Windows 8 vừa trở thành nền tảng “xịn” đầu tiên của Microsoft hỗ trợ hoàn hảo cho cả máy tính để bàn và tablet. Phiên bản mới nổi bật giao diện Metro, mang phong cách khá giống Windows Phone 7.
Hãy cùng chúng tớ trải nghiệm hệ điều hành nóng-hôi-hổi có gì mới và thú vị hơn so với người tiền nhiệm Windows 7 nhé!
1. Giao diện người dùng theo phong cách Metro
Phong cách Metro thường được nhắc tới rất nhiều trong buổi ra mắt Windows 8. Giao diện mang đến những ô vuông, menu ẩn, đồ họa nhiều màu sắc, chữ trắng đậm, cảm ứng chạm đa điểm… Đấy chính là những gì mà hậu duệ Windows 8 có thể tự hào hơn phiên bản trước. Mọi thứ thuộc về Windows 7 đều được hỗ trợ “ngon lành cành đào”.
Tất nhiên, giao diện bóng bẩy và truyền thống của Windows vẫn tồn tại, nhưng bị ẩn đi trong Windows 8. Người dùng có thể tìm lại những giao diện quen thuộc với mình bất cứ lúc nào.
Đoạn video giới thiệu giao diện Metro của Windows 8:
2. Tùy biến
Hai đặc điểm chính của giao diện Metro là cảm ứng và cá nhân hóa, được thể hiện ngay từ màn hình đăng nhập. Người dùng có thể tìm đến màn hình đăng nhập theo sở thích, cũng như lựa chọn 1 trong 3 cách đăng nhập: mật khẩu thông thường, mã PIN hoặc sử dụng hình ảnh. Giải pháp bảo mật bằng hình ảnh cho phép bạn lựa chọn 1 trong những bức ảnh của mình, sau đó thực hiện 3 bước chạm cảm ứng lên màn hình để đăng nhập.
Giao diện ô vuông được thể hiện chuyên nghiệp hơn từ Windows Phone 7, hiển thị những cập nhật mới nhất trong rất nhiều ứng dụng được chọn trước. Không giống như nền tảng trên di động, sự dịch chuyển chủ yếu tập trung vào những thao tác mạnh mẽ, sống động từ trái qua phải. Tuy nhiên, với những ứng dụng nặng, việc dịch chuyển vẫn còn hơi chậm chạp.
3. Cảm ứng chạm
Cũng thật dễ hiểu khi Microsoft ngày càng đặt hy vọng nhiều hơn cho màn hình cảm ứng. Bằng chứng là cảm ứng chạm trong Windows 8 đã cải thiện rõ rệt, nhanh, nhạy và chính xác hơn. Windows 8 hỗ trợ rất nhiều cử chỉ cảm ứng để người dùng có thể điều khiển thiết bị chạy Windows 8 chỉ với 2 đầu ngón tay.
4. Bàn phím
Giao diện người dùng của Windows 8 được thiết kế nhằm vừa sử dụng cảm ứng, vừa sử dụng với bàn phím và chuột. Tất nhiên, Windows 8 là hệ điều hành cảm ứng toàn diện, nhưng không phải thiết bị nào trên thị trường cũng tích hợp màn hình cảm ứng. Có nhiều cách nhập liệu khác nhau được hỗ trợ liệu: 2 bàn phím cảm ứng và chữ viết tay.
5. Dịch chuyển
Tại bất cứ màn hình ứng dụng nào của Windows 8, cú vuốt nhẹ từ cạnh bên trái sẽ kéo ra bảng khởi động (Start Menu) giống như truyền thống. Cạnh bên phải là để dành cho 5 chức năng: tìm kiếm, chia sẻ, khởi động, các thiết bị và cài đặt. Tất cả những mục này luôn được ẩn.
Chức năng tìm kiếm không những cho phép người dùng tìm kiếm nội dung trong máy tính mà còn tìm kiếm ứng dụng. Ngoài ra, nếu 1 ứng dụng đang chạy ở màn hình chính, người dùng vẫn có thể dùng chức năng chia sẻ để cập nhật trang cá nhân Twitter hoặc Facebook.
6. Màn hình Desktop
Windows 8 hỗ trợ đầy đủ những chương trình chạy trên Windows 7. Tuy nhiên, giao diện Metro khiến người dùng thấy màn hình chính của Windows 8 trở nên lạ lẫm trước người anh em Windows 7. Không chỉ bởi giao diện ô vuông, sự xuất hiện của loạt ứng dụng mạng xã hội như Twitter hay Facebook, hoặc chức năng cập nhật RSS trên màn hình desktop… giúp bạn cảm nhận nét mới mẻ ấy.
Trong quá khứ, chưa khi nào ứng dụng mạng xã hội hay chức năng đọc RSS được hỗ trợ như những phần mềm chính trên màn hình desktop (như Office hay Windows Media Player…).
7. Tổng quan
Cùng sự ra đời của OS X Lion, Apple đã xây dựng hình ảnh về 1 hệ điều hành máy tính tương lai và chính Microsoft đã hoàn thiện ý tưởng trên. Và có 1 sự thật mà tín đồ công nghệ phải công nhận, hầu hết người dùng đều bị hấp dẫn bởi những gì Windows 8 đang thể hiện.
Chắc hẳn sẽ có thêm những thay đổi trong bản chính thức, nhưng giao diện người dùng mang phong cách Metro gần như chắc chắn. Thời gian sẽ trả lời, liệu Windows 8 có làm nên kỳ tích nào hay không…