Tinh Hoa

Ăn vặt Sài Gòn với “bánh tráng nướng trứng chim cút”

Từ Đà Lạt, món bánh tráng đặc biệt này đã đến Sài Gòn với nhiều thay đổi khá thú vị.

Đến Sài Gòn, chắc chắn du khách sẽ không thể nào không chú ý đến thói quen “ăn vặt” của người dân nơi đây. Món ăn vặt tại Sài Thành rất đa dạng và có mặt ở mọi nơi. Bất cứ một món ăn nhẹ nào mà “gọn gàng”, “dễ xử lý” đều dễ dàng trở thành một món ăn vặt quen thuộc của mọi người.

Theo dòng chảy của thời gian, các món ăn vặt tại Sài Gòn cũng liên tục được thay đổi và “cập nhật” với danh sách các món càng ngày càng dài ra. Cách đây khá lâu là sự “thống trị” cua súp cua, khoai lang nướng, bắp xào, bánh tráng trộn… Và hiện tại món “bánh tráng nướng” đang là món được không chỉ cánh chị em khoái khẩu mà ngay cả cánh đàn ông cũng khó lòng mà từ chối mỗi khi có dịp “tụm năm, tụm bảy” lại với nhau.

Thực ra, xuất xứ của món ăn này là từ.. .Đà Lạt – thành phố mộng mơ của cả nước. Có lẽ, không khí lạnh quanh năm chính là thứ đã giúp cho món bánh tráng nướng này ra đời tại đây. Ở Đà Lạt, hình ảnh các du khách xuýt xoa với cái lạnh và trên tay là cuộn bánh tráng nóng giòn thơm phức đã trở nên quá quen thuộc với mọi người.
 
Nhưng, ở Sài Gòn thì với nhiều người, món ăn này vẫn còn là một món khá lạ. Hơn nữa, khi “du nhập” vào đây, món bánh tráng nướng này cũng đã được thay đổi ít nhiều ở nguyên liệu cũng như cách thực hiện.

Nếu ở Đà Lạt, nguyên liệu trứng được sử dụng là trứng gà đánh nhuyễn lên thì tại Sài Gòn đã được thay thế bằng trứng cút. Và một điều đặc biệt nữa là món bánh tráng nướng nguyên thủy tại Đà Lạt không hề có thịt heo băm mà chỉ có trứng, hành lá và tương ớt.

Có lẽ người Sài Gòn đã thêm thịt băm vào để món bánh có thêm sự mặn mà của thịt cũng như khiến giá trị của cái bánh trở nên “chất lượng” hơn.
 
Món bánh tráng nướng tại Sài Gòn cũng khác với ở Đà Lạt ở chỗ bánh tráng “gốc” sử dụng trứng gà với số lượng nhiều nên khi nướng xong, chiếc bánh tráng không giòn mà trở nên dai dai, người bán sẽ cuộn chiếc bánh lại thành từng ống. Khi ăn, du khách sẽ cảm giác được hương vị béo ngậy của trứng gà trong từng chiếc bánh.
 
Trong khi đó, chiếc bánh tráng nướng ở Sài Gòn thì lại khác hẳn khi trở nên giòn rụm như một chiếc bánh tráng nướng bình thường. Đó là do tại Sài Gòn, người bán chỉ sử dụng tối đa là 2 trứng cút cho một cái bánh. Vì thế, khi nướng xong, cả trứng và thịt đều chín tới mà bánh tráng vẫn giữ được độ giòn.
 

Nguyên liệu của một chiếc bánh tráng nướng gồm có:


thịt băm, hành lá, bánh tráng và 2 cái trứng cút.

 
Tại Sài Gòn, nơi nào có cafe lề đường mà tụ tập đông giới trẻ là có bánh tráng nướng. Người bán món này không ngồi cố định tại chỗ mà để cả lò nướng và bánh trên xe để di chuyển khi cần thiết. Bánh tráng nướng cũng là món khoái khẩu của học sinh, sinh viên mỗi khi tan học.
 
Hình ảnh nhưng chiếc áo trắng học trò vây quanh xe bánh tráng nuớng đã không còn xa lạ mà bắt đầu trở nên dần quen thuộc với người dân Sài Gòn. Cũng như trước đó là những xe súp cua, khoai lang nướng, bắp xào… từng một thời làm mưa làm gió nơi cổng trường Sài Gòn.
 


Người bán sẽ trộn tất cả các nguyên liệu lại.
 


Vừa nướng bánh và vừa dàn đều các nguyên liệu ra khắp mặt bánh tráng.
 


Tiếp tục nướng cho đến khi trứng bắt đầu chín.
 


Rắc thêm một ít tôm khô (thực ra là con ruốc khô).
 


Lúc này, người bán sẽ bắt đầu đảo bánh để nướng các đường viền quanh bánh tráng.
 


Đây là công đoạn khá quan trọng, bởi nếu không đều tay,
chiếc bánh sẽ bị cháy và không chín đều.
 


Sau khi bánh đã chín và giòn đều, người bán tiếp tục nướng thêm
 một lúc để bánh có màu vàng ươm đầy hấp dẫn
.

Thêm một chút tương ớt.



Và tiếp tục xử lý phần rìa bánh nào còn chưa chín
.



Công đoạn cuối cùng là gập đôi chiếc bánh lại
.



Và một chiếc bánh tráng nướng vàng ươm, giòn rụm ra đời. Giá một chiếc bánh
 tráng nướng tại Sài Gòn khoảng 5.000VNĐ đến 7.000VNĐ/cái.

(Theo afamily)