Cát bụi Rajasthan
Cát bụi ở đây, có thể hiểu là cát từ vùng sa mạc Thar Desert rộng lớn ở phía Tây, hàng năm vào mùa nóng thổi theo từng đợt gió vào khắp Delhi, tạo ra bụi bặm luôn dấy lên từ những bước chân đi ở từng con đường Rajasthan. Và cũng có thể hiểu đó là quá khứ lừng lẫy của để chế Mughal, một trong những triều đại rực rỡ của lịch sử Ấn Độ.
Quay trở lại lịch sử, với 2 từ Mughal, hay còn gọi là Mongul, Mongol, Moal, Tartar, Mông Cổ, đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử loài người, với lãnh thổ kéo dài từ Châu Á đến tận Châu Âu. Vậy, người Mông Cổ thì có liên quan gì đến vùng Rajasthan, vùng của những người Raiput anh dũng và kiêu hùng với niềm tin tuyệt đối từ đạo Hindu đến từ phía Nam lục địa Ấn Độ. Có thể Thành Cát Tư Hãn, sau khi chiếm Trung Hoa Đại Lục, đánh đổ mọi sự chống cự ở Trung Á, kiểm soát con đường tơ lụa và chiếm đến miền Trung Pakistan hiện tại (với trung tâm là thành phố Lahore, cổng thành Đỏ Red Fort ở Delhi ngày nay quay hướng về nơi này), thì dừng lại, vì nhiệt độ đã trở lên quá nóng so với người Mông Cổ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227, các hậu duệ của ông vẫn tiếp tục đánh chiếm và thực hiện tư tưởng cả thế giới thành một của ông, với sự đánh bại đế chế Ba Tư (Persia), tiến quân vào Ai Cập và vào Châu Âu. Lúc này, Ấn Độ vẫn chưa thuộc đế chế Mông Cổ. Ba trăm năm sau, các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn sau khi tạo dựng triều đại vững chắc của mình ở Trung Á bắt đầu tiến đánh Ấn Độ. Năm 1526, sau chiến thắng trước quân Ấn tại Delhi, Babur lên ngôi hoàng đế và bắt đầu mở ra một đế chế Mughal rực rỡ trong lịch sử Ấn Độ.
Các triều đại Mughal với sự cải đạo sang đạo Islam (Muslim) đã tạo ra các công trình vĩ đại trong lịch sử nhân loại với kiến trúc Muslim làm nền móng. Hoàng đế Humayun (con trai của Babur) sau khi chết đã được vợ mình xây dựng nên Lăng mộ Humayun Tomb ở Dehli bởi những người thợ đến từ Ba Tư . Lăng mộ này là nền móng về mặt kiến trúc cho Taj Mahal được xây dựng bởi dòng dõi của ông sau này.
Tiếp đến triều đại của vua Akbar, con trai của Humayun. Có thể nói, Akbar là vị vua lừng lẫy nhất trong tất cả các vị vua của đế chế Mughal, với sự bành trướng rộng khắp miền Bắc Ấn. Rajasthan, vùng đất của những người Rajput, lúc này là sự cát cứ, phân chia quyền lực và chiến tranh liên miên của những vị vua từng vùng, với hệ thống thành lũy được xây dựng vô số, tương ứng với từng vùng đất. Chính sự giành giật lẫn nhau đó của các vương quốc nhỏ đó là điểm yếu để Vua Akbar lợi dụng. Với sự đàn áp, đánh chiếm và liên minh riêng với từng thủ lĩnh của từng vương quốc (Akbar có 3 người vợ, một theo đạo Hindu, một theo Islam và một theo Thiên chúa), mà dần dần, vua Akbar thống nhất toàn vùng Rajasthan và phía Bắc Ấn Độ. Quân đội anh dũng và kiêu hùng của những người Rajput sau này trở thành cánh tay phải của ông trong các cuộc đánh chiếm các vùng đất tiếp theo ở phía tây và đông. Khi Delhi ở quá xa, Vua Akbar cho xây dựng và chuyển kinh đô về Agra (Agra Fort) và đời đô về Fatebur Sikri vào năm 1571 sau khi ông được tiên đoán là sẽ có con. Từ một vùng đất hoang vu còn nhiều dã thú, Fatephur Sikri đã nhanh chóng biến thành một thành phố tráng lệ với nhũng cung điện, hồ nước nhân tạo, đài phun nước,… hết sức lộng lẫy. Tuy nhiên năm 1585 Akbar lại dời thiên đô về Lahore. Cuối cùng vào năm 1599 cung đình Mughal lại quay về Agra và Akbar định cư ở đó cho đến khi qua đời.
Cháu của vua Akbar là vua Shah Jahan, sau này đã xây dựng nên một trong những kỳ quan của thế giới, Lăng mộ Taj Mahal để tiếc thương cho người vợ của mình. Cố cung Red Fort xưa kia của ông cha vô tình lại là nơi giam giữ ông, bởi chính con trai của mình.. và ông sẽ không bao giờ tiếp tục ý định xây thêm một Black Tal Mahal cho riêng mình ở phía bên kia bờ sông, đối diện với Taj Mahal..
