Giá nhiều loại thuốc tăng cao khiến người bệnh thêm lo lắng. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc |
Bước ra từ cửa hàng thuốc trên đường Giải Phóng, Hà Nội, cô Hòa, sống ở phố Trương Định, Hoàng Mai tỏ rõ vẻ lo âu. Bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm nay, lần này đi mua thuốc, cô thấy giá tăng gần chục nghìn mỗi hộp. Tháng 8, hộp Diamicron MR có giá 156.000 đồng nhưng nay là 166.000 đồng. Bên cạnh đó, Glucophage 500mg và Predian – 2 loại thuốc khác trong đơn mà cô mua, cũng lần lượt tăng giá 5.000 đồng và 8.000 đồng một hộp. Chỉ với 3 dược phẩm này, cô Hòa đã phải bỏ thêm 23.000 đồng so với lần mua trước đó.
Cô Hòa chia sẻ, nếu chỉ nhìn vào 23.000 đồng thì đó không phải là số tiền lớn. Song khi đã bỏ ra hơn 500.000 đồng tiền thuốc thì thêm một đồng cũng xót. Hơn nữa, giá thuốc đã nhiều lần tăng mà chưa hề có dấu hiệu sẽ giảm, bệnh của cô lại phải dùng thuốc lâu dài nên mỗi lần giá lên là lại thấy sốt ruột.
“Từ trước đến nay, tôi chỉ thấy giá lên chứ đã bao giờ biết hạ đâu. Những người phải sống chung với bệnh như tôi thì cũng đành chấp nhận chứ cũng chẳng biết làm thế nào. Giá tăng còn nhanh hơn trợ cấp nghỉ mất sức. Bình thường, để mua thuốc đã phải bóp bụng chi tiêu, giờ trông vào đâu để cắt giảm nữa”, cô Hòa phàn nàn.
Ghi nhận của VnExpress.net, đây là lần tăng giá dược phẩm lần thứ 2 trong năm 2011, tập trung ở nhóm thuốc giảm đau, tim mạch, tiểu đường. Hơn 60 loại thuốc bị nâng giá với biên độ 3-10%, đợt tăng giá này có quy mô nhỏ hơn lần tăng giá đầu tiên trong năm, cách đây 6 tháng. Thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, khoảng 240 loại thuốc đã tăng giá từ 3% đến 30%.
Giá thuốc tăng khiến những nhiều đơn thuốc có thể đắt lên đến vài chục, vài trăm nghìn đồng. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc |
Cùng với dự án điều chỉnh viện phí, giá thuốc tăng khiến không ít người bệnh đang điều trị nội trú phải tính cách xoay sở. Chị Huyền, quê Thanh Hóa lên chăm sóc mẹ đang chữa bệnh thoái hóa cột sống ở bệnh viện Bạch Mai là một trong những trường hợp như vậy. Mẹ chị vào viện đợt này không phải lần đầu. Do bệnh nặng, công việc nhà nông vất vả, nên cứ chữa về được chừng 5 năm lại tái phát, phải quay lại viện để kéo và nắn cột sống.
Chị Huyền tâm sự, với giá thuốc và tiền viện như hiện nay, gia đình chị đã khó lòng xoay sở nổi. Sắp tới, chi phí khám, chữa bệnh lại tăng, chị đang chưa biết tính cách nào thì giá thuốc lại đắt lên. “Thuốc cứ đà lên giá, lần này ra chữa đã thấy cao hơn đợt trước rồi. Liệu mấy năm tới, nhỡ mà phải vào chữa nữa thì có cấy cày, chăn nuôi được gấp 10 lần, 20 lần so với bây giờ để chi trả đủ thuốc thang với viện phí không”, chị Huyền lo lắng.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, ông Đỗ Văn Doanh cho biết, nguyên nhân khiến giá một số loại thuốc tăng là do chi phí và nguyên liệu sản xuất đắt đỏ, trong khi đó ngành dược lại không được Nhà nước bao cấp.
Ông Đỗ Văn Doanh thông tin thêm, hầu hết các doanh nghiệp dược đều đấu thầu giá từ quý 4 năm 2010 cho việc cung ung thuốc trên thị trường cả năm 2011. Nhưng từ sau Tết Nguyên Đán, nhiều mặt hàng lên giá mạnh, trong đó có nguyên liệu ngành dược, công nhân cũng có nhu cầu tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc đứng trước nguy cơ thua lỗ nên buộc họ phải điều chỉnh giá.
Theo ông Doanh, để kiềm chế giá thuốc cần có giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc giảm lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. “Khi lạm phát tăng, mọi ngành sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng khiến giá thị trường bị đẩy lên. Nhân công cũng cần nâng lương để đủ chi dùng. Nó như một vòng tròn luẩn quẩn, tác động lẫn nhau chứ không riêng gì lĩnh vực nào”, ông Doanh nói.
“Quý 4 năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành đầu thầu giá thuốc để cố gắng cung ứng giá thuốc thấp nhất có thể cho thị trường trong cả năm 2012”, Vị Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược khẳng định.
Một số loại thuốc mới tăng giá
|
Xuân Ngọc