Không ai biết vào thời khắc nào đó giữa những chuỗi ngày bình lặng ta sẽ gặp người mà mình gắn bó suốt phần đời còn lại. Như một ngày mùa hè năm 1957, Hoàng Thái tử Akihito tình cờ chạm mặt cô gái thường dân Michiko Shoda tại một trận đấu tennis ở Karuizawa. Và họ đã đánh tennis cùng nhau suốt 60 năm sau đó.
Theo nhiều số liệu ghi nhận từ tạp chí Life và tờ Guardian, đám cưới của Thái tử Akihito và Công nương Michiko là một trong những sự kiện trọng đại nhất được người dân cả nước hân hoan đón chờ. Điều này biểu hiện qua các con số “biết nói” như: hơn 1 triệu người dân đã theo dõi trực tiếp đám cưới thông qua truyền hình (dù khi ấy, truyền hình chỉ mới phát sóng được khoảng 6 năm), hơn 9.000 cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên y tế… được điều động để đảm bảo an ninh cho lễ cưới và lễ diễu hành của Thái tử cùng hôn thê của mình.
Trước khi lễ cưới “phá bỏ mọi quy tắc truyền thống” này diễn ra, các phóng viên đã ghi nhận nhiều hình ảnh các cô gái đồng loạt mặc trang phục thể thao của môn quần vợt xuống phố. Vì đó là bộ trang phục đầu tiên mà công nương Michiko đã khoác trên mình lần đầu gặp gỡ thái tử. Và cũng chính cái ngày gặp gỡ định mệnh trên sân đấu quần vợt ấy, Thái tử Akihito đã cố gắng bằng mọi cách để cưới được người con gái mình yêu, dù việc này vi phạm vào các “nguyên tắc truyền thống” của hoàng gia.
Công nương Michiko trước khi trở thành Thái tử phi, là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Bà sinh trưởng trong gia đình tư bản giàu có và được tạo mọi điều kiện tốt nhất để tu dưỡng tài năng. Michiko có thể nói lưu loát tiếng Anh và là một cô gái năng nổ trong các hoạt động trường lớp, tập thể. Có thể nói, cô chính là bóng hồng trong mơ của rất nhiều chàng trai Nhật thời bấy giờ, và Thái tử cũng khó lòng vượt qua ải mỹ nhân.
Năm đó, trên sân quần vợt, Thái tử cùng Michiko so đấu 1 trận quyết liệt, cuối cùng dù thất bại trước người đẹp với tỷ số cách biệt nhưng ông vẫn trào dâng một nỗi vui sướng khó tả trong lòng. Sau đó, ông đã tìm cách để có thể gặp được người trong mộng của mình nhiều hơn thông qua các trận đấu đối mặt trên sân quần vợt mà Thái tử Akihito vô tình “sắp xếp”.
Về phía gia đình Michiko, bố mẹ bà cũng không vui trước việc con gái mình muốn được gả vào hoàng tộc. Vì hơn ai hết, bố mẹ cô cũng mong con gái có một cuộc hôn nhân hạnh phúc chứ không màng đến danh phận Thái tử phi.
Nhưng may thay, trời xanh thấu lòng tỏ lòng đôi tình nhân, hôn sự cuối cùng cũng được tác thành bởi người mà không ai nghĩ đến, đó chính là Nhật Hoàng Showa. Thay vì phản đối từ đầu, Nhật Hoàng đã lặng im và suy nghĩ thấu đáo trước khi chính thức lên tiếng tác thành: “Chỉ cần Thái tử thích thì lấy người có xuất thân thường dân cũng không thành vấn đề gì”.
Và đám cưới phá bỏ mọi quy tắc truyền thống của cặp đôi đã được tổ chức vào ngày 10/4/1959 trong sự vui mừng của người dâ xứ sở Mặt trời mọc. Công nương Michiko đã mất đến 3 giờ đồng hồ để mặc xong bộ lễ phục Kimono nặng đến 15kg với tổng cộng 12 lớp để tiến hành các nghi lễ hoàng gia.
Sau khi nghi lễ hoàng gia kết thúc, Thái tử và tân Thái tử phi thay xiêm y hiện đại, rồi diễu hành khắp đường phố Tokyo trên cỗ xe ngựa thiết kế mang hơi hướng Tây phương. Đoạn đường diễu hành dài khoảng 9 km trải dài từ hoàng cung đến Cung Togu (nơi ở của Thái tử và vợ sau khi kết hôn).
Sự kiện này thu hút hơn 530.000 người đã đổ ra đường để xem lễ rước dâu dọc trên các con phố ở thủ đô Tokyo. Ngoài ra, một phần nghi lễ trong đám cưới cũng được phát sóng trên truyền hình, thu hút tới 15 triệu lượt người xem, và có hơn 108 camera được lắp đặt trên khắp chuyến hành trình để ghi lại các hình ảnh của sự kiện mang tính “lịch sử” này.
