Tinh Hoa

Thế giới vùng vẫy trong nợ công

Thế giới vùng vẫy trong nợ công

 

Về mặt tài chính, con người đang là loài bị nguy hiểm nhất trong lịch sử trái đất. Hãng tư vấn toàn cầu McKinsey trong tháng 8 vừa cho biết nhân loại hiện đang vùng vẫy dưới núi nợ lên đến 158.000 tỷ USD. Bình quân mỗi người mang gánh nợ 22.733 USD (473.301.060 VND).

 

Theo phúc trình của McKinsey, tổng nợ trên toàn thế giới tính đến năm 2010 hơn gấp đôi so với năm 2000, khi tổng nợ trên thế giới là 78.000 tỷ USD. Hiện dân số trên trái đất vào khoảng 6,95 tỷ người, trong khi tổng GDP hồi năm ngoái đạt 74.540 tỷ USD. Như vậy, GDP bình quân của loài người vào năm ngoái là 10.500 USD, chưa bằng một nửa so với “nợ bình quân” 22.733 USD. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất, vì nợ vẫn đang tăng nhanh và còn cao hơn vào năm tới.

 Bẫy nợ toàn cầu

Con số 158.000 tỷ USD vừa công bố bao gồm 41.100 tỷ USD nợ của các chính phủ (thấp hơn ước tính của IMF và CIA), chiếm 69% GDP toàn cầu. Theo dự báo của Đơn vị Tình báo Kinh tế của tạp chí Economist (EIU), con số này sẽ tăng lên 46.120 tỷ USD vào năm 2012. Dự báo của OECD cho rằng các nền kinh tế phát triển, nếu giữ nguyên các chính sách hiện nay, sẽ có tỷ lệ nợ trên GDP bình quân chạm 115% vào năm 2015.

Trong thời gian từ năm 2000-2010, tỷ lệ nợ/GDP tăng từ 218% lên 266%, theo McKinsey. Khoảng 48.000 tỷ USD nợ chưa trả thuộc về các chính phủ và các định chế tài chính. Ở Mỹ và Tây Âu năm 2010, tỷ lệ nợ công chiếm hơn 70% GDP. Chỉ trong năm 2010, nợ chính phủ chiếm 80% tổng tăng nợ chưa trả.

Các chính phủ trên thế giới vay nợ từ các công dân của họ và từ các nhà cho vay. Việc tăng tổng nợ quan trọng vì 2 lý do. Thứ nhất, khi nợ tăng nhanh hơn GDP như những năm qua, các chính phủ nặng nợ sẽ can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế và tăng thuế mạnh hơn. Thứ 2, nợ phải được trả theo kỳ. Và kỳ trả nợ sẽ có vai trò như một bài kiểm tra tín nhiệm cho các chính phủ. Khi mất tín nhiệm, như chính phủ Hy Lạp hồi năm 2010, đất nước có thể rơi vào khủng hoảng. “Vì vậy, nợ chính phủ toàn cầu càng cao, nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính càng lớn, và ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng như vậy đến kinh tế toàn cầu càng nghiêm trọng”, EUI nói.

Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Anh và Mỹ đều đã rơi vào “bẫy nợ”. Đối với một số chính phủ, lối thoát duy nhất là bán bớt tài sản, cắt chi tiêu, vắt thuế, tinh gọn bộ máy công và chấp nhận hy sinh. Hiện các chính phủ nói trên đều đang cắt giảm dịch vụ y tế, quỹ hưu của hàng triệu công dân, sa thải hàng trăm nghìn nhân viên nhà nước. Trong khi tại Mỹ, chính phủ lại có một công cụ khác là in thêm tiền.

Nợ công ở Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – đã chạm 14.620 tỷ USD trong những tháng gần đây, gần bằng GDP. Theo IMF, nợ công Mỹ sẽ bằng 99% GDP (14.650 tỷ USD) vào năm nay, và lên 103% GDP vào năm tới. Hiện nợ bình quân của mỗi công dân Mỹ là 46.884 USD, trong khi gánh nặng nợ chạm 130.662 tỷ USD. “Lịch sử nước ta mất 204 năm để tạo ra 1.000 tỷ USD nợ, và nay chúng ta chỉ cần làm điều đó trong 2-3 năm”, Nghị sĩ Jim Cooper nói một cách mỉa mai.

