Vệ tinh nhân tạo duy nhất do nước Anh chế tạo đang lang thang trên quỹ đạo trong trái thái “ngủ” và một nhóm kỹ sư cùng các nhà khoa học muốn khôi phục hoạt động của nó.
Khi vệ tinh nhân tạo Prospero được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Black Arrow vào ngày 28/10/1971, nó đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên ngắn ngủi của nước Anh. Trên thực tế, Prospero là vệ tinh nhân tạo đầu tiên do nước Anh chế tạo được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa của Anh. Nó cũng là vệ tinh cuối cùng mà Anh phóng.
BBC cho biết, nội các Anh đã hủy kế hoạch đưa Prospero vào vũ trụ trước thời điểm phóng, song do lúc đó tên lửa Black Arrow cùng vệ tinh đã sẵn sàng cất cánh nên những người phụ trách chương trình quyết định phớt lờ lệnh của chính phủ và thực hiện kế hoạch. Prospero bay lên quỹ đạo địa cầu từ căn cứ Woomera ở một sa mạc của Australia.
Sau khi được phóng, Prospero thực hiện hàng loạt thí nghiệm để tìm hiểu những tác động của môi trường vũ trụ. Nó ngừng hoạt động vào năm 1973 và vẫn liên lạc với mặt đất tới tận năm 1996.
Vệ tinh nhân tạo Prospero được phóng lên quỹ đạo từ năm 1971 và vẫn ở đó tới tận ngày nay. Ảnh: BBC. |
42 năm đã trôi qua và rất ít người biết rằng Prospero vẫn đang bay trên quỹ đạo. Giờ đây, Roger Duthie, một nghiên cứu sinh tiến sĩ làm việc tại Trung tâm thí nghiệm Khoa học vũ trụ Mullard tại hạt Surrey ở miền nam nước Anh, cùng một số kỹ sư và nhà khoa học, muốn khôi phục hoạt động của Prospero nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày nó bay vào vũ trụ.
Đây không phải là công việc dễ dàng. Prospero được chế tạo bởi Phòng Vũ trụ của Nhà máy sản xuất máy bay hoàng gia Anh tại thành phố Farnborough. Tuy nhiên, phòng này đã bị giải thể từ lâu. Mã liên lạc với Prospero cũng thất lạc.
“Người ta nghĩ những bản báo cáo kỹ thuật liên quan tới Prospero được lập vào thập niên 70 đã thất lạc. Chúng tôi đã nói chuyện với những người từng liên quan tới Prospero và tìm kiếm trong những thùng rác trên các gác mái và lục tung các thư viên trong thành phố Farnborough”, Duthie kể.
Cuối cùng họ thấy những mã liên lạc trên một tờ giấy trong Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại London. Nhưng ngay cả khi thấy mã, các kỹ sư vẫn phải chế tạo thiết bị để liên lạc với vệ tinh và xem phép cơ quan quản lý các đài phát thanh (Ofcom) để được sử dụng các tần số radio của Prospero bởi các tần số này đang được các vệ tinh khác sử dụng.
Sau khi những việc trên hoàn tất, nhóm Duthie sẽ thử nghiệm công nghệ của họ để xem nó có khả năng liên lạc với Prospero hay không. Nếu vệ tinh nhân tạo vẫn “sống”, có thể một số thiết bị của nó vẫn hoạt động.
“Prospero là một báu vật của ngành kỹ thuật Anh. Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem nó vận hành ra sao”, Duthie nói.
Nếu Prospero hoạt động trở lại, nhóm của Duthie có thể tuyên bố rằng họ là những nhà khảo cổ vũ trụ đầu tiên trên thế giới.
Minh Long