Tinh Hoa

Khám phá quy trình sản xuất ‘siêu phẩm’ Galaxy S II ở VN

Samsung lần đầu tiên công bố các công đoạn sản xuất điện thoại “hot” nhất trong nhà máy của họ ở khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Quá trình tạo ra điện thoại Galaxy S II ở Việt Nam diễn ra với 3 giai đoạn chính là SMT, TBA và kiểm tra đóng gói.

Quá trình đầu tiên: SMT

SMT (hàn linh kiện bề mặt) là công nghệ gắn các linh kiện điện tử trực tiếp lên trên bề mặt của bo mạch.

Công đoạn SMT sẽ do máy tự động đảm nhiệm và không có sự tham gia của con người. Đầu tiên, bảng mạch trống được cho vào hệ thống Printer để in kem thiếc, sau đó đưa đến Chip Mounter có nhiệm vụ gắn tất cả những linh kiện lên trên đó như chip, trở tụ, RAM hay card màn hình… Tiếp đến chúng được chuyển qua máy Reflow gia nóng nhiệt giúp gắn chặt linh kiện vào bo mạch rồi đến Label in mã số. Cứ qua mỗi công đoạn trên đều có thiết bị kiểm tra chất lượng, nếu phát hiện bất kỳ mạch nào không tốt, hệ thống sẽ loại ra ngoài và chờ xử lý lại.

Quá trình sản xuất Galaxy S II rất phức tạp.

Sau khi các linh kiện được gắn chặt vào bo mạch, thiết bị Function Test sẽ kiểm tra tất cả chức năng của điện thoại như nguồn, khả năng bắt sóng… Tiếp đến máy Bolding có nhiệm vụ bôi keo lên VJ, giúp điện thoại chắc chắn hơn trong quá trình sử dụng rồi làm khô.

Mỗi bảng mạch đưa qua hệ thống SMT là loại to và chúng sẽ được máy Router cắt thành 6 bo mạch nhỏ cho các điện thoại Galaxy S II.

Quá trình thứ 2: TBA

TBA là công đoạn gắn các linh kiện đặc biệt lên main mà máy móc ở SMT không làm được. Khi đó, các nhân công ở nhà máy Samsung sẽ dùng mỏ hàn gắn loa, mô-tơ… lên bo mạch. Sau đó, bo mạch sẽ tiếp chuyển đến máy Function Test để kiểm tra chất lượng.

Công đoạn TBA sẽ do công nhân trực tiếp tham gia.

Quá trình thứ 3: Lắp ráp, kiểm tra và đóng gói

Bo mạch chủ đi qua 2 phần trên sẽ được lắp ráp với màn hình và vỏ để tạo thành điện thoại Galaxy S II hoàn chỉnh. Samsung sẽ lấy một chiếc trong cùng đợt hàng để kiểm tra. Màn thử nghiệm diễn ra với hàng chục quá trình như cho rơi ở độ cao 2 mét, sốc nhiệt (chuyển đổi đột ngột từ âm 40 đến 85 độ C), sốc điện, thử với hóa chất…

Thử nghiệm và đóng gói sản phẩm.

Cuối cùng các công nhân ở nhà máy Samsung sẽ kiểm tra những tính năng cuối cùng như màu sắc màn hình, nghe gọi, rung rồi cho vào hộp, in tem niêm phong để xuất xưởng ra thị trường.

Chất lượng điện thoại Galaxy S II chính hãng

Trước thông tin màn hình điện thoại Galaxy S II chính hãng bị ám màu hoặc không tốt bằng xách tay, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc khu tổ hợp Samsung VN, cho biết 96% điện thoại được sản xuất ở Bắc Ninh là dành cho nước ngoài và 3% cho thị trường trong nước. Chất lượng các sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn quy định, tương đương nhau và không có chuyện hàng ở Việt Nam lại kém hơn ở nước ngoài. Hơn thế nữa, khâu kiểm tra chất lượng ở nhà máy được thực hiện rất khắt khe qua nhiều bước dưới bàn tay con người và cả máy móc chuyên dụng.

Theo ông này, hiện tượng hồng tâm trên sản phẩm là những nhược điểm vốn đã có từ rất lâu, ngay cả trên máy ảnh. Tuy nhiên, do camera chuyên dụng có ống kính lớn, độ phân giải cao nên đã giảm thiểu được hiện tượng này.

Ông Nguyễn Văn Đạo – Phó tổng giám đốc Samsung Vina giải thích các quá trình sản xuất điện thoại ở nhà máy.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh được thành lập cách đây 2 năm với số vốn đầu tư ban đầu là 700 triệu USD. Đây là nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 trên thế giới của Samsung (chỉ sau ở Hàn Quốc). Theo kế hoạch đến năm 2012, SEV sẽ cung ứng 100 triệu sản phẩm ra toàn thế giới. Tổng số nhân viên của nhà máy hiện lên đến 15.600, trong đó 77% là nữ giới.

Thế Mạnh (Ảnh: Thanh Tuấn)