– Chuyện rơi vào vòng rủi ro hay may mắn thoát hiểm của các vị vua Việt Nam cũng đầy… bất ngờ thú vị.
Vua Cảnh Thịnh bị bắt giữ bởi một người điên
Vua Cảnh Thịnh tên thật là Nguyễn Quang Toản, con trưởng của vua Quang Trung. Đến giữa năm Nhâm Tuất (1802) liên tiếp thất bại trước các cuộc tấn công của quân Nguyễn Phúc Ánh, Quang Toản phải bỏ kinh đô Phú Xuân, chạy ra Bắc rồi bị bắt và bị xử tử thảm khốc.
Ít người biết rằng mặc dù truy lùng gắt gao nhưng quân Nguyễn Phúc Ánh không bắt được vua Cảnh Thịnh mà phải nhờ đến sự trợ giúp của một “người điên” cầm đầu một đám ăn mày ở Lạng Giang (nay thuộc huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Sách Quốc sử di biên viết: “Tổng trưởng An Mẫu là Vũ Thám và Trần Huy Dao ở Kinh Than đem hào mục hai huyện Phượng Nhãn, Lục Ngạn đến vây, 3 ngày không bắt được… Toản, Thiệu cưỡi voi vào ẩn trong rừng sâu. Lúc ấy có tên “thị cuồng” (kẻ điên ở chợ) hét voi đứng lại, tổng Thám sấn vào, bắt được Toản, Thiệu đem dâng đại quân… Tên “thị cuồng” trước trú ngụ ở chợ Thương, nuôi vài mươi kẻ ăn xin, sớm tối cầm canh, đánh kẻng sành để làm hiệu lệnh. Đến bây giờ được thưởng 3 mẫu ruộng, được ban tên là Trung Nghĩa”.
Vua Lê Lợi từng “núp váy đàn bà”
Thời còn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của quân xâm lược, có lần bị thua trận, binh tướng tan tác hết, chỉ còn một mình, Lê Lợi bị giặc Minh đuổi theo ráo riết. Chạy đến bờ đê ven một ngôi làng bên bờ sông Mã, ông thấy có một quán nước liền vào hỏi thăm đường và nói rõ tình cảnh của mình. Cụ bà bán nước biết tình thế rất nguy mới nói rõ mọi ngả đường quanh đó đều bị quân giặc án ngữ cả, không còn lối thoát. Bà nói, nếu không tị hiềm gì thì chỉ còn cách để ông ngồi núp sau lưng mình rồi trùm váy lên che kín, nhờ vậy mà giặc Minh đi qua không nghi ngờ gì, bà cụ còn chỉ hướng sai cho chúng đuổi bắt trong vô vọng.
Sau này, khi sự nghiệp đã thành, nhớ ơn bà cụ bán nước, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã đón về Thăng Long phụng dưỡng, tôn làm Quốc mẫu. Khi bà mất, vua cho làm lễ tang trọng thể và xây ngôi đền thờ phụng gọi là đền Quốc mẫu; ngôi đền này nay vẫn còn ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Theo dã sử địa phương, bà cụ tên thật là Hà Thị Diệu Cai, quê ở thôn Quan Nội (nay thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hoá).
Trần Anh Tông dùng… chân cứu nhiều người thoát chết đuối
Năm Nhâm Tý (1312) vua Trần Anh Tông dẫn quân Nam chinh đánh Chiêm Thành thắng trận. Khi trở về ông cho làm lễ thắng trận lại các lăng vua đời trước ở phủ Long Hưng (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình). Sau đó vua cùng đoàn tùy tùng theo đường thủy trở lại Thăng Long.
Chuyến đi này đã gặp trở ngại và câu chuyện vua dùng chân cứu người được sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết như sau: “Khi về đến sông Thâm Thị (một đoạn sông Hồng chảy qua huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay- TG), bỗng gặp mưa gió sấm chớp, ban ngày mà tối đen như đổ mực, trong khoảng gang tấc cũng không nhìn thấy nhau. Dây buộc thuyền đều bị đứt cả, thuyền ngự chìm ở giữa dòng. Vua bám lấy đầu thuyền leo lên mui, lấy chân cho các cung nữ, nữ quan bám lấy để cùng leo lên mui.”
Sợ giặc cướp bóc, vua Phế Đế mang tiền đi giấu
Vị vua bị sử sách chê cười về hành động này là Trần Phế Đế, ông là vua thứ 11 của nhà Trần, tên thật là Trần Hiện, do bị phế truất nên sử thường gọi là Phế Đế.
