“Mọi khó khăn đều là quà tặng, không có khó khăn, chúng ta không thể phát triển”. Đó là một câu nói rất hay của Tony Robbins. Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn không nhiều thì ít ai cũng phải bước qua những mất mát, đau thương. Nhưng chính nó sẽ khiến ta trở lên mạnh mẽ, cũng là cơ hội để giúp bản thân trưởng thành hơn. Hãy tin vào điều đó.
Năm 1991, bác sĩ phẫu thuật quân đội Rhonda Cornum (36 tuổi) cùng chiếc trực thăng Blcka Hawk của mình bị bắn hạ trên sa mạc Iraq. Tỉnh lại sau khi máy bay rơi, cô choáng váng vì mất máu, đầu gối và hai cánh tay bị gãy, ngước nhìn lên thì thấy 5 người lính Iraq chĩa súng trường vào mình, đó cũng chính là lúc cô bị những kẻ kia bắt giữ, tấn công tình dục và giam trong boong-ke suốt một tuần.
Cô bị khủng hoảng sau hàng loạt chấn thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, sau khi được trả tự do và được phục hồi y tế, cô đã làm các bác sĩ tâm lý ngạc nhiên bằng cách tập trung cải thiện tình hình của bản thân.
“Tôi đã trở thành một bác sĩ giỏi hơn, một phụ huynh tốt hơn, ra dáng một chỉ huy hơn và có lẽ đã thay đổi thành một người tốt hơn xưa rất nhiều”, cô Rhonda Cornum chia sẻ.
Chắc hẳn, đa phần mọi người sẽ nghĩ Cornum đang cố đè nén, giấu đi những đau thương đã trải qua trong quá khứ, nhưng thực tế là đối với cô, tất cả những điều ấy đã không còn quan trọng nữa.
Học cách vượt qua tổn thương sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn
Trưởng thành sau chấn thương là thuật ngữ do 2 nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun thuộc Đại học Bắc Carolina đặt ra, dùng để diễn tả những lợi ích đáng ngạc nhiên mà nhiều người đã khám phá ra trong quá trình chữa lành vết thương lòng của mình.
Sau khi trao đổi với các bậc cha mẹ bị mất con, những người mất đi một nửa yêu thương, người bị thương nặng, những bệnh nhân chiến thắng ung thư, các cựu chiến binh, tù nhân,… các nhà nghiên cứu đã nhân thấy sự trưởng thành ở họ trong 5 lĩnh vực chính: Sức mạnh nội tâm, mối quan hệ sâu sắc với người khác, sự đổi mới về nhân sinh quan, niềm trân quý cuộc sống, và đời sống tâm linh.
Mặc dù người ta thường chú ý tới những rối loạn căng thẳng sau chấn thương hơn nhưng trên thực tế, sự trưởng thành sau chấn thương phổ biến hơn nhiều. Nhà tâm lý học Tedeschi đã phát hiện 90% số người vượt qua được tất cả những trấn thương về tâm lý của mình đều mạnh mẽ hơn, có những suy nghĩ tích cực và sâu sắc hơn rất nhiều.
Ông cũng nói thêm rằng không phải ai cũng trở nên trưởng thành như vậy và những chấn thương kia không phải là điều tốt, đa số ban đầu đều sẽ suy sụp, một số người bị rối loạn hoàn toàn, nhưng phần nhiều sẽ mạnh mẽ hơn khi những thương tổn ấy qua đi.
Trên thực tế, chúng ta luôn có 2 lựa chọn. Một là giữ khư khư những thương tổn ấy trong tâm trí suốt đời. Hai là chúng ta sẽ bước qua nó để trưởng thành hơn.
Dưới đây là 7 chiến lược biến đau thương thành sức mạnh mà các nhà tâm lý học chấn thương đã phát hiện ra:
1. Thiền định
Các phương pháp điều trị suy sụp sau chấn thương bằng thuốc men và liệu pháp tâm lý chỉ có tác dụng với khoảng một nửa số người sống sót, nên quân đội đang thử nghiệm các liệu pháp mới, và thiền định là một trong những phương pháp được chọn. Vậy là tại trại thúc đẩy khả năng phục hồi ở Philadelphia, những người lính sẽ bắt đầu ngày mới bằng các bài tập hít thở và thiền định.
Nhà sinh học thần kinh Harvard Sara Lazar đã chỉ ra rằng, thiền định có thể thay đổi bộ não của bạn theo đúng nghĩa đen. Nó có thể thu nhỏ trung tâm sợ hãi của não bộ mang tên “amygdala” – khu vực có thể sẽ nới rộng sau khi bị chấn thương và gây ra những hồi tưởng lo lắng, hoảng loạn.
