Điều quan trọng là dạy trẻ không phải xấu hổ khi nói cảm ơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học Harvard đã chỉ ra những người không né tránh bày tỏ lòng biết ơn là người hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.
1. Dạy con biết kiểm soát cảm xúc
Các cảm xúc vui buồn, cáu giận ảnh hưởng tới con trẻ, nhưng chúng chưa có kỹ năng xử lý. Là cha mẹ, chúng ta có thể dạy con cách đối phó với tiêu cực và làm thế nào để không lãng phí quá nhiều năng lượng vào những cảm xúc đó. Ví dụ, khi con bạn đang ở trong tâm thế tốt, hãy dạy chúng: Đầu tiên hít thở sâu, sau đó thở ra và đếm từ một đến năm. Nếu bạn thấy trẻ đang kích động, nhắc nhở chúng thực hiện theo ba bước trên.
2. Dạy trẻ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình
Nói với trẻ về đạo đức, giúp đỡ lẫn nhau và quan tâm đến thế giới xung quanh. Giải thích việc chịu trách nhiệm với hành động của mình là phải làm thế nào. Và quan trọng nhất, bạn đừng quên phải hành xử đúng theo cách đã dạy con, bởi cha mẹ là tấm gương tốt nhất để trẻ noi theo.
3. Dạy con biết chia sẻ và giúp đỡ người yếu đuối
Điều quan trọng là bạn hãy dạy cho con biết rằng tình yêu thương không chỉ dành cho người thân, bạn bè mà với tất cả những người yếu thế, cần giúp đỡ. Ví dụ hãy nói trẻ tưởng tượng sẽ cảm thấy thế nào nếu là học sinh mới vào lớp – sự cô đơn, lạc lõng, rất cần một người bạn. Ngoài ra, cũng cần nói với trẻ về những vấn đề lớn hơn như bệnh tật, nghèo đói, không nơi nương tựa và sự giúp đỡ “một miếng khi đói hơn một gói khi no”.
4. Dạy trẻ biết ơn
Bắt đầu dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt, ví dụ ôm và cảm ơn khi bà ngoại làm cho món bánh ngon. Nhắc nhở trẻ phải nói cảm ơn bất cứ lúc nào cần nói, cảm ơn khi ai đó làm việc tốt cho mình. Điều quan trọng nhất là dạy trẻ không phải xấu hổ khi nói cảm ơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học Harvard đã chỉ ra những người không né tránh bày tỏ lòng biết ơn là người hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.
5. Dạy trẻ các giá trị đạo đức trong gia đình
Đa số các bậc cha mẹ nhìn thấy thành công trong học tập của con em mình và khen ngợi nó. Nhưng tại sao bạn không có thái độ như vậy với hành vi đạo đức của con? Thêm vào đó hãy định ra các giá trị trong gia đình và nhắc nhở con tôn trọng cả lời nói lẫn hành động.
6. Dành thời gian bên con
Nếu mọi cuộc giao tiếp của bạn với con đều liên quan đến chuyện kỷ luật thì sẽ chẳng thể có một đứa trẻ thành công thực sự. Trong quan hệ cha mẹ với con cái, điều quan trọng hơn nữa là xây dựng sự tin cậy với con. Trò chuyện, chơi cùng, dành nhiều thời gian bên nhau và thể hiện tình yêu với con. Một đứa trẻ được hưởng nhiều hạnh phúc, cũng sẽ muốn làm những điều tốt đẹp như thế cho người khác.
Theo VNE