Tinh Hoa

Cắt amidan từ 20.000 đồng lên… 600.000 đồng

  (Dân Việt) – Theo Bộ Y tế, dự kiến sẽ tăng giá 350 dịch vụ y tế trong tổng số khoảng 3.000 dịch vụ các bệnh viện đang thực hiện. Việc tăng này là do mức thu quy định tại Thông tư 14 (năm 1995) đã lạc hậu.

Cắt amidan từ 20.000 đồng lên 600.000 đồng

Theo Bộ Y tế, dự kiến sẽ tăng giá 350 dịch vụ y tế trong tổng số khoảng 3.000 dịch vụ các bệnh viện đang thực hiện. Việc tăng này là do mức thu quy định tại Thông tư 14 (năm 1995) đã lạc hậu và không tiệm cận với chi phí thời giá hiện nay.

Chi phí giường bệnh và các dịch vụ khám, điều trị sẽ được điều chỉnh tăng.

Chẳng hạn, đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo mức quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 500 đồng đến 3.000 đồng/lần khám, đến nay, theo Bộ Y tế là không đủ mua găng tay, khẩu trang. Do đó, mức điều chỉnh mà Bộ Y tế đề xuất là 6.000-25.000 đồng/lần khám (mức tối thiểu khoảng 6.000 đồng cho trạm y tế xã; các mức cao hơn tuỳ theo khoa, các bệnh viện hạng 1, 2, 3).

“Việc điều chỉnh giá viện phí nhằm thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giúp các cơ sở y tế công lập tồn tại ổn định”- TS Trần Đức Long- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế lý giải như vậy ngày 13.9 về lý do điều chỉnh viện phí ở các đơn vị y tế công lập.

Tương tự, đối với mức thu của giường điều trị nội trú theo quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 4.000-18.000 đồng, trong khi nếu chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải cho 1 giường bệnh cũng đã vào khoảng 10.000- 17.000 đồng; tiền điện, nước, vệ sinh khoảng 10.000 đồng… Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất tăng như sau: Giường tại trạm y tế xã: 10.000- 15.000 đồng/ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30.000-120.000 đồng, giường bệnh điều trị nội khoa từ 20.000-100.000 đồng…

Với các dịch vụ khác, như phẫu thuật, thủ thuật, Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể khung giá tăng từng loại và chắc chắn sẽ cao hơn hiện nay, nhất là với những thủ thuật có gây mê (do tính đủ chi phí gây mê, gây tê, tính đủ chi phí về găng, quần áo phẫu thuật…).

Lấy ví dụ như cắt amidan, giá theo quy định hiện vào khoảng 20.000- 400.000 đồng, nhưng với việc phải sử dụng phương pháp gây mê (tiền thuốc tê là 300.000 đồng/ca, chưa kể tiền bông băng, thuốc sát trùng…) nên Bộ Y tế dự kiến sẽ điều chỉnh tăng vào khoảng 600.000- 700.000 đồng/ca.

Các dịch vụ khác như xét nghiệm, dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán hình ảnh… theo Bộ Y tế sẽ điều chỉnh theo hướng tính đúng, đủ theo thời giá hiện hành.

Không tác động lớn?

Lý giải về việc sẽ tăng 350 dịch vụ viện phí, TS Trần Đức Long cho rằng: Ngoài việc giải quyết bất cập của khung giá từ năm 1995, còn nhằm giảm bớt sự bao cấp tràn lan, gây lãng phí trong khám chữa bệnh ở các đơn vị y tế công lập.

“Nếu thu thấp như hiện nay, Nhà nước tiếp tục phải bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ viện phí. Thu của người có điều kiện trả viện phí cũng là cách huy động sự đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong khám chữa bệnh”- TS Long nói.

Sau khi có ý kiến thống nhất của các bộ và ý kiến của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ ban hành khung giá của 350 dịch vụ dự kiến tăng.

Vậy, đối với người nghèo, người thu nhập thấp có ảnh hưởng của việc tăng viện phí hay không? Trả lời câu hỏi này, TS Long khẳng định: Việc điều chỉnh viện phí lần này không ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ BHYT, gồm người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, đối tượng chính sách, vì chi phí khám chữa bệnh của họ về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn..

Đối với người thuộc hộ cận nghèo cũng không quá lo ngại vì hiện Nhà nước đã hỗ trợ 50% mức đóng BHYT và Bộ cũng đang đề xuất nâng mức tối thiểu lên 70%. Từ năm sau, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với các hộ gia đình thuộc hộ làm nông nghiệp, diêm dân, lâm nghiệp. “Nếu các đối tượng này tham gia BHYT thì về cơ bản không ảnh hưởng lớn của việc tăng viện phí”- TS Long nói.

Trả lời báo chí, TS Trần Đức Long cũng thừa nhận: Việc tăng viện phí là vấn đề hết sức nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh kinh tế – xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định tăng là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, còn là cơ sở, điều kiện quyết định sự tồn tại ổn định của các cơ sở y tế công lập.