Tinh Hoa

Cậu bé 13 tuổi phát hiện ra “bí mật của tự nhiên”

Cậu bé 13 tuổi Aidan Dawyer đến từ New York đã khám phá ra cách thức giúp thực vật hấp thụ được nhiều ánh sáng, kể cả trong những tháng mùa đông khi mặt trời hầu như bị che phủ. Bạn ấy đã tìm ra điều này nhờ dãy số Fibonacci – một trong dãy số nổi tiếng nhất trong toán học.

Aidan tình cờ phát hiện ra điều này trong kì nghỉ đông. Vốn mê mẩn cách sắp xếp của các cành cây, Aidan quyết tâm phải tìm ra lý do vì sao vào những tháng mùa đông khi ánh sáng rất yếu, cây vẫn có thể hấp thụ đủ lượng ánh sáng mặt trời cần thiết.


Aidan mới chỉ 13 tuổi thôi đấy.

Những quan sát các đường vân gỗ đã đưa Aidan đến với dãy số Fibonacci – một dãy số rất nổi tiếng trong toán học mà Aidan gọi là “những con số thần thánh” trong bài viết được đăng trên website của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ.

Về cơ bản, dãy số Fibonacci là dãy số với hai số đầu tiên là 0 và 1. Mỗi số tiếp sau đó là tổng của hai số xuất hiện trước đó, và các số tiếp theo lần lượt là 1, 2, 3, 5, 8, 13… Những số này, nếu đặt thành các tỉ số, thì tình cờ xuất hiện rất nhiều trong thế giới tự nhiên, điển hình là số cành và lá cây.

Sau khi nhận ra sự sắp xếp các cành trên cây hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, Aidan đã áp dụng kiến thức mà mình tìm được vào việc sắp xếp các tấm pin năng lượng mặt trời.

Aidan tự làm một “cây năng lượng mặt trời” ở ngay sân sau nhà mình. Aidan muốn sử dụng thí nghiệm của mình để chứng minh rằng việc sắp xếp các tấm pin năng lượng mặt trời giống như các cành cây sẽ hấp thu được nhiều năng lượng hơn so với việc đặt các tấm pin nằm như chúng ta vẫn thường làm.

Mô hình “cây năng lượng mặt trời”.

Aidan đã viết trong bài báo cáo của mình: “Cách thiết kế theo mô hình cây sẽ giúp tiết kiệm diện tích hơn cách đặt các tấm pin nằm, đặc biệt tại những nơi hẹp và không nhìn về hướng Nam. Pin mặt trời sẽ thu được nhiều năng lượng hơn vào mùa đông. Bóng râm và thời tiết khắc nghiệt như tuyết hoàn toàn không ảnh hưởng hay khiến các tấm pin bị hư hại vì chúng nằm trên mặt phẳng như bình thường. Cách thiết kế như vậy sẽ rất hữu ích ở các khu vực thành thị vốn hiếm diện tích và khó thu được ánh sáng trực tiếp.”

Nhờ có phát hiện của mình, Aidan Dawyer đã được Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu Nhà tự nhiên học trẻ tuổi năm 2011. Aidan cũng nhận được bằng sáng chế tạm thời và phát minh của bạn ấy sẽ được ứng dụng rộng rãi.