Dù được bảo vệ kỹ lưỡng, nhưng một sự cố nhỏ đã xảy ra trong lúc diễu hành, khi một thanh niên đột ngột chạy nhào ra và ném đá vào Thái tử, cố nhảy lên xe ngựa để kéo tay Công nương. Người này ngay lập tức bị cảnh sát khống chế. Thanh niên này sau đó được xác định là Kensetsu Nakayama, vừa mới trượt đại học. Anh ta nói rằng mình là người phản đối hoàng gia. Sau sự cố, lễ diễu hành lại được tiếp tục. Thái tử Akihito và Công nương Michiko tiếp tục mỉm cười và vẫy tay với đám đông như chưa có chuyện gì xảy ra.
Đến nay, dù đã ở bên nhau gần 60 năm, nhưng Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn sống bên nhau vô cùng hạnh phúc. Nhà Vua Akihito từng chia sẻ mong muốn được mãi mãi ở bên Hoàng hậu Michiko, và cho đến lúc băng hà, ông hy vọng sẽ được chôn cất cùng người vợ mà mình đã yêu thương suốt cuộc đời này.
Bỏ qua tính “lịch sử” và xuất thân hoàng tộc của Nhật Hoàng, thì cuộc đời này, mọi người phụ nữ không riêng gì hoàng hậu Michiko, cũng chỉ có mong sẽ tìm được một người đàn ông yêu mình hết mực đến đầu bạc, răng long thế này thôi phải không?
Dù dòng họ Shoda vốn nổi tiếng trong cả lĩnh vực kinh doanh lẫn học thuật và từng được nhận Huân chương Văn hóa, huân chương cao quý nhất của nhà vua dành cho học giả và nghệ sỹ nhưng Michiko vẫn không phải xuất thân từ danh gia vọng tộc. Cô cũng không hy vọng mình sẽ trở thành thành viên của hoàng gia. Khi cô trở về từ châu Âu, một người bạn kể rằng cô đã nói: ”Vì chuyến du lịch châu Âu đó, tôi đã tiêu tất cả số tiền mà tôi đã dành dụm để kết hôn. Tôi tự hỏi liệu có ai sẵn sàng kết hôn với một cô gái không có gì ngoài vali hành lý không.” Nhưng ngay sau đó, Michiko nhận được cuộc gọi từ Thái tử Akihito.
Thái tử Akihito đã phá vỡ truyền thống hoàng gia khi tự chọn bạn đời và quyết định cầu hôn Michiko – một dân thường. Nhưng đó mới chính là người mà ông luôn muốn ở cạnh, để làm những điều bình dị nhất như đọc sách… và quan trọng nhất là sinh những đứa con, nhìn chúng lớn lên, kết hôn, mong đợi cháu chắt chào đời. Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako là cái kết đẹp cho chuyện tình này. Và dù bận rộn, công nương vẫn tự mình chăm sóc các con như nhiều phụ nữ khác. Bà cho các con bú sữa mẹ hoàn toàn hay chuẩn bị hộp cơm trưa cho các con mỗi sáng
Thái tử Akihito thừa kế ngôi Vua vào ngày 7/1/1989, và bà Michiko trở thành nữ dân thường đầu tiên lên ngôi Hoàng hậu Nhật Bản. Và trong những chuyến công du dù phải bay nhiều giờ mệt mỏi, người ta luôn thấy Nhà vua và Hoàng hậu xuất hiện cùng nhau. Và những gì mọi người nhắc về bà là sự quan tâm hết lòng đến đời sống của người dân và luôn là hậu phương vững chắc của Nhật Hoàng. Bà Michiko không chỉ thực hiện rất tốt vai trò của một người vợ, một người mẹ, mà còn thể hiện rất xuất sắc trên cương vị của một Hoàng hậu
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn đang sống những ngày hạnh phúc. Mỗi sáng, cả hai đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung, nhìn bốn mùa đổi thay qua sắc lá. Và một phần thời gian trong ngày, Nhà vua trồng lúa, còn Hoàng hậu nuôi tằm như những đôi vợ chồng già hưởng thú vui điền viên.
Hoàng hậu đã đáp lại lời đề nghị được chôn chung với Nhà vua rằng: “Tôi xuất thân bình dân, thế nên khi chết đi cũng vẫn là một người dân thường. Tôi không cảm thấy được làm Hoàng hậu thì có gì vinh quang hơn người, cũng chưa từng nghĩ được gả vào gia đình Hoàng tộc thì sẽ trở nên khác biệt với những người bình thường. Tôi trước nay vẫn chỉ là vợ của Akihito mà thôi, có thể cùng ông ấy sống bên nhau đến đầu bạc răng long đã là phúc phận lớn nhất của cuộc đời tôi rồi”.
TinhHoa tổng hợp