 Khu vực EUR – khu vực rắc rối

“Trong những tháng gần đây, hầu hết các nỗi sợ hãi đối với nền kinh tế toàn cầu đến từ khu vực đồng EUR, con đường tài chính tương lai của Mỹ và cuộc chiến chống lạm phát ở các thị trường mới nổi”, theo Ira Kalish, Giám đốc Global Economics, Deloitte Research. “Nếu không giải quyết được những vấn đề này, tăng trưởng và ổn định toàn cầu sẽ bị đe dọa”.

Trong phúc trình của mình, Deloitte Research cho rằng sự hồi phục của châu Âu phụ thuộc vào một giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng nợ. Trong khi kiềm chế lạm phát và tăng thu nhập bình quân là chìa khóa phục hồi của Anh.

Các nhà chức trách ở châu Âu và Mỹ phải cải cách cấu trúc mạnh mẽ để mang lại hy vọng cho thị trường rằng tình hình nợ đang được giải quyết một cách nghiêm túc, theo Gary Dugan, Giám đốc Đầu tư của Private Banking thuộc Emirates NBD.

“Giới đầu tư nay xem khu vực EUR như tâm chấn các nỗi lo sợ của thế giới”, Dugan nói. “Dù Mỹ cũng có vất đề nhưng là một nền kinh tế thống nhất, họ có thể giải quyết vấn đề nhanh hơn nhiều so với các nước đồng EUR”.

 

Thị trường hoảng loạn

Trong tháng 8, thị trường nhiều lần điên đảo vì những cơn hoảng loạn bắt nguồn từ châu Âu và Mỹ. Ngoài nỗi lo trước những dấu hiệu yếu kém của kinh tế, giới đầu tư còn thất vọng hơn khi thấy các nhà chức trách ở Brussels, Frankfurt và Washington không đưa ra được kế sách nào.

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đã đáp lại cuộc khủng hoảng ở châu lục bằng một loạt các biện pháp thiếu thuyết phục, bao gồm chính sách thắt chặt tiền tệ của NH Trung ương châu Âu (ECB), theo nhận định của Bank of America Merill Lynch. “Các nhà chức trách đã đánh bom thị trường với bộ 4 thông điệp thất vọng: 1. Tài chính Mỹ có vấn đề lớn. 2. Họ quá bất lực để đối phó. 3. Nguy cơ vỡ nợ được các nhà chức trách đặt lên bàn nghị sự. 4. Chúng ta vẫn thắt chặt không cần biết nền kinh tế như thế nào”, phúc trình của Merill Lynch viết.

Lối thoát?

Giới phân tích cho rằng sẽ không có lối thoát dễ dàng.

Các nền kinh tế phát triển cần có những cải tổ sâu rộng và nhanh chóng đối với hệ thống thuế và các chương trình an sinh. Ổn định tài chính đòi hỏi tăng thuế và giảm áp lực nhân khẩu học, theo Tiến sĩ Saidi, Kinh tế trưởng của Dubai International Financial Centre (DIFC). “Tuổi hưu cần năng lên 70 hoặc cao hơn, do tuổi thọ cao hơn, điều này phải đi kèm với cắt giảm tầm mức và phạm vi các chương trình an sinh”, ông nói.

Đối với Mỹ, giải pháp ổn định dài hạn cần cắt giảm mạnh chi phí quân sự và trợ cấp nông nghiệp. Đối với châu Âu, giải quyết nhân khẩu học cần đi kèm với việc nới lỏng các chính sách nhập cư. Châu Âu cần thu hút thêm dân số trẻ từ các nước Nam Địa Trung Hải để gánh bớt cho dân số già. Tất cả các giải pháp trên đều là những khó khăn chính trị, và các chính phủ có thể không muốn liều. “Trong lịch sử, các chính phủ thường chọn cách vỡ nợ hoặc phá giá nội tệ hơn là tăng thuế”, TS. Saidi nói.

Vĩnh Đông