Tinh Hoa

Lê Thánh Tông cấm quan lại tơ hào “nhà công vụ”

– Vua ban lệnh khi chuyển đi nơi khác, các quan không được lấy đồ đạc của nhà công mang theo, nhà công phải được trông coi chờ quan mới đến dùng.


Lý Thái Tông có 4 chàng rể người dân tộc thiểu số

Là một quốc gia gồm nhiều thành phần dân tộc sống gắn bó, đoàn kết, trải hàng ngàn năm lịch sử cùng chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, do đó các chính quyền Việt Nam từ xưa rất coi trọng vấn đề dân tộc.

Thời nhà Lý, kế thừa chính sách của các triều đại trước, đối với vùng núi rừng xa xôi, nơi cư trú của các dân tộc ít người, Lý Thái Tổ vẫn áp dụng chính sách “cơ mi” (ràng buộc lỏng lẻo).

Ngoài ra để tăng cường và đẩy mạnh mối quan hệ, liên kết; bên cạnh việc phong chức tước, quyền hạn; ban thưởng tiền bạc, triều Lý còn thông qua các cuộc hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng lớn có thế lực để qua vai trò của họ tập hợp cư dân thành khối thống nhất quanh nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.

Trong số các hoàng đế của triều đại này, Lý Thái Tông là vị vua gả nhiều con gái cho các tù trưởng, thủ lĩnh người dân tộc nhất. Tháng 3 năm Kỷ Tị (1029) vua gả công chúa Bình Dương cho Thân Thiệu Thái, châu mục châu Lạng (nay là Lạng Sơn). Năm Bính Tý (1036) gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ) là Lê Thuận Tông; gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây) là Hà Thiện Lãm; gả công chúa Ngọc Kiều cho châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ và 1 phần Sơn Tây).


Lê Thánh Tông quy định việc sử dụng “nhà công vụ”

Lê Thánh Tông

Nhà công vụ hiểu một cách đơn giản là nhà ở thuộc tài sản công được dành cho quan chức (và gia đình họ) sử dụng trong thời gian nhất định khi đảm nhiệm một vị trí cụ thể tại một địa phương. Đến lúc không còn làm quan hoặc được chuyển đổi đi nhận vị trí khác thì người đó phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho người mới.

Tuy nhiên vẫn có những người muốn biến công thành tư. Cách đây 500 trăm năm, hoàng đế Lê Thánh Tông để ý việc này, và đưa ra các cách thức xử lý cụ thể, ông trở thành nguyên thủ đầu tiên quy định chế độ sử dụng “nhà công vụ” và tài sản công.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 4 năm Bính Tuất (1466), vua ban lệnh “cấm các quan đổi đi chỗ khác không được lấy các thứ đồ dùng ở nhà công”. Đến tháng 2 năm Canh Tuất (1490) Lê Thánh Tông “định lệ quan đổi đi nơi khác phải giao lại nhà công. Từ nay trở đi, quan các nha môn nào đổi thăng đi, về nghỉ để tang hay ốm chết…thì chỗ nhà ở và các đồ vật giao cho quan lại sai người coi giữ, đợi khi quan mới đến dùng”.

Lê Thần Tông chấm đỗ người không làm hết bài thi

Trong thi cử Nho học thời xưa có nhiều quy định rất chặt chẽ, khắt khe, bài thi nếu chỉ phạm một chữ húy thì dù có viết hay đến mấy cũng bị đánh trượt, hoặc dù có làm hết bài nhưng chưa chắc đã vượt nổi tài thơ văn của những người cùng thi khác. Ấy thế mà một thí sinh vào thi, làm không hết bài vẫn được chấm đỗ, không những thế còn là người đỗ đầu khoa thi, đó là câu chuyện của Nguyễn Minh Triết quê ở xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc xã An Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương).

Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1631) đời Lê Thần Tông, đề thi gồm 2 phần: Phần đề phú có nội dung “Lấy đức làm chính trị”, phần đề thơ là “Tiêu Hà đứng đầu”; tất cả gồm 12 mục. Lọt vào kỳ thi Hội chỉ có 60 người, do thời gian ngắn mà đề mục lại nhiều nên 59 người đều làm sơ lược, tính toán miễn sao cho đầy đủ 12 mục.

Riêng Nguyễn Minh Triết thì lần lượt làm từng mục, dẫn giải cụ thể, biện luận rõ ràng vì thế khi hết giờ, phải nộp bài thì ông mới chỉ xong được 4 mục. Vua Lê Thần Tông xem bài thi thấy ý tứ rất hay bèn hỏi các khảo quan và nữ học quan Nguyễn Thị Duệ, mọi người nói nếu chấm thì rất xứng đỗ đầu. Cuối cùng vua truyền bảo: “Thơ chỉ hay một câu, phú chỉ hay một đoạn mà còn được, huống chi bốn mục. Bài nếu đáng đỗ đầu thì cứ để đỗ đầu”.

