“Đã 55 năm, kể từ ngày gặp nhau trên đất Nghệ An, vợ chồng chúng tôi chung sống trong tình yêu thương, hạnh phúc, thuận hòa và đã có 6 mặt con với nhau. Các con chúng tôi đều đã trưởng thành, chúng tôi đã có 7 cháu nội, ngoại và 3 chắt, cửa nhà yên ấm.
Tuy nhiên tội cho vợ tôi – bà ấy mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã 15 năm nay, lại còn bị mỗ K trực tràng cách đây 6 năm, phải khoét bỏ hậu môn, làm hậu môn nhân tạo rất trở ngại cho việc đi lại, sinh hoạt. Suốt ngần ấy năm, cha con chúng tôi hết lòng yêu thương chăm sóc, mặc dù các con chúng tôi đều phải lo công việc cơ quan, đơn vị. Cũng may trời cho tôi còn có sức khỏe nên 15 năm qua đều đặn 2 ngày mỗi tháng tôi còn đưa bà đến bệnh viện bằng xe máy để khám và nhận thuốc. Đó là chưa kể những trường hợp đột xuất khác. Nếu như sự việc chỉ có thế thì không có gì đáng nói, bởi vợ chồng con cái chăm sóc nhau là chuyện bình thường của đạo lý làm người.
Từ đầu tháng 2/2009, đột nhiên bà nhà tôi có triệu chứng tai biến xuất hiện – đầu đau, tim khó thở, chân tay khó cử động. Chúng tôi đưa bà đến phòng cấp cứu bệnh viện và lập tức cho CT, xét nghiệm, siêu âm. Chụp Xquang… Bác sỹ thông báo hội chẩn xác định bà đã bị ung thư, di căn lên phổi và não.
10 ngày nằm ở bệnh viện theo dõi, cuối cùng bệnh viện cho về trong tình trạng bán thân bất toại, với các triệu chứng đau nhức, váng đầu, ho, tâm thần bất ổn, lúc nhớ, lúc quên, ăn uống khó nuốt…
Đã bốn tháng nay, thuốc tây, thuốc nam, châm cứu… nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà cơ thể ngày càng teo gầy, trí óc không còn minh mẫn, không xác định được thời gian, không gian vv… sinh hoạt vệ sinh tiểu tiện không chủ động được.
Năm 1961, khi chúng tôi đã có con đầu lòng, nhân một chuyến đi nghỉ phép ra Hà Nội bà nói với tôi, mẹ con sẽ ghé thăm anh Cơ ở Thanh Hóa, anh có đồng ý không? Tôi không hề ngăn cản, bởi nghĩ cho cùng mình đã là vợ chồng lại có con với nhau. Việc thăm viếng tình cũ là chuyện thường tình. Nếu thật lòng với nhau thì dù có cấm ngăn gặp mặt, trong lòng vẫn còn có chỗ để họ gần nhau. Từ ấy suốt gần 50 năm chúng tôi vẫn đầm ấm hạnh phúc gia đình, con cháu, chắt sum vầy. Không hề có tiếng to cãi vã nhau chứ đừng nói đến xúc phạm thô lỗ.
Bất ngờ trong cơn bạo bệnh, trí não rối loạn, bà lại nhớ đến anh ấy và còn hỏi tôi: – Anh Cơ vào thăm tôi, ông có buồn không?! Chao ôi! Tội nghiệp cho bà nhà tôi ngần ấy năm trời, trong lúc bệnh tình đã làm trí não bà không còn minh mẫn, tất cả mọi điều hầu như quên hết, thế mà riêng người yêu đầu tiên của bà thì vẫn còn in sâu vào bộ nhớ không hề phai nhạt! Tôi thương bà lắm, tôi không hề buồn và trách cứ bởi bà đã dành cho tôi cả cuộc đời từ tuổi thanh xuân đến giây phút cuối cùng của tuổi 75. Tôi trân trọng mối tình đầu của họ bởi đó mới là tình yêu đích thực.
Tôi viết câu chuyện này xin được gửi đến những ai đã có tình yêu và đi đến hôn nhân hãy yêu thương thực sự người mình yêu và biết trân trọng bảo vệ nó.
Tôi cũng kính nhờ quý báo gửi thông điệp này đến với anh Cơ (người yêu cũ của vợ tôi) trước công tác ở ty Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, nếu anh còn sống thì mời anh vào thăm bà ấy trước lúc bà từ giã chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng để cho bà được toại nguyện trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Đã hơn 6 tháng trôi qua, kể từ ngày bức thư được gửi lên một trang web. Câu chuyện đi tìm người yêu đầu tiên cho vợ của bác Trương Đình Đăng có kết cục như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi chân tình với bác Đăng (Một cán bộ về hưu của Công ty xây lắp công nghiệp dân dụng Quảng Nam Đà Nẵng và vợ là cán bộ cấp dưỡng của công ty này) về những ngày đi tìm người yêu đầu tiên cho vợ, lúc vợ sắp lâm chung.