Thời gian trị vì của Trần Phế Đế, triều chính bất ổn, đất nước suy vi, cướp bóc nổi lên nhiều nơi, lân bang xâm lấn. Vào năm Mậu Ngọ (1378) quân Chiêm Thành từ phía nam tấn công ra bắc, chiếm được cả Thăng Long, cướp bóc đốt phá hết rồi mới rút… Lo sợ giặc cướp, năm Kỷ Mùi (1379) vua Trần Phế Đế đã hai lần sai người mang tiền đi giấu, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 9, sai quân dân chở tiền đồng giấu vào núi Thiên Kiện (núi Thiên Kiện trước gọi là núi Địa Cận, tục truyền có cây tùng cổ, rồng quấn ở trên, Trần Thái Tông dựng hành cung ở đó). Mùa đông, tháng 10, giấu [tiền] ở khám Khả Lãng thuộc Lạng Sơn, là vì sợ nạn người Chiêm đốt cung điện”.
Sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên đánh giá về việc này như sau: “Thiên tử có cả bốn biển, kho tàng phủ khố đâu chẳng phải là của mình? Đương khi nước nhà nhàn hạ thì làm tỏ chính hình, sửa sang lễ nghĩa, ví như con chim đi lấy rễ dâu ràng buộc cửa tổ (ý nói phải đề phòng sự biến lúc chưa xảy ra), thì ai làm nhục mình được? Thế mà sợ tai nạn Chiêm Thành đốt cướp, đem chở tiền của giấu tận hang cùng núi thẳm, làm kế tránh giặc, thực là nhử giặc đến, chuốc lấy tiếng chê cười của đời sau” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Vua Gia Long được xóm “cái bang” cứu giúp
Vị vua sáng lập vương triều Nguyễn là Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) khi đánh với quân Tây Sơn đã nhiều lần thất bại, bị truy đuổi gay gắt và không ít lần rơi vào hoàn cảnh quấn bách, nguy khốn nhưng đều may mắn được cứu giúp.
Thú vị nhất là chuyện Nguyễn Phúc Ánh được những người ăn mày thuộc một xóm “cái bang” giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Một lần thua trận, chỉ còn một thân một mình Nguyễn Phúc Ánh trốn vào khu cư ngụ của đám ăn mày ở làng Nhơn Ngãi ngoại thành Gia Định (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM). Không rõ vì biết thân thế hay vì cảm thương một người sắp lâm vào cảnh chết chóc, hoặc cũng có thể do tính nghĩa hiệp mà họ đã ra tay cứu giúp Nguyễn Phúc Ánh.
Những người ăn mày đưa ông đi ẩn nấp rồi gọi cả nhóm “cái bang” la hét ầm ĩ, đánh trống, đập thùng, gõ xoong chảo… làm như nơi đây có binh hùng tướng mạnh khiến cho toán quân Tây Sơn đang truy đuổi sợ gặp phục binh của chúa Nguyễn bèn rút lui.Về sau, khi đã lên ngôi hoàng đế, nhớ tới ơn xưa, vua Gia Long đã ban thưởng cho những người ăn mày từng cứu giúp mình. Ông cho phép họ lập thành xóm rồi ban cho ba chữ Tân Lộc Phường lấy làm tên xóm.
Vua Tự Đức lấy trẻ con làm lính thị vệ
Lính thị vệ là những người bảo vệ vua được tuyển chọn rất cẩn thận. Họ phải đảm bảo ít nhất hai yêu cầu: tuyệt đối trung thành và giỏi võ nghệ. Thế nhưng có trường hợp đặc biệt, vua Tự Đức đã đặc cách phong hai đứa trẻ làm thị vệ.
Bấy giờ, vào năm Kỷ Mùi (1859), ở Quảng Trị có một khu trại tre rộng hơn một mẫu, có rất nhiều chim về làm tổ. Biết vua thích săn bắn, các quan địa phương đã niêm yết cấm dân thường vào đó phá phách, để dành riêng nơi đây cho vua hàng năm ra săn bắn. Một lần vua Tự Đức ra Quảng Trị, ông không muốn kinh động nên truyền cho tùy tùng đứng ở xa đợi, còn vua mặc thường phục, một mình mang súng vào bắn chim. Bỗng đâu xuất hiện hai đứa bé chăn trâu chừng 11- 12 tuổi, chúng giằng súng, níu áo không cho bắn, nói là làm như thế cả làng sẽ bị tội và cho biết ở đây chỉ có vua được bắn chim thôi.
Vua Tự Đức rất bất ngờ, ông liền quay ra gọi các quan và sai trở về kinh, mang theo 2 đứa trẻ, phong chúng làm Ngũ đẳng thị vệ. Vua còn ban tiền bạc khen ngợi cha mẹ chúng vì đã đẻ con có nghĩa, biết dạy con lòng trung thành.
Lý Thái Dũng