khiến cô im lặng được. Đó là điều đáng ngưỡng mộ hơn cả so với chiến thắng tại bất kỳ cuộc thi nào.
Brad Pitt
Lời khuyên: nếu bạn là một diễn viên muốn đặt chân vào Trung Quốc thì đừng làm bất cứ điều gì liên quan đến Tây Tạng. Chính quyền Trung Quốc thực sự rất nhạy cảm về khu vực này và đặc biệt là bất cứ điều gì liên quan tới Đức Đạt Lai Lạt Ma, như Brad Pitt đã khám phá ra.
Brad Pitt đóng vai chính trong bộ phim “7 năm ở Tây Tạng” (Seven Years In Tibet) vào năm 1997. Trong phim anh đã gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khi đó mới chỉ là một cậu bé và có vinh dự làm gia sư về văn hóa phương Tây cho ngài. Các quan chức Trung Quốc đã “tấn công” mạnh mẽ bộ phim đó vì nó miêu tả sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với vùng đất Tây Tạng. Phải chăng họ thực sự mong đợi một bộ phim mà Đức Đạt Lai Lạt Ma là kẻ xấu?
Họ quyết định rằng các nhà làm phim cần phải bị trừng phạt vì bộ phim này, họ đã cấm những người liên quan chính đến bộ phim đến Trung Quốc trong đó bao gồm cả Brad Pitt. Cho đến tận năm 2016 sau 19 năm, anh không thể đặt chân đến Trung Quốc. Cuối cùng chính quyền Trung Quốc đã quyết định rằng anh đã học được “bài học” cho riêng mình và cho anh quay trở lại Trung Quốc. Thực tế các bộ phim Mỹ giờ đây thực sự phát triển rất tốt ở thị trường Trung Quốc, nên không có gì ngạc nhiên khi cuối cùng họ cũng để một trong những diễn viên nổi tiếng bậc nhất quay trở lại. Chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên nếu nhiều quan chức trong chính quyền là những người hâm mộ cuồng nhiệt Brad Pitt. Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong số đó.
Selena Gomez
Gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma có lẽ là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời cho cựu ngôi sao Disney Selena Gomez, nhưng nó cũng khiến cô bị “cấm cửa” đến Trung Quốc. Trong các buổi diễn tập cho sự kiện “We Day” tại Vancouver vào năm 2014, ngôi sao nhạc pop đã gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều đó có thể là không quá tệ trong mối quan hệ với Trung Quốc của cô, nhưng ai đó đã chụp một bức ảnh và Selena Gomez với tư cách là thần tượng tuổi teen lúc bấy giờ đã đăng hình ảnh đó trên Instagram và Twitter của cô.
Sự giận giữ của chính quyền Trung Quốc thực sự bộc lộ một cách khá chậm, và Selena Gomez thậm chí còn không biết rằng chính phủ Trung Quốc đã khó chịu ra sao về bức ảnh đó cho đến thời điểm 2 năm sau khi cô lên kế hoạch cho các chuyến lưu diễn ở Trung Quốc. Trang web của cô đã công bố lịch diễn tại Quảng Châu và Thượng Hải trong khi chuyến lưu diễn đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên vào một ngày lịch trình đó đã bị xóa một cách đầy bí ẩn khỏi trang web.
Theo các nguồn tin, chính quyền Trung Quốc cuối cùng cũng đã ban hành lệnh cấm đối với cô dựa vào bức ảnh cách đó 2 năm (bức ảnh đã bị xóa khỏi Twitter và Instagram). Có thể tưởng tượng đó là một quá trình xử lý khá phức tạp, tức cười và không dễ đưa ra lời giải thích bởi chính phủ Trung Quốc không thực sự có nhiều lý do để chú ý đến Instagram của Selena Gomez vào năm 2014. Nhưng bây giờ chúng ta có thể hình dung ra các quan chức chính quyền Trung Quốc đang phải xem lại hàng trăm bức ảnh Instagram của Selena Gomez như một phần công việc của họ. Một chuyện khá là hài hước!
Sharon Ston
Sharon Stone đã đưa ra những bình luận với báo chí tại Liên hoan phim Cannes 2008 khi thảm họa động đất Tứ Xuyên xảy ra trong năm đó. Đây không phải là những bình luận tích cực cho việc giúp đỡ hay khắc phục thảm họa. Thay vào đó bà chia sẻ niềm tin của mình rằng trận động đất là kết quả của nghiệp báo được tạo thành bởi người Trung Quốc đã đàn áp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trận động đất thật sự là thảm họa, đã có gần 90.000 người tử nạn. Và Stone cho rằng có lẽ đó là sự trừng phạt của vũ trụ.
Trong một động thái không gây ngạc nhiên cho mọi người ngoại trừ Sharon Stone, chính quyền Trung Quốc đã nổi giận và cấm chiếu tất cả các bộ phim của bà tại Trung Quốc. Kỳ lạ thay, có vẻ như họ đã không cấm cửa Stone tại Trung Quốc, nhưng vào thời điểm đó có thể coi là như vậy. Sau đó Stone đã lên tiếng xin lỗi vì những lời bình luận đó.
