Tinh Hoa

Trái cây tươi lâu không nhờ chất bảo quản

Thay vì phải sử dụng các loại chế phẩm làm chậm chín hay các loại thuốc hóa học kéo dài thời gian bảo quản cho quả sau thu hoạch, người dân có thể dùng các mẹo dễ làm với tỏi, cát để giúp trái cây tươi lâu đến nửa tháng mà không phải sử dụng bất kỳ hóa chất nào.

Quả tươi bằng mẹo

ThS Nguyễn Mạnh Khải, bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, người trồng bưởi ở An Giang từng áp dụng thành công phương pháp giữ bưởi tươi lâu nhờ tỏi giúp quả bưởi tươi trong khoảng 2 tháng sau khi thu hoạch.

Cách làm như sau: Bưởi hái xuống dùng 0,5kg tỏi tươi nghiền nhuyễn hòa với 2 lít nước, phun xịt lên trái bưởi cho ướt đều. Làm như vậy sẽ giúp bưởi có màu tươi xanh và lâu xuống màu. Trong khi bưởi không sử dụng phun nước tỏi chỉ có thể để từ 15 – 20 ngày là bị rụng cuống.

Trong công nghệ bảo quản chế biến, người ta cũng sử dụng nhiều phương pháp bảo quản an toàn cho quả. Ảnh minh họa: IE.

Theo TS Hà Thanh Toàn, giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, trường Đại học Cần Thơ, để bảo quản giống xoài cát Hòa Lộc, các nhà khoa học đã xử lý chần nước nóng ngăn bệnh thán thư và ruồi đục quả. Biện pháp này giúp đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật cho cây ăn trái. Sau đó, trái được nhúng vào dung dịch Chitosan, tạo nên một lớp màng bao phủ mỏng có tác dụng chống mất ẩm, giảm hao hụt trọng lượng và kéo dài thời gian tồn trữ. Quá trình này có thể bảo quản xoài  trong 4 – 6 tuần.

Ngoài ra, nông dân vùng trồng vú sữa Châu Thành (Tiền Giang) đã sáng kiến ra cách dùng lá lục bình tươi gói từng quả vú sữa lại rồi chất chồng lên cho vào thùng xốp (loại thùng ướp nước đá). Cách làm như vậy có thể vận chuyển từ 10 – 14 ngày quả vẫn tươi xanh, trong khi vú sữa không sử dụng lá lục bình chỉ có thể để được 3 – 4 ngày.

An toàn

ThS Phan Thanh Tâm, bộ môn Công nghệ Thực phẩm sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, về bản chất, đây là những cách bảo quản an toàn so với sử dụng hóa chất. Trong tỏi có hợp chất anixin có tính kháng khuẩn, chống thối rữa. Nhưng tỏi có nhược điểm là để lại mùi rất nặng. Lá lục bình có thể giúp trái cây cách ẩm.

Theo các chuyên gia, người dân có vườn cây ăn trái có thể bảo quản tại nhà để lấy quả ăn dần bằng cách quả sau khi được chọn lựa kỹ được rửa sạch dưới vòi nước chảy. Tốt nhất nên dùng vòi có tia nhỏ, mạnh phun thẳng vào quả khiến chất bẩn và vi khuẩn nằm trên vỏ quả rơi ra.

Sau đó, ngâm quả trong nước muối trong khoảng 5 phút, dùng vải mềm rửa sạch phần núm quả vì đây là nơi vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào quả gây hỏng, thối sớm, dùng quạt mát làm khô quả thật nhanh trong vòng vài phút. Gói quả thật kín trong túi nilon và cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 150C.

Hơn nữa, người ta còn có thể bảo quản bưởi bằng cách bôi vôi vào chỗ đầu cuống của quả bưởi, hoặc vùi cam, bưởi xuống cát cũng có thể bảo quản được tươi trong vài tháng. Vì ở trong môi trường cát, độ ẩm luôn được duy trì, trong khi đó quả vẫn thực hiện được quá trình hô hấp.

Trong công nghệ bảo quản chế biến thì người ta cũng sử dụng nhiều phương pháp bảo quản an toàn cho quả. Phổ biến nhất là bảo quản lạnh. Khi đó cần phải có bao bì đặc dụng cho từng loại quả khác nhau, đảm bảo trong quá trình đó quả vẫn được hô hấp trao đổi không khí. Hoặc có thể sục khí ozon để diệt hết vi khuẩn có trên vỏ quả, hạn chế quá trình thối rữa…

ThS Phạm Tuấn Anh, khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Nông lâm TPHCM cho biết, cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen…).

Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 130C, chôm chôm 120C, mãng cầu 130C, dưa hấu 100C… Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1 – 3% trong thời gian 1 – 3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây. Đó là những cách bảo quản an toàn, dễ áp dụng.


Tô Hội