2. Thừa nhận sự tổn thương
Trưởng thành sau chấn thương không đối nghịch với căng thẳng sau chấn thương. Sự căng thẳng chính là động lực thúc đẩy sự trưởng thành. Trước khi chúng ta có thể vượt qua đau khổ, chúng ta cần phải trải qua nó.
Việc bạn che giấu vết thương của bản thân với khuôn mặt tươi cười không làm giảm bớt được nỗi đau. Đau khổ trong im lặng cũng vậy, nó chỉ làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn sau chấn thương.
Thay vào đó, sự trưởng thành sẽ nảy sinh khi bạn nhận thức được các vết thương và đối diện với nó. Đây cũng là điều mà khóa đào tạo hướng tới, dạy những người sống sót sau chấn thương giao tiếp cởi mở hơn, biết thừa nhận nỗi sợ hãi và tìm kiếm sự giúp đỡ.
3. Học cách bao dung bản thân nhiều hơn
Sự xấu hổ, tự trách hay mặc cảm tội lỗi là những điều phổ biến nhất khi nhắc đến hậu quả sau chấn thương. Bạn đừng để những cảm giác ấy làm bản thân bị mắc kẹt. Hãy tiếp nhận sự giúp đỡ chân thành của mọi người, hãy bao dung với bản thân hơn, chỉ khi ấy, những chấn thương mới có thể dần dần lành lại được.
4. Tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống
“Sau khi bị chấn thương, điều quan trọng là chúng ta phải chấp nhận rằng tinh thần có thể bị suy sụp”, Tedeschi chia sẻ.
Viktor Frankl, người sống sót sau chấn thương ở Auschwitz nhận ra rằng: “Tại một thời điểm nhất định, khi một người phải trải qua tình trạng đau khổ liên tục, đó cũng chính là lúc bản thân họ hình thành một nền tảng quan trọng của sự trưởng thành sau chấn thương. Những ai có mục đích sống sẽ vượt qua hầu hết các chấn thương đó”.
Hãy biến khó khăn, nỗi đau thành sức mạnh.
5. Lòng biết ơn cũng rất quan trọng
Kết quả của các nghiên cứu tại Đại học California, Davis, cho thấy rằng những người có lòng biết ơn luôn cảm thấy mãn nguyện, lạc quan và bằng lòng với cuộc sống của mình. Họ sẽ có nguồn năng lượng dồi dào và ngủ ngon hơn mỗi tối. Ngoài ra, việc bồi dưỡng lòng biết ơn còn giúp ta cải thiện tâm trạng, khiến chúng ta trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Vậy nên hãy giữ vững lòng biết ơn của bạn bằng cách đơn giản nhất là tìm ra ba điều tốt mỗi ngày và suy ngẫm về nó.
6. Nâng cấp toàn diện con người bạn
Tiến sĩ Karen Reivich, đồng giám đốc Dự án Khả năng phục hồi Penn và nhóm của cô dạy cho mọi người về 14 kỹ năng cốt lõi trong cuộc sống như thiết lập mục tiêu, kiểm soát năng lượng, giải quyết vấn đề và giao tiếp quyết đoán...
Tiến sĩ Reivich chia sẻ: “Khi mọi người đã thành thạo và sử dụng những kỹ năng này trong cuộc sống, họ sẽ mạnh mẽ hơn nếu phải đối mặt với căng thẳng, họ có thể xử lý hiệu quả hơn các vấn đề và có cách để duy trì tốt các mối quan hệ. Vì vậy mục tiêu [của các kỹ năng trên] là tăng cường sức khỏe và khả năng phục hồi tổng thể”.
7. Cần có sự giúp sức của tập thể
Sự trưởng thành sau chấn thương không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân, đặc tính di truyền hay nền tảng giáo dục của một người, mà còn phụ thuộc vào lòng nhiệt thành và sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Sự giúp đỡ, lòng nhiệt thành của mọi người sẽ khuyến khích những người sống sót sau thương tổn nâng cao sức mạnh nội tâm chứ không che đậy đi tổn thương của mình. Không có thứ gì giúp ta mạnh mẽ hơn như khi ta biết mình không cô đơn.
“Không ai làm được điều đó một mình cả”, Cô Maya Angelou đã nhận ra điều đó sau khi trải qua trấn thương tâm lý nặng nề thời thơ ấu.
Vũ Tuấn (Theo UPLIFT)