Richard Gere
Hầu hết mọi người khi xem phim “Người đàn bà đẹp” (Pretty Woman), họ có lẽ đã không nhận ra rằng trong một vài năm ngắn ngủi Richard Gere sẽ trở thành một người hùng về các hoạt động nhân đạo. Trong lễ trao giải Oscar năm 1993, ông đã đưa ra một bài phát biểu đầy bất ngờ về các vụ lạm dụng nhân quyền mà Trung Quốc đã thực hiện với Tây Tạng. Đó quả là một hành động táo bạo. Gere đã xuất hiện để giới thiệu giải thưởng cho hạng mục thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, ông bỏ qua những bình luận được chuẩn bị sẵn và nắm lấy cơ hội để nói về Tây Tạng.
Đó là một vụ bê bối. Ban tổ chức giải Oscar đã rất tức giận và thề sẽ cấm Gere xuất hiện tại bất kỳ chương trình trao giải nào nữa trong tương lai. Điều đó không ngăn được Gere. Ông tiếp tục chiến đấu cho Tây Tạng và người bạn lâu năm của mình là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các quan chức chính phủ Trung Quốc rõ ràng không ưa gì Gere và cấm cửa ông tại Trung Quốc, điều này đã có tác động tiêu cực đến sự nghiệp của Gere. Vì các hãng phim lớn cần kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc để phim của họ được tính là thành công, do đó các hãng phim lớn đã không thuê Gere nữa do lo ngại hậu quả từ chính quyền Trung Quốc.
Gere sẽ không từ bỏ việc tiếp tục đấu tranh cho Tây Tạng, ông hiện đang đóng vai chính trong các bộ phim độc lập và đã thực sự nhận được những đánh giá tốt từ phía công chúng.
Bjork
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ tài năng người Iceland Bjork không chỉ sáng tác ra các bản nhạc hay. Cô còn cố gắng thử sức ở các loại hình nghệ thuật khác, bao gồm việc diễn xuất trong bộ phim “Vũ công trong bóng tối” (Dancer in the Dark) vào năm 2000 của đạo diễn Lars von Trier. Trong khi bộ phim đó không làm Trung Quốc tức giận, thì màn biểu diễn của Bjork đã làm điều đó.
Cụ thể trong một buổi hòa nhạc ở Thượng Hải vào năm 2008, Bjork đã kết thúc bài hát “Tuyên ngôn độc lập” (Declare Independence) của mình bằng cách hét lên “Tây Tạng! Tây Tạng!” Điều này không có gì là quá tệ phải không? Khi bạn nhìn vào lời của bài hát đó sẽ thấy nội dung nói về các quốc gia giành được độc lập, tạo ra lá quốc kỳ, tiền tệ cho riêng mình và chiến đấu chống lại sự đàn áp. Vì vậy, chắc chắn đây không phải là loại bài hát mà Trung Quốc thích được dành cho Tây Tạng. Quả thực chính quyền Trung Quốc vô cùng nhạy cảm về khu vực này.
Chính quyền đã nhanh chóng ban hành một tuyên bố rằng Bjork và các nghệ sĩ biểu diễn khác đã “đe dọa” chủ quyền quốc gia của Trung Quốc và sẽ khuấy động hận thù dân tộc trong nước. Đột nhiên một loạt các nhạc sĩ đã xuất hiện trong danh sách đen của Trung Quốc. Trong khi Bjork là nguyên nhân cho lệnh cấm, ngay cả các nghệ sĩ như Bob Dylan cũng bị liên quan. Bjork vẫn thực hiện bài hát, và đã giành nó cho Kosovo và quần đảo Faroe. May mắn cho cô là Đan Mạch không tỏ ra quá nhạy cảm đối với những người kêu gọi sự độc lập cho quần đảo Faroe.
Harrison Ford
Không giống như nhiều diễn viên khác, Harrison Ford có cuộc sống khá giống những gì trong phim ảnh. Ông dành thời gian của mình cho việc giải cứu những người leo núi bị mắc kẹt và lái máy bay trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng thành tích tuyệt vời nhất của ông là làm chính phủ Trung Quốc tức giận bằng cách cổ vũ cho sự độc lập của Tây Tạng.
Ford là một người ủng hộ lâu năm cho các vấn đề nhân quyền và đã thẳng thắn lên án các vụ lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc và sự chiếm đóng đối với Tây Tạng. Ông bắt đầu tham gia vào các vấn đề tại Tây Tạng vào năm 1992 khi vợ ông làm việc với Martin Scorsese về kịch bản cho bộ phim “Kundun” – câu chuyện về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Trong thời gian này, ông đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Ford. Từ đó ông trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ cho Tây Tạng.
Năm 1995, Ford đã làm chứng trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ về sự cần thiết độc lập cho Tây Tạng và chi tiết tất cả các vụ lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc trong khu vực. Nếu ông cố gắng làm chính quyền Trung Quốc tức giận thì ông đã làm rất tốt, bởi vì sau đó chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm Ford tại nước này cùng với người vợ sau là Melissa Matheson. Nhưng điều đó đã không ngăn cản ông tiếp tục làm “đau đầu” chính quyền Trung Quốc khi vẫn tiếp tục hoạt động tích cực ủng hộ Tây Tạng. Giống như cuộc sống ngoài đời thực của nhân vật Indiana Jones, Ford sẽ không cho phép các chính phủ độc tài đạt được điều họ muốn.
Theo Trí Thức VN