Vậy là dù bài thi không hoàn thiện nhưng thí sinh Nguyễn Minh Triết lại được chấm đỗ Đình nguyên Thám hoa. Ông chính là người cao tuổi thứ nhì trong số gần 80 vị đỗ Thám hoa trong lịch sử nước ta.

Quảng trường thi Nam Ðịnh (năm 1897), thí sinh phải tự làm lều và đặt chõng để viết bài



Lê Ý Tông ban hành âm nhạc trong các ngày đại lễ

Âm nhạc được sử dụng trong các nghi lễ cung đình từ rất lâu nhưng còn đơn giản, chưa thống nhất, chưa phân định cụ thể đối với từng nghi thức. Đến đời Lê Ý Tông (1735-1740), lần đầu tiên âm nhạc được quy định sử dụng với các tiết tấu, thanh điệu khác nhau ở những ngày đại lễ khác nhau.

Sách Lê triều hội điển cho hay: “Theo pháp điển hồi quốc sơ, chỉ làm lễ rước và lạy mừng, nhạc chương chưa đủ. Vĩnh Hựu năm thứ nhất (1736) mới kính vâng ngự chế, báo rõ bá quan rằng: Các lễ Diên Thọ, Chính Đản, Yết Giao, Tế Cờ, xét về nhiều mặt được coi là đại lễ. Hợp các nhạc chương lại để cùng diễn tấu. Như vậy ngước lên thấy tình văn tuyên xướng (được phô bày thỏa thích), tiết tấu ung dung. Gây dựng được cái tự cổ chưa từng có. Thánh đức cùng thiên địa đại đồng, ấy là cái thể nghiệm sự ứng dụng vậy”.

Theo đó, nhạc chương dùng trong các ngày đại lễ có 5 chương, là: Từ bình, Thanh bình, Hòa bình, Thăng bình, Thừa bình.

Minh Mạng cho cắm biển ghi tên đường phố tại kinh đô

Ngày nay, không chỉ tại các đô thị lớn mà các thị trấn nhỏ đều có những tấm biển đề tên của các con đường, con phố tạo thuận tiện rất nhiều trong việc xác định vị trí, tìm địa chỉ, quản lý hành chính…, thậm chí còn có tác dụng nhắc nhớ, tri ân đến những chiến công, địa danh, con người cụ thể.

Nếu như việc dựng biển chỉ hướng đi các nơi, lập cột mốc đánh dấu khoảng cách đường đi đã được một số vị vua thời Tiền Lê, Lý tiến hành thì việc đặt tên đường phố, dựng biển ghi tên lần đầu được thực hiện dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục cho biết vào tháng 5 năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mạng thứ nhất (1820), vua cho “đặt đường phố ở Kinh thành có khắc biển, ghi tên”.

Vua Khải Định ban thưởng cho những người đại thọ

Tôn kính, trọng vọng người già là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm qua. Chính vì vậy sử sách ghi chép rất nhiều đến việc các quân vương nhiều triều đại từng ban yến tiệc, thưởng tiền bạc, lụa là cho các bậc phụ lão trong nước. Thậm chí vào đời Trần, triều đình còn hỏi ý kiến của người già nên làm gì trước cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông: lịch sử đã ghi nhận về “hội nghị Diên Hồng” với tiếng hô: “Quyết đánh” của các bô lão.

Thời Khải Định ở ngôi, có một sự kiện độc đáo liên quan đến người cao tuổi, đó là vào tháng 5 năm Kỷ Mùi (1919) vua ban thưởng cho 8 người đại thọ, trong đó có một nhân vật rất nổi tiếng là cụ Đoàn Tử Quang, người được coi là thí sinh cao tuổi nhất trong lịch sử thi cử nước ta.

Sách Khải Định chính yếu viết: “Tháng 5, chuẩn ban thưởng biển ngạch cùng tiền bạc với mức khác nhau cho 8 vị quan viên cao thọ, gồm: Cấm binh, phó vệ úy Trịnh Văn Hòa ở tỉnh Quảng Nam (94 tuổi); nguyên Thống chế về hưu Nguyễn Như Cung ở phủ Thừa Thiên (81 tuổi); Quang lộc tự Thiếu khanh Trương Thỉnh ở tỉnh Quảng Nam (81 tuổi); Đoàn Tử Quang hàm Trước tác đang an dưỡng tại quê nhà thuộc tỉnh Hà Tĩnh (101 tuổi); Thái Tân, dân thường cao thọ ở tỉnh Hà Tĩnh (101 tuổi); Phạm Văn Châu ở tỉnh Quảng Nam (101 tuổi); Nguyễn Văn Hỗ ở tỉnh Quảng Nam (101 tuổi); Đồng Vũ ở tỉnh Bình Định (101 tuổi)”.

Lê Thái Dũng