Tinh Hoa

ADB: Lạm phát 2012 còn 11%

Trong năm 2012, lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn 11% nhờ kết quả của việc thắt chặt chính sách và dự báo giá dầu và lương thực toàn cầu hạ nhiệt.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh? Ảnh minh hoạ: internet 

Sáng nay, 14/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam và triển vọng trong tương lai.

Theo ADB, việc thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ nhằm ổn định kinh tế đã làm chậm đà tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2011, tuy nhiên lạm phát vẫn tăng cao ở mức trên 20% trong giai đoạn giữa năm. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2011 và 2012 sẽ ở mức thấp hơn một chút so với Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2011 được đưa ra vào tháng Tư.

Những áp lực tăng đối với giá cả được dự đoán sẽ giảm, mặc dù lạm phát cả năm sẽ vẫn ở mức cao hơn so với dự báo trước đây. Hiệu quả đạt được đối với việc ổn định kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc duy trì thắt chặt chính sách cho tới khi lạm phát thực sự dịu đi.

Đối mặt với tỷ lệ lạm phát hai con số, lượng dự trữ ngoại tệ sụt giảm, và một đồng tiền suy yếu, Chính phủ Việt Nam vào tháng 2 năm 2011 đã cam kết một gói các biện pháp thắt chặt tài chính và tiền tệ—Nghị quyết 11—nhằm kìm hãm lạm phát và ổn định nền kinh tế. Việc thắt chặt chính sách đã làm chậm đà tăng trưởng GDP còn ở mức 5,4% và 5,7% trong hai quý đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả tăng trưởng sáu tháng đầu năm ở mức 5,6%.

Dự báo cho rằng Chính phủ sẽ duy trì chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ cho tới khi lạm phát sụt giảm, niềm tin vào tiền đồng được củng cố, và dự trữ ngoại tệ tiếp tục được tăng cường. Việc thông qua Nghị quyết 11 đã cho thấy các cơ quan chức năng sẵn sàng đặt mục đích ổn định kinh tế vĩ mô lên trên tăng trưởng nhanh, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt.

Việc Chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 trong tháng 6 xuống còn 6,0% (Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2011-2020 đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7%-8%) có vẻ như càng củng cố đánh giá này.

 

Trong nửa sau của năm 2011, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ cao hơn một chút so với nửa đầu năm. Chính phủ đã quyết định áp dụng tăng lương tối thiểu từ ngày 1/10/2011, và điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong tiêu dùng cá nhân. Đợt tăng lương cơ bản này được áp dụng cho cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, và có mức tăng từ 29% tại các khu vực thành thị lớn đến 52% tại các khu vực kém phát triển hơn.

Tuy nhiên, việc chi tiêu ngân sách chính phủ thường có xu hướng tăng lên vào cuối năm. Mặc dù ngân sách cho các cơ quan nhà nước đang phải co lại do giá cả tăng nhanh, các cơ quan này vẫn có thể rút ngân sách từ nguồn quỹ dự phòng thường được dùng cho phòng chống thiên tai.

Trong năm tới, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ ở mức 6,5%, khi mà lạm phát suy yếu và môi trường kinh tế vĩ mô trong nước nhìn chung được ổn định hơn sẽ kính thích các nhà đầu tư và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Mặc dù vậy, tăng trưởng được dự báo vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với mức trung bình 8% của giai đoạn 2003–2007.

Chính phủ đã lên kế hoạch cắt giảm thâm hụt tài chính của năm tới xuống còn 4,5% GDP. Chính phủ cũng có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nếu lạm phát cơ bản có xu hướng giảm.

Lạm phát được dự đoán sẽ hạ nhiệt dần. Sản xuất lương thực sẽ tăng khi ngành nông nghiệp hồi phục sau tác động của thời tiết xấu và nguồn cung thịt lợn được cải thiện (phản ứng với giá tăng cao). Các tác động của việc thắt chặt chính sách—đồng tiền ổn định dần, tăng trưởng tín dụng chậm lại, chi tiêu dùng và đầu tư chậm lại—đều sẽ góp phần kìm hãm lạm phát.

Trên cơ sở những yếu tố đó, lạm phát được dự báo ở mức trung bình cả năm 2011 là 18,7%, được điều chỉnh cao hơn so với dự báo tháng 4 chủ yếu do giá lương thực tăng cao hơn dự báo trước đây. Trong năm 2012, lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn 11,0% nhờ kết quả của việc thắt chặt chính sách và dự báo giá dầu và lương thực toàn cầu hạ nhiệt.

Theo VTC