“Đến bây giờ, tôi đã không nhận được hồi âm gì từ anh Cơ. Sau khi bức thư đó đăng lên 15 ngày, bà nhà tôi ra đi mãi mãi. Tôi muốn làm một điều gì đó để bà thoả mãn trước lúc đi xa mà tiếc là bà không được thấy người xưa. Giờ tôi chỉ mong, nếu anh Cơ còn sống, được gặp anh ấy, tôi sẽ nói cho anh ấy hiểu, trong lúc lâm chung, trí não rối loạn, vợ tôi vẫn nhớ đến anh ấy. Tôi mong anh ấy hiểu và thắp cho vợ tôi một nén hương” – Bác Trương Đình Đăng (78 tuổi) tâm sự.
Kể về người vợ của mình, bác Đăng cho biết, bà là người chân thật, thẳng thắn và sống hết mình: “Năm 1961, trước khi ra Hà Nội, bà ấy cũng xin phép tôi vào thăm anh Cơ. Về nhà bà còn kể lại là trêu con gái, “ở với bố Cơ nhé, không về với bố Đăng nữa” nhưng con gái không chịu. Trong cuộc sống vợ chồng, cũng có lúc sóng gió, giận hờn, nhưng có gì không hài lòng, bà đều nói ngay, không ấp ủ, không bóng gió gì. Tôi còn nhớ có lần, tôi nhận điện thoại của người ngoài, nói năng rất nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhưng sau đó bà làm gì không vừa ý tôi, tôi nói nặng lời thì bà bảo ngay: “Tại sao với người ta ông lại nói ngọt lạt thế mà với tôi ông lại gắt?”. Tôi chỉ biết cười và bảo: “Thì người ta có làm anh phật ý gì đâu. Còn bà nói sai ý tôi mà. Nhưng tôi vẫn yêu bà”.
Những lúc mới có con là lúc khó khăn trong cuộc sống vợ chồng. Có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống, không bằng lòng về chuyện lặt vặt, hai vợ chồng nằm xoay lưng lại. Nhưng khi con ngủ ngoan, mùi sữa thơm lừng, chính bà lại là người mở lời trước: “Việc vừa qua anh sai hay em sai?” Và thế là hai vợ chồng lại nói chuyện để tìm cách giải quyết. Tôi quan niệm, giận nhau một phút là mất đi 1 phút hạnh phúc. Giận nhau 1h là mất đi 1h hạnh phúc. Thế nên, phải sống hoà thuận. Muốn vậy, phải tìm được điều tốt nhất của nhau để tiếp tục sống, tiếp tục yêu nhau. Vợ chồng tôi chưa bao giờ nói mày tao chí tớ, luôn tôn trọng nhau và sống chân thật, sống hết mình với nhau.
Ngày bà ấy ở cữ, một mình tôi phục vụ đến nơi đến chốn. Tôi không nề hà giặt giũ đồ đoàn, cơm nước. Nhưng khi bà ấy có thể ra ngoài làm lụng, thì tôi lại là “đứa con cưng” của bà ấy. Thời bao cấp, tôi không biết đến xếp hàng mua thực phẩm, đi chợ. Khi con cái lớn, có gia đình, bà càng chăm tôi hơn. Tôi chưa bao giờ biết giá gạo, giá rau, thịt là mấy. Một tay bà lo. Về nhà là có cơm ngon canh ngọt. Giờ bà ấy mất rồi, tôi mới cảm thấy hẫng hụt, mất mát vô cùng.
Có lúc con cháu đi làm cả ngày, chuẩn bị đồ ăn trưa cho tôi, nhưng tôi không dám vào bếp. Cứ đứng ở bếp là tôi lại nhớ bà. Mấy hôm liền tôi toàn nhịn ăn. Nhìn nồi cơm cắm nửa bơ, chỉ đủ tráng đáy nồi, tôi lại thấy chạnh lòng. Hàng xóm đưa bát cơm sang mời tôi ăn, tôi nhìn bát cơm mà không nuốt được. Nghĩ không có bà, mình phải ăn như thế này đây. Nhưng rồi con cháu động viên, bạn bè khuyên bảo, tôi cố gắng tham gia các hoạt động xã hội khác, tham gia hội nhà văn, nhà thơ. Nhưng cứ đêm về, đặt lưng xuống giường là tôi lại nhớ tới bà.
Là người đến sau, khi mối tình của vợ và anh Cơ bị hai bên ngăn cản, nhưng tôi vẫn công nhận, đó là mối tình rất tốt đẹp nhưng vì hoàn cảnh mà hai người không đến được với nhau: Tôi còn nhớ, gia đình anh Cơ không đồng ý cho anh ấy lập gia đình sớm vì anh ấy còn phải đi học. Sau khi anh Cơ có ý định trở lại, thì anh ruột vợ tôi lại không đồng ý vì anh Cơ chia tay mà không có lý do gì, sống không có thuỷ có chung. Một ngày cũng nên tình, nên nghĩa. Lúc lâm chung, bà ấy vẫn nhớ tới mối tình đầu của mình, tôi rất cảm động vì bà là người sống có tình có nghĩa.
Tuy vậy, tôi chưa bao giờ lo lắng về việc bà ấy có thể bỏ tôi đi theo anh Cơ vì chúng tôi sống rất hoà thuận. Chúng tôi là vợ chồng, có con có cái. Vì sao tôi không ghen với bà ư? Tôi cho rằng, suy nghĩ như tôi thì cuộc sống sẽ đẹp hơn là ghen tuông, đánh đập nhau. Tôi làm thế thì mới trân trọng, yêu thương nhau được.