Hôm nay (16/5), Công tố viên trưởng Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) Luis Moreno-Ocampo sẽ chính thức yêu cầu các thẩm phán tại tòa án Hague bắt giữ 3 quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền Libya, trong đó có Tổng thống Gaddafi.
Tổng thống Muammar Gaddafi sẽ là một trong số 3 nhà lãnh đạo cấp cao bị đề xuất phải bắt giữ. Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng, hai người còn lại sẽ là cậu con trai Saif al-Islam – người từng được chọn để nối nghiệp Gaddafi, và chỉ huy trưởng tình báo Abdullah al Senussi của Libya.
Ông Luis Moreno-Ocampo đã chuẩn bị một tập tài liệu dày 74 trang với 9 phụ lục làm rõ những cáo buộc về việc quân đội chính phủ dùng bạo lực tấn công dân thường kể từ tháng 2.
Ông Moreno-Ocampo cho biết, ông đã đi tới kết luận: “Có đủ các bằng chứng để đưa ra một lệnh bắt giữ đối với những người kể trên với hai tội danh lớn là tội ác chống lại loài người và tội khủng bố. Chúng tôi đã thu thập được đủ các bằng chứng có sức thuyết phục và chắc chắn để xác định người nào phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho những tội danh của họ. Không có trách nhiệm chính trị, nhưng sẽ có người phải chịu trách nhiệm hình sự mang tính cá nhân cho những tội ác họ đã gây ra ở Libya.”
Tổng thống Gaddafi đang có nguy cơ bị Tòa án Hình sự Quốc tế khởi tố |
Tòa án Hình sự Quốc tế đã đưa ra các cáo buộc trên chỉ trong vòng hai tháng rưỡi, sau khi xem lại hơn 1.200 tệp tài liệu trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu các video, các bức ảnh và tiến hành các cuộc phỏng vấn.
Toàn bộ các thông tin này giờ đã được giao cho 3 vị thẩm phán đến từ Brazil, Italy và Botswana thuộc Phòng 1 Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hague. Có vẻ như các vị thẩm phán ở đây cũng đang đồng tình với những cáo buộc chống lại 3 cá nhân kể trên do Công tố viên trưởng đưa ra. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ đưa ra tuyên bố chính thức trong vòng vài tháng tới.
Trả lời phỏng vấn của tờ Sky News, một nguồn tin thân cận với Tổng thống Gaddafi đã bày tỏ sự bức xúc rằng các công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế đã không thèm tới đất nước của họ trong suốt quá trình điều tra.
Phản pháo lại chỉ trích trên, các công tố viên của Tòa án này cho hay, họ đã làm đúng quy trình công việc của mình. Một nữ phát ngôn viên của ICC đã giải thích: “Chúng tôi đã không tới Libya bởi không muốn đặt bất cứ nhân chứng nào của mình vào vòng nguy hiểm. Một khi chúng tôi có thêm nhân chứng, chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ họ.”
Hiện vẫn chưa rõ khi nào Tòa án Hình sự Quốc tế thực hiện lệnh bắt giữ và liệu điều đó có tác động gì tới cuộc xung đột đang diễn ra ở Libya hay không.
Tòa hình sự quốc tế ICC được thành lập dựa trên Đạo luật Rome năm 1988 với nhiệm vụ xét xử các tội phạm diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội phạm chiến tranh và tội gây chiến tranh xâm lược. Trong trường hợp các nhà lãnh đạo của Libya, việc bắt giữ họ có thể sẽ do NATO thực hiện, tuy nhiên, để thực hiện điều đó, NATO phải tiến hành “tấn công trên mặt đất”. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi Liên Hợp Quốc đưa ra một nghị quyết mới – điều mà hiện tại cả Nga và Trung Quốc đều không đồng tình.
Tính tới thời điểm hiện tại, không nước nào trong số các nước thuộc khối NATO đang tham gia vào hoạt động quân sự ở Libya bày tỏ mong muốn gửi lính đánh bộ tới quốc gia này. Tuy nhiên, phía liên quân vẫn có thể hi vọng rằng việc ban hành lệnh bắt giữ ông Gaddafi sẽ khiến cho những cá nhân thân cận càng muốn đào tẩu hơn nữa bởi sợ bị liên đới.
Trước mắt, có thể thấy rõ rằng thông tin này đang cản trở khả năng tồn tại của một bản thỏa thuận cho việc ông Gaddafi chấp nhận đi sống lưu vong để chấm dứt xung đột.
Kiều Vui (tổng hợp)