Có vẻ như có quá nhiều lịch sử quá nhỉ! Thư giãn nào, đã đến lúc để nói thêm một chút về chuyến đi lần này, và tất cả những gì sẽ có trong topic này lại liên quan đến phần lịch sử trên. Gần nửa tháng cho một chuyến đi đến một số nơi ở bang Rajasthan là quá ít, thường thì sẽ phải mất hơn 1 tháng đến vài tháng để hiểu hết những gì nơi này. Rất muốn đi thêm nhiều nhiều nơi khác nữa ở Rajasthan, song do không có nhiều thời gian, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nên trong topic này sẽ nói thêm về một số điểm sau:
I. Jodhpur – Thực sự là thành phố màu xanh (Blue City ) với pháo đài Mehrangart oai hùng
II. Bikaner – Sa mạc, nghệ thuật và thiên đường c
ủa những con chuột
III. Jaipur – Pink City, không hẳn vậy, và Amber Fort tuyệt vời.
IV. Agra – nơi không có trần gian, chỉ có thiên đường và địa ngục
V. Delhi – Cũ hay mới, chọn nơi nào?
Chiếc máy ảnh số mang đi trong chuyến này vừa mang ra chụp được 2 cái thì hỏng, chỉ còn chút ảnh máy film, chắc sẽ rất ít và không thật đẹp, nhưng hy vọng mọi người sẽ thích.
Đối với tôi, nhắc đến 2 từ Ấn Độ, đó là một thứ gì đó xa xăm, mơ hồ và dường như ko thể với tới… Trong tôi vẫn chỉ là những hiểu biết ngây ngô trong tuổi thơ về Ấn Độ. Đó là những bức tranh treo tường hình những đứa bé Ấn da tím, da vàng, đeo trên người những đồ trang sức hết sức tinh xảo (sau này mới biết là những vị thần trong Hindu giáo) thời trước, đó là bộ phim chiếu trên tivi ngày mùng 2 Tết năm 1988 nói về một cậu bé bị lạc trong rừng già Ấn Độ và được sự che chở của thần Rắn hổ mang, đó là một vài bộ phim Ấn mà diễn viên suốt ngày hát từ đầu đến cuối phim với nội dung hết sức lâm ly, đó là con mắt thứ ba, hay nốt ruồi Ấn Độ, trên trán các phụ nữ Ấn… Tất cả chỉ có thế. Những cảm nhận ngây ngô.
Sau này khi Tal Mahal được công nhận là kỳ quan thế giới, thông tin về Ấn Độ trở nên đại chúng và dễ dàng tiếp cận hơn, nhưng sự thực là cả một nền văn minh này không chỉ riêng có Tal Mahal… mà còn có rất, rất nhiều điều phải tìm hiểu ở đất nước rộng lớn này.
Đọc lại hành trình của các bạn đi trước thấy mê mệt với một loạt các điểm từ Tây sang Đông, Nam lên Bắc, nhưng do thời gian có hạn nên chuyến đi lần này của tôi tập trung chính vào bang Rajasthan, phía bắc Ấn Độ, với 5 thành phố chính, mà mỗi thành phố lại mang một nét riêng, không thành phố nào giống một thành phố nào. Bang Rajasthan, được gọi là vùng đất của các bậc Vương giả. Thật đúng! Không sai chút nào. Sự cát cứ của mỗi vị vua ở mỗi vùng đã biến mỗi thành phố dừng chân là một pháo đài, một cung điện, một thành phố người, chợ tấp nập… với sự hòa hợp và yêu thiên nhiên, động vật đáng quý của những người dân tôn thời Hindu (Ấn Độ giáo) và sùng đạo Muslim sống xen kẽ lẫn nhau này.
Và vì thế, lần đầu tiên đặt chân đến Ấn Độ, tôi không thể bỏ qua Rajasthan…
Blue City, khi đọc ra 2 từ này, ít ai nghĩ đến nghĩa đen của nó.. mà thường nghĩ đến nghĩa bóng, dạng tính từ.. Blue City, thành phố buồn, có lẽ thế. Hay như một bản nhạc tên Blue City của Three Blind Mice cũng nhiều âm điệu man mác không kém.. Nhưng khi đến Jodhpur, bạn sẽ thấy đích thực một Blue City là thế nào. Một thành phố màu xanh đích thực.
Không phải tự nhiên mà Jodhpur là nơi mà tôi muốn chia sẻ đầu tiên. Mấy ngày ở nơi này thật là tuyệt vời… Tất cả đều dung dị, thật thà, tử tế, nó khác xa với những thủ đoạn lừa đảo ở Agra, hay sự nhếch nhác đáng lo sợ ở Jaipur. Ở nơi đây, bạn có thể hoàn toàn yên tâm thư giãn, với những gì dường như là nhiệt tình, thoải mái nhất của cả chuyến đi này.
Ngồi café, thực ra là ngồi uống “Chai” – trà sữa nóng trên tầng mái của khách sạn, ngắm cả thành phố xung quanh từ khi mặt trời lên, bên cạnh là pháo đài Mehrangart hùng dũng, tâm hồn như thư thái và nhẹ nhàng hơn… Đâu đó tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa phường những bản nhạc riêng của người Ấn, âm thanh như rõ ràng đến mức khiến ta có cảm giác như cả thành phố đều nghe thấy. Một cách chào đón tuyệt vời và mấy kẻ lữ khách dường như lúc nào cũng tràn ngập niềm vui trong thư giãn.
Một góc Blue City,
Những ngày đông, thành phố ngập trong sương. Mọi hoạt động của thành phố bắt đầu diễn ra từ 10h sáng đến tối. Chỉ qua trưa, nắng mới tràn ngập…
Thành phố bao xung quanh một trung tâm duy nhất, đó là pháo đào Mehrangart hùng dũng.
Đây là khu Oldtown ở cửa thành phía bên trái của pháo đài (Victory Gate – Lohapol), và gần như nguyên vẹn. Từ cửa chợ trở ra ngoài Oldtown là khu phố mới, trên đường đi Cung điện Umaid Bhawan.
Phần sau tôi sẽ viết tiếp “Cuộc sống thường ngày ở Jodhpur, bạn có thể thấy những người phụ nữ Ấn theo 2 đạo Hindu và Muslim khác nhau..”
tuan36/theo phuotca