Những ngày qua, việc vệ tinh UARS rơi xuống Trái đất đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận, đi kèm đó là nỗi lo sáng mai sẽ không tỉnh dậy bởi vệ tinh rơi… trúng đầu. Kỳ thực, xác suất ấy còn khó xảy ra hơn chuyện bị sét đánh!
Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA (Mỹ) cho hay, có thể chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy dấu vết của UARS – vệ tinh nhân tạo 6 tấn vừa rơi vào tầng khí quyển ở khu vực Thái Bình Dương vào hôm qua (24/9).
NASA đã chính thức xác nhận, trong khoảng thời gian từ 11 giờ 23 phút tối thứ 6 (23/9) tới 1 giờ 09 phút sáng (24/9) – theo giờ EDT, tức khoảng 12h trưa 24/9 – theo giờ Việt Nam, các mảnh vỡ của vệ tinh nhân tạo UARS đã rơi xuống Trái đất. Ban đầu, chúng được nhìn thấy ở khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận, hiện họ không thể biết được chính xác nơi các mảnh vỡ đã đáp xuống và cũng khó có thể biết được điều đó.
Tờ The Wall Street Journal đưa tin, khoảng 11 giờ sau khi các mảnh vỡ từ vệ tinh nhân tạo UARS của NASA được cho là đã đáp xuống Trái đất, phát ngôn viên của cơ quan này đã nói với phóng viên rằng họ chưa nhận được báo cáo đáng tin cậy nào về việc có người thấy các mảnh vụn đó hay việc có bất cứ ai đang cố gắng tìm kiếm chúng.
Việc các mảnh vỡ vệ tinh rơi xuống Trái đất chưa gây hại tới ai cả |
Trước đó, vào trưa 24/9, cơ quan này cũng đã tuyên bố, họ chưa nhận được bất kì báo cáo thương tích hay hư hại tài sản nào liên quan tới sự cố trên.
NASA đã dùng tàu con thoi đưa vệ tinh này lên quỹ đạo vào năm 1991 để đo ozone và thành phần hóa học trong khí quyển trái đất, và sứ mệnh của UARS đã kết thúc vào năm 2005.
Các chuyên gia cho hay, trong những năm qua, có không ít vệ tinh quay trở lại Trái đất sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên, tính đến nay, chưa ai bị thương do các mảnh vỡ đó rơi trúng cả. Mặc dù vậy, theo dự tính của NASA, có ít nhất 26 mảnh vỡ lớn từ vệ tinh này có thể sẽ rơi xuống Trái đất và mảnh vỡ lớn nhất ước tính nặng khoảng 136 kg.
Trong một tuyên bố, NASA cho biết: “Nguy cơ có bất kì mảnh vỡ nào từ vệ tinh trên rơi xuống đất Mỹ là rất thấp, nhưng vẫn không thể loại trừ khả năng đó. Vì phần lớn Trái đất là nước, nên khả năng chúng rơi trúng một ai đó chỉ trong xác suất 1/3200 mà thôi”.
Ông McDowell thuộc trung tâm Thiên văn Vật lý Harvard Smithsonian đã nói với tờ The Wall Street Journal: “Không phải quá lo ngại chuyện những mảnh vỡ rơi trúng ai đó bởi tỷ lệ rất “khiêm tốn”. Bạn nên lo ngại chuyện bị sét đánh hơn là lo bị các mảnh vỡ vệ tinh rơi trúng đầu.
Trong năm nay, có 2 bộ phận lớn thuộc tên lửa của Nga rơi xuống Trái đất, nhưng có ai biết về điều đó đâu. Sở dĩ việc vệ tinh này đáp xuống Trái đất thu hút được nhiều sự chú ý của thế giới là bởi NASA đã đưa ra thông cáo báo chí về sự xuất hiện của nó từ trước đó”.
Minh Quân